Đăng ký nguyện vọng đại học 2024: Chuyên gia cảnh báo điều này, thí sinh nên xem ngay

Thứ tư - 24/07/2024 13:38
Khi đăng ký nguyện vọng đại học 2024, các chuyên gia lưu ý, thí sinh nên đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu, đồng thời cảnh báo thí sinh phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn, tránh “đăng ký nhầm”, kết quả không như mong muốn.
Đăng ký nguyện vọng đại học 2024: Lưu ý điểm sàn khác điểm chuẩn

Hiện nay, vẫn đang trong thời gian đăng ký nguyện vọng đại học 2024, vì vậy, thí sinh cần lưu ý đặc biệt về điểm sàn để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền lợi khi tham gia xét tuyển.

Theo các chuyên gia, điểm sàn xét tuyển là ngưỡng điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường đại học và cao đẳng lấy làm cơ sở nhận hồ sơ xét tuyển. Đây chưa phải là điểm trúng tuyển. Điểm chuẩn hay điểm trúng tuyển mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Các chuyên gia cảnh báo, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn.

Trước đây điểm sàn của tất các trường đại học, cao đẳng trên cả nước do Bộ GDĐT quy định nhưng kể từ năm 2018, các trường tự quyết định điểm sàn, Bộ GDĐT bộ chỉ quy định điểm sàn nhóm ngành Sư phạm và Sức khỏe.

Thực tế, vẫn có phụ huynh và thí sinh chưa hiểu rõ về điểm sàn xét tuyển đại học 2024 và đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 diễn ra mới đây.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, điểm sàn mới là điều kiện cần, chưa phải là đủ. Đây là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để đăng ký xét tuyển vào trường đại học chứ không phải là điểm chuẩn.

TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các em cần tham khảo điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển, chứ không phải là căn cứ vào điểm sàn để đăng ký nguyện vọng đại học 2024.
 
D2024072406
Thầy cô của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cung cấp thông tin và giải đáp đầy đủ câu hỏi của các thí sinh về các ngành học của nhà trường tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024”. Ảnh: USSH

Theo các chuyên gia, sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng đại học 2024, nộp lệ phí xong, Bộ GDĐT lọc ảo thì mới đến bước công bố điểm chuẩn. Thí sinh không nên thấy các trường có điểm sàn thấp mà nghĩ rằng điểm trúng tuyển thấp, vì điểm chuẩn có thể sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm sàn. Điểm chuẩn có thể lớn hơn nhiều khi số thí sinh đăng ký thi nhiều, trong khi chỉ tiêu thấp.

Ví dụ năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dao động từ 26,8 - 28,3 điểm, trong khi điểm sàn 20 điểm.

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương công bố mức điểm sàn xét tuyển 2022 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tất cả tổ hợp là 23,5, nhưng điểm chuẩn trúng tuyển các nhóm ngành trụ sở chính Hà Nội và cơ sở II – TP.HCM của trường lại khá cao, ngành thấp nhất lấy điểm chuẩn là 27,5 và cao nhất là 28,4.

Đăng ký nguyện vọng đại học 2024: Xếp ngành yêu thích nhất ưu tiên lên đầu, phải thực hiện đủ quy trình

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, hệ thống lọc ảo giúp thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và năng lực của thí sinh. Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vì vậy các em nên xếp nguyện vọng yêu thích là những nguyện vọng đầu tiên. Hệ thống sẽ xét trúng tuyển cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển với các nguyện vọng được xếp trên đầu danh sách.

Lưu ý về quy trình đăng ký nguyện vọng đại học 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, khi đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đầy đủ quy trình từ đầu đến kết thúc (cả khi đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nếu có). Điều này để bảo đảm hệ thống ghi nhận dữ liệu đăng ký của các em.

"Các em chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi có sự sắp xếp nhầm, chưa đúng với thứ tự ưu tiên mình dự định. Đồng thời, rà soát kỹ điều kiện, thông tin về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có) để chỉnh sửa, hoàn thiện. Cùng với đó, thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình", bà Thủy nói.

Cùng với đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GDĐT thí sinh chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo của trường, không lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển. Điều này giúp các em tránh sai sót về lựa chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển.

Tư vấn cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng đại học 2024, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Trường Đại học Ngoại thương "bật mí" công thức để sắp xếp nguyện vọng xét tuyển theo 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm ước mơ - các nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất.

Nhóm thứ hai là nhóm vừa sức gồm các nguyện vọng thí sinh muốn học và có khả năng đỗ cao.

Nhóm cuối cùng là nhóm an toàn để chống trượt, tránh các rủi ro.

Và từ khóa để thí sinh ghi nhớ xếp thứ tự ưu tiên khi sắp xếp nguyện vọng đại học 2024 là "yêu thích".


Theo Minh Châu Dân Việt
 Từ khóa: thí sinh, tuyển sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây