Tôi nghĩ, việc xả rác nơi công cộng của người dân Việt Nam đã là một thói xấu lâu đời rồi, kiểu như chỉ cần mình nhà em sạch là được, vậy nên người ta cứ vô tư xả rác ra ngoài đường ngõ ngay ngoài cửa vì “đó không phải nhà em”. Ra đường, cảnh người lớn hút thuốc xong vứt ngay mẩu thuốc xuống đường; trẻ con uống sữa, ăn bim bim xong thì liệng ngay vỏ xuống đường là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Nơi khu nhà tôi ở, người ta hay vứt rác ở chân cột điện cho tiện dù hàng ngày đều có xe gom rác lúc chiều tối. Người dân sống gần cột điện tha hồ chửi bới mà rác vẫn xuất hiện ở đó. Thậm chí đến khi người ta phải viết dòng chữ “Chỗ lũ chó đổ rác” mà rác vẫn được đặt ở chân cột điện!
Thực ra, xả rác nơi công cộng chỉ là một ví dụ trong vô vàn biểu hiện của thói sống chỉ biết mình. Thói sống ấy đã tạo nên bao nhiêu là hệ quả, đâu riêng gì việc xả rác xuống biển. Vậy nên yêu biển, thương biển, xót biển chỉ là nơi chót lưỡi đầu môi mà thôi.
Lại nhớ hôm nghỉ Giỗ Tổ 10/3, tôi đi chơi qua đường Trần Phú (đoạn gần ngã tư giao với đường Hùng Vương) thấy người ta đặt một bếp than tổ ong đang đỏ lửa áp vào gốc cây to để tránh gió. Nhìn cảnh ấy mà tôi không khỏi xót xa. Đấy, cứ cái gì có lợi cho riêng mình là làm, mà chẳng cần biết việc làm ấy gây hại cho người khác ra sao. Tư tưởng chỉ biết làm lợi cho riêng mình đã dẫn đến rất nhiều thói xấu mà chúng ta chứng kiến hàng ngày trong xã hội.
Vì vậy, nếu giáo dục người dân có ý thức hơn với cộng đồng, thì phải giáo dục lại toàn bộ lối sống chỉ biết mình ấy.
Cuốn sách “Đắc nhân tâm trong thời đại số” (How to Win Friends and Influence People in the Digital Age) cũng chỉ ra rằng: Sống chỉ biết có mình là cách sống gây nhiều vấn đề nhất.
Ngày xưa thời bao cấp, tôi thấy ở cơ quan mẹ tôi có nhiều câu khẩu hiệu viết trên tường, trong đó có câu mà tôi vẫn nhớ: “Mình vì mọi người / Mọi người vì mình”. Thời bây giờ, nếu chúng ta làm theo được câu khẩu hiệu đó thì tốt biết bao.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn