Ngày 7/2, bà Cao Thị Nồng, 78 tuổi, em gái liệt sĩ Cao Văn Tuất, cho biết có nằm mơ cũng không nghĩ anh trai để lại sổ ghi chép và được cựu binh Mỹ Peter Mathews lưu giữ hơn nửa thế kỷ. Cuốn sổ sẽ giúp gia đình có thêm dữ liệu để tìm kiếm phần mộ liệt sĩ.
Bà Nồng kể, nhận giấy báo tử năm 1972, bố mẹ bà vẫn hy vọng anh Tuất còn sống. Sau nhiều năm không có tin tức, ông bà xác định đã mất con, muốn tìm phần mộ đưa về quê lo hương khói, nhưng không có manh mối gì. "Hơn 15 năm trước, hai thân sinh qua đời, mong muốn ấy vẫn dang dở", bà Nồng nói.
Trong bốn chị em của liệt sĩ Tuất, hiện chỉ còn chị gái Cao Thị Diếu và em gái Cao Thị Nồng, sống tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Việc hương khói cho liệt sĩ hiện do ông Hà Huy Mỳ, 63 tuổi, con trai bà Diếu, đảm nhận.
Theo ông Mỳ, gia đình neo người, lại khó khăn nên từ trước đến nay mới tổ chức một đợt tìm kiếm mộ liệt sĩ Tuất, nhưng không có kết quả. Từ cuốn sổ ghi chép, biết địa chỉ đóng quân của cậu ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), ông Mỳ đã liên lạc với chính quyền hỏi thông tin, nhưng chưa có kết quả.
Chia sẻ rất biết ơn Peter Mathews đã lưu giữ cuốn sổ, ông Mỳ mong sớm được gặp, hỏi xem đã nhặt được ba lô đựng sổ ở đâu, từ đó có thêm manh mối tìm mộ cậu. "Tôi từng đi lính, hiểu rằng trong chiến tranh, ở hai đầu chiến tuyến thì ai cũng muốn giành thắng lợi. Tôi và gia đình sẽ không có trách móc hay có cái nhìn xa lánh đối với cựu binh Mỹ", ông Mỳ nói.
Từng là Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 52, Sư đoàn 3 từ năm 1969 (cùng sư đoàn với liệt sĩ Tuất), ông Nguyễn Quang Tuyển, 83 tuổi, cho biết Trung đoàn 52 trước đây là đơn vị chủ lực của Sư đoàn 3, với ba Tiểu đoàn 7, 8, 9, mỗi đơn vị hơn 500 người. Tiểu đoàn 8 đóng quân ở xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hai đơn vị còn lại ở nơi khác.
Cuối năm 1965, Mỹ mở rộng chiến dịch tìm diệt, tổ chức nhiều trận đánh và càn quét dài ngày. Trung đoàn 52, Sư đoàn 3 là mục tiêu đầu tiên. "Có những trận gần một đại đội hy sinh, phần lớn không lấy được thi thể. Sau này người dân quy tập đưa thi thể hoặc di vật còn lại vào nghĩa trang, đều để phần mộ vô danh, vì vậy khi tìm kiếm rất khó xác định là của của liệt sĩ nào", ông Tuyển nói.
Di ảnh không có, người thân lấy Giấy chứng nhận và Sổ liệt sĩ của liệt sĩ Tuất đặt trên bàn thờ tại nhà người cháu Hà Huy Mỳ. Ảnh: Đức Hùng
Trả lời về thủ tục tìm mộ liệt sĩ Tuất, lãnh đạo Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trước mắt cần gia đình viết đơn bày tỏ nguyện vọng tìm mộ gửi cho tỉnh Bình Định cùng Sư đoàn 3 - đơn vị cũ của liệt sĩ Tuất, địa chỉ hiện nay ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hai nơi này sẽ tiếp nhận và hướng dẫn.
Theo quy định, nếu liệt sĩ hy sinh ban đầu tại tỉnh nào thì tỉnh đó có trách nhiệm phối hợp với quân đội tìm mộ. Nếu tìm được mộ của liệt sĩ Tuất, ngành lao động thương binh sẽ hướng dẫn các thủ tục thăm viếng, cùng quân đội tổ chức cất bốc rồi bàn giao cho tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó cuối tháng 1, Peter Mathews, cựu binh Mỹ 77 tuổi đang sống tại bang New Jersey, thông báo trên tài khoản mạng xã hội "đã tìm thấy cuốn sổ 93 trang của một quân nhân Việt Nam trong trận chiến ở đồi 724, Đăk Tô, tháng 11/1967, rất mong muốn tìm được người thân của chiến sĩ này để trao trả". Trong sổ ghi tên chiến sĩ là Cao Xuan Tuat, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 30/1, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, đã liên hệ với Peter Mathews qua mạng xã hội để trao đổi. Những dữ liệu mà cựu binh Mỹ gửi, ông Tân đã cung cấp cho cơ quan chức năng xác minh, nhận định Cao Xuan Tuat và liệt sĩ Cao Văn Tuất là một. Anh Tuất sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1963, hy sinh năm 1967 khi chưa có vợ con.
Link gốc: https://vnexpress.net/gia-dinh-hy-vong-tim-duoc-mo-liet-si-tu-cuon-so-luu-lac-o-my-4567819.html?fbclid=IwAR3qdrCvyegPjLS28TiqzKVDjgV6YShehKc58gkmnxBeP4KfEkYjym98oZw