Trong đời sống đồng bào dân tộc Thái có một kho tàng văn hóa rất phong phú và đa dạng. Trong đó, gội đầu của người phụ nữ Thái là một nét văn hóa độc đáo không xen lẫn với bất cứ một dân tộc nào khác. Bởi hầu hết phụ nữ Thái khi lấy chồng đều phải búi tóc (tẳng cẩu).
Tẳng cẩu vừa là minh chứng rằng người con gái Thái đã có chồng, cũng vừa có một ý nghĩa nữa là chiếc tẳng cẩu này mang theo một phần hồn vía (phi khuôm) của người chồng. Vì thế mà người phụ nữ Thái không được tự ý thả tóc xuống, nếu không sẽ làm mất sự may mắn, đem đến sự đen đủi, ốm đau, bệnh tật cho người chồng. Thậm chí, cả lúc gội đầu cũng phải xin phép và như trước đây chỉ khi nào người chồng có mặt ở nhà thì người phụ nữ Thái mới được gội đầu...
Phong tục gội đầu của người Thái Đen được tái hiện lại trên dòng sông Đà, đoạn chảy qua huyện Quỳnh Nhai - nơi hằng năm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc sau dịp Tết Nguyên Đán, trong đó có lễ hội gội đầu.
Theo quan niệm, do tẳng cẩu mang theo một phần hồn vía của chồng, nên mỗi khi thả tóc, gội đầu, phải niệm xin phép hồn vía, ma nhà của nhà chồng để tránh cho chồng khỏi bị ốm đau, bệnh tật. Do vậy nên khi chồng đi xa hoặc vắng nhà lâu ngày họ không được phép gội đầu, để trách cái xấu đến với chồng mình.
Phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng đều phải tẳng cẩu.
Bà Tòng Thị Món, năm nay đã 85 tuổi, ở bản Bo (xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai) là người rất am hiểu văn hóa gội đầu của dân tộc Thái. Là người Thái nên khi về nhà chồng bà cũng phải tẳng cẩu theo phong tục của dân tộc mình. Bà Món chia sẻ: Người phụ nữ Thái đã tẳng cẩu thì phải giữ đến hết đời, không được tự ý thả tóc xuống, lần nào muốn thả tóc gội đầu phải nói vài lời xin phép hồn vía của chồng.
Theo bà Món, do điều kiện sống, sinh hoạt, những người phụ nữ Thái rất hạn chế gội đầu, một tuần họ chỉ gội 1 đến 2 lần, thậm chí 2-3 tuần mới gội một lần. Khi thả tóc xuống họ thường có những câu niệm xua đuổi cái xấu và cầu những điều may mắn đến với người thân và gia đình như: "Cái xấu, bệnh tật, cái không tốt đẹp, may mắn, theo dòng nước chảy hết vào đất, vào hang hốc. Cái may mắn, tốt đẹp hãy đến với gia đình...".
Ngoài ra, người Thái còn có tục gội đầu ngày 30 tết, thời điểm trước khi bước sang năm mới, phải gội đầu để rũ bỏ những gì không may mắn của năm cũ sẽ trôi theo dòng nước, đón một năm mới nhiều điều tốt đẹp.
Khi thả tóc gội đầu phải làm lễ xin phép hồn vía của chồng để tránh việc mang điều không may mắn về cho chồng và gia đình.
Trước đây, người phụ nữ Thái thường để mái tóc rất dài, rất ít khi cắt tóc, họ có bí quyết chăm sóc tóc riêng là gội bằng lá cây rừng hoặc nước vo gạo nếp. Nước gạo nếp được ngâm từ 2-3 ngày cho đến khi có mùi thum thủm, rồi lọc lấy phần nước cốt đặc làm nước gội đầu. Theo kinh nghiệm của người Thái, chăm sóc tóc bằng nước vo gạo như vậy không chỉ làm cho mái tóc đen, mượt, mà còn rất sạch tóc, ít khi xơ tóc và rụng tóc.
Từ xa xưa, do điều kiện sống và lao động sản xuất, làm nương làm rẫy trên đồi, núi cao, cách xa nhà, phải đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn mới về nên người Thái đã sử dụng gạo nếp, đồ thành xôi mang theo ăn trên nương vào buổi trưa. Khi vo gạo họ thường giữ lại phần nước để làm nước gội đầu. Nước gạo rất nhiều dưỡng chất nên mái tóc của người phụ nữ Thái lúc nào cũng đen, dài, mượt một cách tự nhiên, mà không phải dùng bất cứ một loại mỹ phẩm hay dầu gội nào trên mà tóc vẫn luôn đẹp.
Tẳng cẩu của phụ nữ Thái rất đẹp.
“Khi người phụ nữ có ý định thả tóc hoặc gội đầu, họ phải niệm xin phép hồn vía của chồng mới được thả tóc. Nếu đã tẳng cẩu rồi muốn thả hẳn tóc xuống thì phải làm lễ cúng thật to để xin phép tổ tiên và ma nhà của nhà chồng và phải được sự đồng ý, cho phép của họ hàng hai bên gia đình nhà trai, nhà gái mới được làm”, bà Món chia sẻ thêm.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống, những thủ tục bắt buộc đã lỗi thời trước đây trong việc gội đầu của phụ nữ Thái đã dần được bỏ đi. Thay vào đó, phụ nữ Thái đã chuyển sang dùng dầu gội, nhanh hơn, tiện hơn. Chỉ còn số ít những người già còn dùng nước vo gạo thật đặc, để chua 3 ngày mới dùng gội đầu. Và việc gội đầu của phụ nữ Thái không nhất thiết phải có mặt chồng ở nhà như trước nữa. Bởi người đàn ông dân tộc Thái giờ đây cũng đã biết rời xã, bản đi làm ăn xa hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời, người phụ nữ không thể chờ chồng về mới được phép gội đầu... Tuy nhiên, việc gội đầu, chăm sóc tóc của người phụ nữ Thái vẫn được coi là một nét văn hóa độc đáo.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn