Tăng lương tối thiểu vùng càng sớm càng tốt

Thứ sáu - 22/04/2022 07:38
Ông Nguyễn Tú Anh, thành viên độc lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, chia sẻ với những lo lắng của các hiệp hội ngành hàng nhưng nhấn mạnh không nên lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sau ngày 1-7-2022

.Phóng viên: Thưa ông, Hội đồng Tiền lương (HĐTL) quốc gia ngày 12-4 đã bỏ phiếu với số phiếu đồng thuận rất cao thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng với mức 6% cho người lao động (NLĐ) từ ngày 1-7-2022 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Vì sao chúng ta phải tăng LTT vùng cho NLĐ và mức tăng này có phù hợp?
 
D2022042204 1


- TS NGUYỄN TÚ ANH: Việc tăng LTT vùng vào thời điểm hiện nay như thống nhất của HĐTL quốc gia là vô cùng cần thiết, phù hợp vì 3 lý do.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng bị giảm đi rất nhiều so với xu thế chung của chúng ta trong 35 năm đổi mới vừa qua, thì doanh nghiệp (DN), người dân, đặc biệt là NLĐ tại các DN có mức lương thấp, bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong bối cảnh như vậy, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, dùng tất cả nguồn lực có thể để hỗ trợ DN, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng thông qua các gói hỗ trợ. Hiện nay, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ DN và người yếu thế. Trong năm 2021, chúng ta không tăng LTT cho NLĐ. Đây là một quyết định thực sự rất khó khăn bởi lúc đó, NLĐ rất khó khăn song các DN cũng bị thiệt hại rất nặng nề.

Bước sang năm 2022, kinh tế quý I tăng trưởng 5%, dự kiến cả năm sẽ tăng trưởng 6,5% trở lên. Lợi ích tăng trưởng này cần được chia sẻ cho các bên: DN, Nhà nước và người dân - trong đó đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp. Chúng ta thấy rằng DN đang được hưởng lợi từ các gói hỗ trợ của Chính phủ (giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ lãi suất, tín dụng…) thì NLĐ - nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp - cần phải được chia sẻ lợi ích từ phục hồi tăng trưởng. Do đó, việc tăng LTT vùng chính là để hỗ trợ phần nào thu nhập cho những NLĐ yếu thế có mức lương thấp.

Thứ hai, trải qua đợt dịch Covid-19, cuộc sống của những người thu nhập thấp đang đối diện rất nhiều rủi ro, bấp bênh và cả nhiều cú sốc lớn. Cuộc sống của họ phải tăng thêm chi phí để phòng ngừa những rủi ro về bệnh tật, những cú sốc bên ngoài không lường trước được (như nhiều NLĐ tại TPHCM phải bỏ về quê thời điểm tháng 9, 10-2021). Do đó, khi đi làm trở lại, NLĐ mong muốn làm sao phải bảo đảm an toàn, mức lương phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình. Chính vì thế, để bảo đảm NLĐ yên tâm quay trở lại làm việc, thị trường lao động hoạt động bình thường và thu hút được nhân lực vào các trung tâm công nghiệp, việc tăng LTT vùng là không thể tránh khỏi và cần phải làm nhanh để hỗ trợ NLĐ.
 
D2022042204 2
Tăng lương tối thiểu vùng không chỉ san sẻ khó khăn với người lao động mà còn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.Ảnh: MAI CHI

Thứ ba, rất nhiều DN hiện nay đã trả lương cao hơn mức LTT vùng theo quy định. Cùng với đó, DN cũng đang thiếu hụt lao động. Việc tăng LTT vùng sẽ giúp những NLĐ đã rời bỏ thị trường lao động quay trở lại, giúp DN giải bài toán thiếu hụt lao động.

.HĐTL quốc gia đề xuất tăng LTT vùng cho NLĐ từ ngày 1-7-2022, theo ông có phù hợp?

- Theo quan điểm của tôi, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi từ quý IV/2021. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể quyết định được có tăng lương hay không bởi muốn tăng lương vào đầu năm 2022, HĐTL quốc gia phải bàn thảo từ tháng 7-2021. Thời điểm đó, nền kinh tế của chúng ta đang trong hoàn cảnh rất khó khăn bởi dịch bệnh và chưa ai có thể lường được đầu năm 2022 sẽ ra sao. Tuy nhiên, bước vào đầu năm 2022, nền kinh tế đã có đà phục hồi khá bền vững. HĐTL quốc gia đã khởi động, tính toán ngay để có thể bàn thảo, đề xuất tăng LTT cho NLĐ.

Căn cứ các yếu tố trên cơ sở khoa học, hài hòa lợi ích, HĐTL quốc gia đã đề xuất tăng LTT vùng từ ngày 1-7-2022 là rất phù hợp, kịp thời hỗ trợ NLĐ và việc tăng lương cũng không ảnh hưởng nhiều đến DN, không ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Do đó, cần phải tăng LTT vùng càng nhanh càng tốt.

Đối với mức tăng 6%, trong bối cảnh hiện nay, đây là sự chia sẻ giữa NLĐ với DN và là mức hợp lý. Nếu đáp ứng được thì LTT vùng có thể cần phải tăng cao hơn. Nhưng vào thời điểm hiện nay, DN vừa phục hồi, như người yếu mới khỏi ốm, phải chịu rất nhiều sức ép, thì mức 6% là phù hợp.

.Thưa ông, ngày 14-4 vừa qua, 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian áp dụng tăng LTT vùng từ 1-1-2023 thay vì từ 1-7-2022. Ông có ý kiến gì về kiến nghị này?

- Tôi chia sẻ với quan điểm của các hiệp hội ngành hàng. Thực ra, việc tiết giảm được chi phí vào thời điểm hiện nay là tốt cho DN. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên độc lập của HĐTL quốc gia, đứng trên quan điểm lợi ích tổng thể của quốc gia, tôi cho rằng không nên trì hoãn việc tăng LTT vùng đến ngày 1-1-2023 mà cần phải thực hiện tại thời điểm ngày 1-7-2022 như đề xuất của HĐTL quốc gia cũng như những căn cứ mà tôi đã phân tích ở trên.

Việc tăng LTT vùng không chỉ hỗ trợ NLĐ mà còn giúp DN phục hồi sản xuất, thu hút NLĐ vì DN đang thiếu lao động, nhất là các DN phía Nam. Ở góc độ NLĐ, họ không chỉ căn cứ vào mức tiền lương giữa người chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận với nhau, mà cần có một sự bảo đảm về an sinh xã hội tính trên tiền LTT. Chính vì vậy, tăng LTT vùng phản ánh một thông điệp vô cùng quan trọng: Chính phủ cho phép NLĐ có một điểm tựa lớn hơn trong thỏa thuận tiền lương với giới chủ. Khi NLĐ có vị thế hơn, họ sẽ yên tâm hơn khi quay trở lại làm việc, giúp DN giải quyết vấn đề thiếu lao động trong thời điểm hiện nay.

Chúng ta cần phải nhìn nhận kỹ trong năm 2022, tất cả các nước theo nền kinh tế thị trường tự do - từ Mỹ đến Anh, các quốc gia châu Âu… - đều tăng LTT với mức rất cao. Không lý do gì chúng ta không tăng lương cho NLĐ trong năm 2022. Tôi chia sẻ với những lo lắng của các hiệp hội ngành hàng nhưng tôi nhấn mạnh: Chúng ta không nên lùi thời điểm tăng LTT.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đều cho thấy khi LTT vùng tăng lên thì năng suất lao động tăng lên. Việc tăng LTT vùng sẽ tạo tâm lý phấn khởi cho NLĐ khi họ thấy được sự quan tâm từ phía nhà nước, DN và họ sẽ dốc sức hơn trong lao động, sản xuất. Khi tư tưởng đã "thông" thì họ sẽ nỗ lực hơn và cống hiến hơn cho DN. Khi đồng hành cùng nhau, lợi ích lâu dài sẽ chia sẻ cho tất cả các bên.

.Ông có lo ngại nếu tăng LTT, sẽ có những DN đối phó bằng cách cắt giảm các khoản thu nhập khác của NLĐ?

- Chuyện này có thể có trong thực tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ DN đàng hoàng sẽ không bao giờ đối phó như vậy bởi muốn phát triển bền vững thì chắc chắn phải xây dựng mối quan hệ hài hòa, bền vững. Còn nếu DN nào cố tình vi phạm thì sẽ có những công cụ quản lý của nhà nước để điều chỉnh, chế tài.
 
VĂN DUẨN thực hiện
Theo nld.com.vn


Link gốc: https://nld.com.vn/cong-doan/tang-luong-toi-thieu-vung-cang-som-cang-tot-20220421201638146.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây