Hà Tĩnh: Xuất khẩu mủ cao su khó đi chính ngạch

Thứ bảy - 16/11/2019 10:06
Mặc dù đã từng hợp tác với 3 – 4 doanh nghiệp phía Trung Quốc để xuất khẩu mủ cao su, tuy nhiên, khoảng 7 năm lại nay Cty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh phải chuyển hướng tiêu thụ nội địa do vướng cơ chế chính sách từ phía nước bạn.
Cty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) hiện có hơn 1.800 ha cao su đưa vào khai thác; sản lượng mủ chế biến bình quân hàng năm đạt gần 2.000 tấn.
 
T2019111603
Việc tìm kiếm đối tác xuất khẩu mủ cao su sang Trung Quốc của Cty cao su Hà Tĩnh những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Trước năm 2012, sản lượng mủ chế biến của Cty được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Trưởng phòng kinh doanh (Cty cao su Hà Tĩnh) cho hay, thời gian đầu mới hợp tác, giá mủ tương đối ổn định, hàng đưa sang nước bạn lấy tiền về ngay. Tuy nhiên, được một thời gian, thị trường bắt đầu bấp bênh, mủ đưa ra cửa khẩu có khi chờ cả tháng không làm được thủ tục, giá bán thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Cty.

“Năm 2012 chúng tôi vận chuyển hàng chục tấn hàng ra Bắc để làm thủ tục xuất khẩu, nhưng do phía đối tác “ép” giá nên Cty phải thuê kho lưu giữ hàng. Chờ mãi giá mủ không lên nên năm 2014 Cty lại thuê xe ra chở 20 tấn trở về, vì chi phí thuê kho bảo quản quá cao”, ông Thanh nói.
 
T2019111603b
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp nước bạn thu mua mủ với giá quá thấp.

Theo vị Trưởng phòng, lâu nay thị trường Trung Quốc thay đổi cơ chế liên tục, đặc biệt là hay “ép” giá thu mua nên việc xuất khẩu mủ đi chính ngạch qua nước này là rất khó. Thậm chí, các Cty ở Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, dù ở gần Trung Quốc nhưng cũng chấp nhận chịu chi phí vận chuyển cao, đưa mủ về nhà máy của Cty cao su Hà Tĩnh chế biến để bán cho Cty TNHH Sailun Việt Nam, đóng tại tỉnh Tây Ninh.

“Có nhiều năm giá thu mua mủ của doanh nghiệp Trung Quốc thấp hơn giá sàn quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Cty không có lãi, thậm chí lỗ vốn nên đành tạm ngưng xuất khẩu”, ông Thanh chia sẻ.

Tính đến cuối tháng 9/2019, Cty cao su Hà Tĩnh đã chế biến được hơn 1.000 tấn mủ các loại: SVR 3L; mủ ngoại hạng và mủ SVR10.

Với việc đầu tư dây chuyền hiện đại, nhà máy chế biến mủ cao su Hà Tĩnh có thể chế biến tối đa 4.500 tấn/năm. Chất lượng sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu.

Năm 2019, Cty TNHH Sailun Việt Nam ký hợp đồng tiêu thụ hơn 1.000 tấn mủ cho Cty cao su Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do nhu cầu phía Cty Sailun lớn nên lượng mủ Cty cao su Hà Tĩnh chế biến được bao nhiêu doanh nghiệp này cũng bao tiêu hết.

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc Cty cao su Hà Tĩnh, hiện nay việc tiêu thụ mủ của Cty đang tương đối ổn định.

Tuy nhiên, sắp tới, khi toàn bộ diện tích của Cty và Cty TNHH MTV cao su Hương khê đưa vào khai thác đồng loạt thì câu chuyện đầu ra cho sản phẩm là một bài toán khác.

“Nếu có cơ hội, chúng tôi vẫn thúc đẩy xuất khẩu mủ cao su sang Trung Quốc qua đường chính ngạch”, ông Toàn nói.
 
T2019111603c
Sắp tới, khi các Cty cao su trên địa bàn Hà Tĩnh đưa vào khai thác mủ toàn bộ diện tích thì thị trường đầu ra cần có sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của các bộ ngành Trung ương.

Tổng Giám đốc Cty cao su Hà Tĩnh nhấn mạnh thêm, phía Cty mong muốn trong quá trình các bộ ngành của Việt Nam xúc tiến hợp tác với các bộ ngành Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tích cực tìm kiếm, ký kết những hợp đồng dài hạn, có quy mô với phía doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến vấn đề giá thu mua, góp phần hỗ trợ các Cty sản xuất mủ cao su trên địa bàn cả nước nói chung, Cty cao su Hà Tĩnh nói riêng có thêm nhiều lựa chọn, ổn định thị trường đầu ra.
 
Theo Thanh Nga/Quang Bửu/Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây