Rốn lũ rút chậm, thày cô “dựng” lại lớp đón học sinh

Thứ tư - 02/05/2018 01:44
Hết chống chọi với mưa lũ, các thày cô lại gồng mình thu dọn, vệ sinh trường lớp cho học sinh mau được đi học trở lại...

Các cô giáo Trường mầm non Sơn Thủy cùng người dân làm vệ sinh trường khi lũ rút

Không dám đón nhận học sinh

Ngày 21/10, vượt hàng chục cây số đường đang còn ngập trong bùn đất, PV Báo Giao thông mới tới được vùng ngập nặng tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Do thiệt hại lũ lụt nặng nề, tới nay các trường, cụm trường tại đây vẫn chưa thể tổ chức dạy và học cho các em học sinh, các cháu mầm non. Hiện tại các cô giáo, thày giáo tại địa phương vẫn đang tập trung làm công tác khắc phục hậu quả môi trường, tổng vệ sinh trường lớp để có thể đón học sinh tới trường.

Cô Trương Thị Tính, Cụm trưởng Cụm mầm non Mỹ Hòa cho biết: Toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, hệ thống phòng trông giữ trẻ đều bị nước lũ làm hư hại nặng nề. Gần một tuần qua, dù các thày cô và các bậc phụ huynh đã dốc sức làm công tác vệ sinh, hót dọn bùn đất, khắc phục thiệt hại sau lũ nhưng điểm trường này vẫn không đảm bảo các điều kiện tối thiểu để đón nhận các cháu mầm non.

Tại cơ sở chính, Trường mầm non Sơn Thủy, cô Bùi Thị Thương, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Toàn bộ hệ thống điện, cửa ra vào, cửa sổ và trang thiết bị dạy học, đồ dùng sinh hoạt của các cháu đã bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm hư hỏng gần như hoàn toàn. Hệ thống bơm nước, bể chứa nước sạch, giếng nước khoan đã bị nhiễm nước lũ; Hệ thống vệ sinh công cộng tại trường bị tắc, không còn đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các em học sinh trong quá trình sinh hoạt tại trường. Với điều kiện trường lớp như hiện nay, chúng tôi không dám đón nhận học sinh vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu”, cô Thương nói.

Theo ông Trần Đình Nhân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, đợt mưa lũ vừa qua riêng ngành Giáo dục tại địa phương bị thiệt hại khoảng 105 tỷ đồng. “Hiện chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đóng góp ủng hộ các trường vùng lũ lụt của tỉnh Quảng Bình để sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục tổ chức dạy và học cho các em”, ông Nhân cho biết.

Mặc nhà trôi, thày cô vẫn bám trường lớp

Trận lũ dữ từ ngày 13 - 15/10 không chỉ gây hư hỏng hệ thống cơ sở vật chất ở các lớp, cụm trường mà chính gia đình các thày cô giáo vùng lũ cũng bị thiệt hại nặng nề. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” các thày cô giáo vùng lũ đã chấp nhận hy sinh để cứu học sinh, giữ trường lớp.

Cô Bùi Thị Thương kể lại: Khi lũ dữ dâng cao, nhiều cô trong trường cũng có nhà nằm trong vùng ngập lũ. Hay tin nhà bị nước tràn vào, gây nguy cơ ngập, hư hỏng tài sản nhưng vì các cháu học sinh, vì tài sản của trường, các cô vẫn cố nán lại trường để sơ tán học sinh, di chuyển đồ đạc nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ. Trong số các gia đình thày, cô giáo bị thiệt hại do lũ bão, có gia đình cô Trần Thị Nhung (trú xã Hoa Thủy). Khi cô Nhung hoàn thành nhiệm vụ ở trường về chỉ kịp cùng chồng bồng con chạy thoát lũ. Trâu bò, lợn gà, đồ đạc, quần áo trong nhà đều bị lũ cuốn phăng đi cả.

Tính tới nay, vẫn còn 11 trường  tại Hương Khê, Hà Tĩnh bị ngập lụt. Tổng giá trị thiệt hại vật chất của các trường học trên địa bàn gần 8 tỷ đồng. Dự kiến, đến ngày 24/10 các trường mới có thể đi học bình thường.

Trần Lộc

Khi nước lũ rút dần, cô lại tiếp tục tới trường cùng bà con nhân dân địa phương hót dọn bùn đất, vệ sinh trường lớp. Tại điểm trường Mỹ Đức, thuộc Trường tiểu học Sơn Thủy, ngày 20/10, nhà trường đã tổ chức dạy và học cho các em sau gần một tuần mưa lũ. Ngay trong ngày đầu tiên đi học trở lại, đã có 80/88 em học sinh tới trường. Tuy nhiên, vì sách vở, bàn ghế hư hỏng nhiều nên việc dạy và học của thày trò trong trường rất khó khăn.

Thày Võ Đức Kế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại điểm trường Mỹ Đức có 3/6 phòng học bị hư hỏng do nước lũ. Hệ thống nhà vệ sinh, nhà để xe, tường bao quanh trường bị hư hỏng, đổ sập. Sách vở, bàn ghế cũng hư hỏng rất nhiều.

Ban Giám hiệu nhà trường đã phải dùng sách giáo khoa cũ, sách dự phòng để cấp bổ trợ một phần cho các lớp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải bổ sung thêm sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Theo Báo giao thông

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây