Cơ sở 4 Đại học Hà Tĩnh (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) bỏ hoang nhiều năm nay.
Trước việc nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn phải sáp nhập do thiếu học sinh, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại cho Trường ĐH Hà Tĩnh thành lập thêm trường tiểu học, THCS, THPT (Báo Giao thông đã phản ánh), ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã đưa ra xem xét công khai trước hội đồng rồi mới ra quyết định đồng ý thành lập trường tiểu học, THCS, THPT thuộc ĐH Hà Tĩnh.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, ĐH Hà Tĩnh đã làm đúng thủ tục pháp lý, được Bộ GD&ĐT, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cho phép thành lập. “Sở dĩ được cấp phép mở thêm các hệ đào tạo công lập là do Trường ĐH Hà Tĩnh có đào tạo sư phạm. Các trường cao đẳng, trung cấp khác nếu xin thành lập trường tiểu học, THCS, THPT nếu được cấp phép thì chỉ mở hệ tư thục”, vị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết.
Trước đó, ngày 5/9, Trường ĐH Hà Tĩnh đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập trường tiểu học, THCS, THPT và khai giảng năm học 2016 - 2017. Theo giới thiệu của Trường ĐH Hà Tĩnh, thạc sỹ Phan Đình Anh là Hiệu trưởng của trường tiểu học, THCS, THPT (ĐH Hà Tĩnh). Theo đó, khóa học đầu tiên của trường THPT có 43 học sinh, chia làm 2 lớp. Hiện, trường tiểu học và THCS vẫn chưa có học sinh nào đăng ký học.
Không chỉ “siêu nhỏ” về số học sinh trong trường THPT, mà ngay cả khoa Nông nghiệp (ĐH Hà Tĩnh) cũng “siêu nhỏ” vì mỗi năm chỉ tuyển được 16-20 sinh viên vào học. Một cán bộ giáo viên Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết, hiện nhà trường chỉ mới đào tạo hệ trung cấp, còn hệ cao đẳng và đại học chưa đào tạo. Năm học 2014, khoa Nông nghiệp có 16 em học; năm 2015 có khoảng 20 em, năm 2016 hiện chưa tuyển. Mặc dù, số lượng học sinh, sinh viên ít như vậy, nhưng lại sử dụng một trụ sở hoành tráng, với 3 tòa nhà cao từ 2 - 4 tầng với hàng chục phòng học, gây lãng phí lớn về tài sản công.
Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, trong khi Trường ĐH Hà Tĩnh sở hữu 4 cơ sở, không sử dụng hết còn cho thuê, thậm chí bỏ hoang, nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh lại phải đi thuê trụ sở để làm việc. Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng ĐH Hà Tĩnh đang “dàn trải” học sinh, sinh viên để giữ đất? Về vấn đề này, một cán bộ Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: “Nhu cầu sử dụng đất của các đơn vị như thế nào thì chúng tôi không nắm được. Trường hợp nếu ĐH Hà Tĩnh xin trả lại trụ sở cho tỉnh, cần phương án bố trí thì chúng tôi mới có ý kiến được. Hiện, các cơ sở của trường đã có phương án bố trí theo các văn bản của tỉnh nên không thể chuyển đi đâu được.”
Theo Trần Lộc Báo giao thông