Nhìn thân hình nhỏ xíu bị đạp sõng soài trên nền nhà chỉ biết nằm khóc chịu trận… sao có thể cầm lòng! Khuôn hình cho thấy việc ai nấy làm. Các bé còn lại vẫn ngồi chơi, không rõ phản ứng trước sự việc.
Xem cảnh này chúng ta nhớ tới thuyết “Nhân chi sơ tính bản ác” của Tuân Tử, nhà tư tưởng Trung Hoa thời Chiến Quốc. Ông khẳng định: “Tính” là cái trời sinh ra đã có, vốn thế, không thể học cũng không thể làm ra được. Tính thì ai cũng như ai, thánh nhân cũng như người thường, đều ác cả”. Nói cho rõ là con người tự nhiên vốn đã ích kỷ, lấy mình làm trung tâm, ham muốn hưởng thụ… Bây giờ ta có một cách hiểu khác là “bản năng” hay “phần con” trong mỗi người cần phải được chế ngự, canh chừng luôn luôn. Đối trọng, ta có “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử. Nhưng theo đó cũng có nghĩa là, từ lúc ra đời sẽ có nhiều yếu tố tác động khiến cho tính bản thiện của con người bị vùi lấp, biến dạng... Nhưng dù có thiên về thuyết nào, ta đều phải thừa nhận sự cần thiết của việc hướng thiện, của giáo dục ngay từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ.
Bé trai “thủ phạm” cũng vô cùng đáng thương khi chưa ý thức được hết việc mình làm. Có ý kiến cho rằng chúng bắt chước người lớn hoặc trò chơi điện tử. Nhưng nhà trường cũng không vô can. Bởi “bỏ bê, không quan tâm, không chăm sóc các nhu cầu cơ bản của trẻ, không giám sát và bảo vệ trẻ dẫn đến trẻ có nguy cơ bị tổn hại” cũng là một dạng bạo lực, theo UNICEF. Và vụ việc kể trên, xảy ra tại một nhánh của trường mầm non tư thục Vân Vũ (huyện Việt Yên, Bắc Giang) chính là ví dụ sinh động, khi trường không đủ giáo viên, đồng thời để các cháu độ tuổi khác nhau chung lớp.
Phụ huynh của nạn nhân tưởng rằng gửi con ở trường tư sẽ được chăm sóc kỹ hơn, ai dè… Đáng lưu ý cách đây 3 năm cũng chính tại trường Vân Vũ này có vụ bé trai bị cắn khắp mặt, thâm tím đùi. Nhưng trường ở nơi nhiều khu công nghiệp, nhu cầu gửi trẻ cao nên chỉ kỷ luật giáo viên chứ không thể đóng cửa - phòng giáo dục huyện khẳng định trên báo.
Vụ năm ngoái ở trường mầm non Trumpkids, thành phố Lào Cai mới gọi là “dã man”. Người hành hung bé gái 2 tuổi lại là phụ huynh của một trẻ cùng lớp. Xót con trong quá trình giành đồ chơi với bạn, người đàn ông này đã lao vào tát, giật tóc, dọa nạt cháu bé, bắt xin lỗi trước mặt các cháu khác. Cô giáo chứng kiến nhưng không (kịp) can. Hình như quá trình giáo dục, hướng thiện ở đây có vấn đề dẫn tới sản phẩm người lớn lỗi như vậy.
Trên Facebook, nhà báo Trương Anh Ngọc vừa kể câu chuyện tại lớp học cấp 2 của con gái anh ở Ý. Do có một bạn khóc vì bị chế nhạo là quá béo, cô giáo chủ nhiệm đã thay giờ tiếng Pháp bằng một buổi thảo luận. Các học sinh được khuyến khích nói về những điểm mà mình không hài lòng ở bản thân, có thể là cái chân quá khẳng khiu hoặc giọng hát quá chán. Cuối cùng cô kết luận: “Không ai hoàn hảo cả. Ai cũng có những khiếm khuyết của riêng mình. Có người thì khiếm khuyết ấy lộ ra ngoài, có người có khiếm khuyết không ai nhìn thấy, vì nó ẩn trong tâm hồn. Chế giễu người khác vì những khiếm khuyết không làm ta tốt hơn lên, mà hãy tự hoàn thiện mình, trước hết bằng sự bao dung và kiến thức”.
Cứ cho rằng Tây văn minh hơn ta trong trường hợp nói trên, nhưng chính chúng ta cũng được truyền lại rằng:“Tiên học lễ, hậu học văn”. Chỉ có chúng ta không để ý và không làm theo mà thôi.
NGUYỄN MẠNH HÀ
Nguồn: tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/ho-bao-truong-mau-giao-post1388399.tpo