Để còn mãi ước muốn "mai đây làm cô giáo"

Thứ ba - 01/05/2018 18:26
Hiếm khi hai cụm từ “tin tưởng” và “hy vọng” lại được sử dụng nhiều đến vậy trong hầu hết bình luận của bạn đọc, sau khi vụ việc cô giáo chấm điểm 8 cho bài văn học sinh viết “canh gà Thọ Xương là món ăn đặc sản" đã được làm rõ ràng hơn…
(minh họa từ internet)

 

Thư gửi bạn

 

Từ phía những người bạn từng biết cô giáo Thủy từ thủa còn là sinh viên, lá thư ngỏ gửi bạn của Nguyen Thuy  thuy.evan@mail.com chắc sẽ giúp mọi người hiểu thêm về nhân vật đang bị biến thành 1 tâm điểm của dư luận này: 

 

“Tôi đã rất sợ khi nghe các bạn học cùng thời đại học thông báo tin này. Không dám mở bài viết đọc ngay, vì sợ có chuyện gì không hay xảy ra với bạn mình. Tôi và Thủy học cùng đại học và chúng tôi đã cùng trải qua những tháng ngày tràn đầy kỷ niệm. Chúng tôi khác xa nhau về hoàn cảnh gia đình. Tôi nghèo, nhưng chưa bao giờ Thủy tự coi mình khác chúng tôi. Thủy rất nhiệt tình trong mọi công việc, kể cả của lớp và từng cá nhân trong lớp. Ra trường, nhóm tôi có 3/5 người đạt bằng Giỏi, trong đó có Thủy. Thủy là cô sinh viên rất chăm chỉ, đối với việc học hành rất chuyên tâm, tỉ mỉ. Thủy đọc sách rất nhiều và cũng đi thư viện rất nhiều. Bài thảo luận nào của lớp, Thủy cũng nhiệt tình đóng góp ý kiến, nhất là đối với chủ đề đối mới phương pháp dạy và học vì đây là vấn đề Thủy rất say mê. Tôi còn nhớ ánh mắt tràn đầy hy vọng và hạnh phúc của Thủy khi cuốn luận văn đại học về chủ đề Đổi mới giờ học ngữ văn hoàn thành.

 

Ngay từ thời học đại học, Thủy cũng đã đi làm thêm khá nhiều dù nhà Thủy rất có điều kiện. Chúng tôi hỏi, thì Thủy đáp đơn giản là muốn có kinh nghiệm cho sau này. Mấy ngày trước khi bài báo về việc này “ra lò”, người từ Thái Bình, người từ Phú Thọ chúng tôi vẫn gọi điện và bàn về chuyên môn với Thủy vì trường tôi chuẩn bị đón đoàn thanh tra. Vẫn chất giọng trẻ trung đầy nhiệt huyết và cách truyền đạt dễ hiểu, khoa học… tôi nghĩ cô bạn của tôi xứng danh là một cô giáo tâm huyết trong nghề, một cô giáo tài năng… Tôi không tin là Thủy sai về kiến thức, mà có lẽ chỉ  mắc lỗi nghiệp vụ thôi. Chúng tôi còn trẻ, tuổi nghề cũng còn ít… Mong mọi người hãy cho Thủy cũng như thế hệ 87 chúng tôi có cơ hội tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp Trồng Người cao cả.

 

Thủy à, gọi cho Thủy không được, mình lo lắng lắm. Nhưng không  thể bắt xe lên Phú Thọ được, vì con mình còn quá nhỏ, lại bận việc ở trường nữa. Chỉ đành mong mỏi rằng ở nơi xa ấy, Thủy hãy cố gắng bình tâm lại để vượt qua cơn sóng gió. Nhóm Tèo luôn tin Thủy và ủng hộ Thủy. Đừng bao giờ nghĩ đến việc bỏ hay chuyển ngành nhé! Mình tin ngành Giáo dục nước nhà cần những người tâm huyết và có tư duy sáng tạo như Thủy”.
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Tháo gỡ thay vì thắt nút

 

Cuộc sống phức tạp thời nay quả là đã khiến cho nhiều người trong XH hoặc là trở nên khắt khe hơn trong cách nhìn nhận cũng như đánh giá về người khác. Hoặc trở nên “ba  phải” như nhận xét của một bạn đọc, để rồi dễ dàng chấp nhận, bỏ qua cho những hiện tượng xấu, miễn không động chạm tới mình… Bởi thế, xem ra trong mọi mối quan hệ XH giờ ngày càng xuất hiện thêm nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ…

 

Có lẽ cũng xuất phát từ cái nhìn theo chiều hướng đó, bình luận của PhươngPT phuongpt78@gmail.com có thể coi là một bài phân tích đáng lưu ý:

 

“Chia sẻ cùng cô giáo Thủy! Bạn đã có chút sơ sót trong nghiệp vụ giảng dạy. Tuy nhiên, đây chỉ là để rút kinh nghiệm thôi, để hoàn thiện thêm sự nghiệp sư phạm của bạn. Không cần phải quá đau buồn đến vậy, mà hãy dũng cảm bước tiếp con đường của bạn. Tôi cảm thông và chân thành chia sẻ với bạn.  Nhân đây, cũng thấy việc đưa tin của một số phóng viên có sự thiếu cẩn trọng cần thiết của người làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về nghề viết: "Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?.." Vậy ở đây, phóng viên đã "viết như thế nào"? Tôi thấy có sự vội vàng, nóng vội khi đưa tin về hiện tượng với cách giật tít bài gây sốc. Khi tác nghiệp, hình như PV chưa nhạy bén để tìm hiểu thêm chiều sâu phía sau hiện tượng, để có được bài báo hoàn thiện với đầy đủ nội dung và bản chất của sự việc.

 

Tôi nghĩ, định hướng dư luận là một nhiệm vụ khó khăn nhưng là bắt buộc đối với bất kỳ người viết báo nào. Nếu là một người làm báo say nghề, tôi nghĩ hoàn toàn có thể có một bài báo hay về sự việc này mà không gây nên tổn thương oan ức cho một giáo viên trẻ như thế. PV hoàn toàn có thể viết một bài báo có ít nhất là 2 phần, với phần một chính là bài báo gây sốc kia, và phần hai là kết quả của lao động báo chí nghiêm túc khi tìm hiểu kỹ sự việc để đi đến kết quả là một bài báo hoàn chỉnh. Mong rằng, các PV khi tác nghiệp luôn thể hiện cái tâm của người làm báo. Viết bài cũng nên chú ý tới "Viết cái gì" và "viết như thế nào", chứ đừng chăm chăm chỉ chú ý đến "viết cho ai" với kiểu đưa tin “nóng hổi” nhưng thiếu chiều sâu. Phản ánh xã hội không phải chỉ nêu lên hiện tượng xã hội, mà cần có phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh liên quan tới hiện tượng đó”.

 

Đào Thị Thanh thanhdt15@gmail.com cung cấp thêm một đầu mối để những ai vẫn giữ cái nhìn còn khắt khe với vụ “canh gà…” có thể “nghĩ thoáng hơn”. 

 

“Là 1 giáo viên, theo cách nhìn nhận của tôi thì lỗi của cô Thủy mắc phải không có gì là ghê gớm mà dư luận phải nói nhiều đến thế. Bất cứ ai cũng sẽ có lúc sai sót, nghề giáo cũng không ngoại lệ. Khi chấm bài cho học sinh, không phải lúc nào cũng như người ngoài cuộc nghĩ, cho các em điểm cũng thường cố gắng cho thật nới tay. Môn Văn yêu cầu giáo viên sửa lỗi và nhận xét vào bài kiểm tra, cũng có lúc chúng tôi làm chưa tốt quy định đó, nhưng đó không phải là lí do quá to tát để dư luận phải “ném đá” vào. Nghề giáo thật buồn, mang tâm huyết đi dạy người mà có lúc lại bị như thế.....”

 

Đồng thời nhiều điều cũng được bạn đọc đúc rúc ra sau “tai nạn nghề nghiệp” của cô Thủy. Trước hết đó là sự mất lòng tin và mất luôn cả hy vọng với ngành giáo dục nước nhà bởi tình trạng trì trệ, thương mại hóa giáo dục… kéo dài đã quá lâu, gây ra những hệ lụy khôn lường cho XH.

 

“Đúng là có lẽ hầu hết ai cũng hiểu câu "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" nói về cái gì. Nhưng điều mà xã hội quan tâm là cái chất lượng Dạy và Học bây giờ xuống cấp trầm trọng, cũng như thói vô cảm, thờ ơ trong XH đã trở nên quá đáng lo ngại. 1 câu thơ bình như thế mà cô giáo cho điểm cao, khiến nhiều người cho rằng không khác nào cổ súy cho những cái sai, cái xấu (điều tối kị trong môi trường giáo dục)…Có thể nói môi trường Sư phạm cũng rất vất vả (vợ tôi cũng là giáo viên), có điều đôi lúc các thầy cô dạy cũng chưa hết khả năng, lương tâm và lòng nhiệt tình của mình trên lớp, trong khi về nhà tổ chức dạy thêm thì rất hăng say… Đó đúng là một thực tế, phải không các bạn?” - Phạm Quang Hưng:  hungphamquang77@gmail.com

 

Một số “vụ tai nạn” tương tự tiếp tục được viện dẫn ra cùng cách ứng xử đầy tình người, có lẽ cũng giúp chúng ta mở thêm những cánh cửa trái tim…

 

“Ủng hộ cô giáo Thủy. Sau khi đọc bài báo về vụ việc "Canh gà Thọ xương" này, tôi muốn kể về trường hợp tương tự của chính mình dù đã xảy ra cách nay mấy chục năm, nhưng với tôi vẫn không thể nào quyên được. Đó là năm tôi học lớp 4, cô giáo của tôi có cho làm một bài văn mà tôi nhớ như in tới bây giờ bởi trong đó có câu ví: "Áo rách khéo vá hơn lành vụng may". Câu đúng của người ta là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì lúc làm bài tôi lại viết thành: “Áo rách khéo vá hơn lành MỤNG may”. Thật tình tôi cũng chẳng biết mình viết sai. Tới ngày trả bài, cô giáo của tôi không đọc hết hết bài của học sinh, mà chỉ nói rằng “Trong lớp có em viết sai một từ, đề nghị về nhà các em tự đọc lại và ngày sau cho cô biết từ sai đó là gì”. Lúc đó tôi nghĩ mình không sai và còn nói “Ai lạ nhỉ”.

 

Tới khi cầm bài kiểm tra từ tay cô đưa lại, tôi đã đọc đi đọc lại 2 lần nhưng cũng không phát hiện ra mình sai. Mãi sau tôi mượn bài của bạn kế bên đọc thì mới phát hiện lỗi từ "Vụng" thành " Mụng". Ngày hôm sau, tôi chủ động gặp cô và nhận: “Người sai đó chính là em”. Cô bảo: “Cô biết em sai, nhưng cô muốn để các em về tự đọc kiểm tra lại sẽ nhớ lâu hơn”. Và đúng thật, tới giờ mặc dù đã bước qua tuổi 50 nhưng không khi nào tôi quên được hai từ đó cùng cô giáo đã giúp mình phát hiện ra sai sót một cách đầy tình người thế nào. Tôi kể câu chuyện thật sự của mình ra, để mong mọi người cùng biết cho rằng: nếu học sinh sai, cô giáo sửa thì chưa chắc gì học sinh nhớ. Mà có lẽ cứ để cho học sinh tự đọc để phát hiện ra sẽ có tác dụng tốt hơn.

 

Tôi tin cô giáo Thủy cũng là người có tâm như cô giáo ngày xưa của tôi vậy. Mong mọi người và báo chí đừng khiến cho sự việc trở thành quá phức tạp. Và hãy cố gắng nha cô Thủy, tôi ủng hộ cô và tin tưởng rằng học sinh của chúng ta đang rất cần những giáo viên có cách giảng dạy mới như Cô…” - Việt Hà:  Song_daiduong1804@yahoo.com.vn

 

Vẫn còn những ý kiến khác cho rằng dư luận và báo chí không thổi phồng sự việc và cũng không có định kiến gì với một cô giáo trẻ mắc lỗi trong công việc. Mà vấn đề ở đây là ngành giáo dục nói chung cần nhận thức rõ lại chính mình để kiên quyết sửa đổi, để sự nghiệp Trồng Người được thực thi đúng  hướng, xóa bỏ đi 1 điểm nóng gây bức xúc kéo dài trong công chúng lâu nay.

 

Song tựu trung lại, vẫn thật đáng mừng khi còn đó nhiều trái tim rộng mở, biết đón nhận và cũng biết chấp nhận…Và cũng rất đáng quý, nếu  lời ca "Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim, mai đây làm cô giáo..." vẫn vang lên đó đây...

Theo Dân trí

 

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây