Ngày 18-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập là công tác giữ nghiêm kỷ cương trật tự xây dựng và quy định không cần giấy phép cho nhà ở tại nông thôn sát với đô thị…
Kỷ cương không nghiêm trong xây dựng
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) phản ánh tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về trật tự xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. “Phạt thì nhẹ, lại cho tồn tại nữa và sau đó xử lý thì chỉ có mấy ông trật tự xây dựng phường. Ai làm trong hệ thống chính trị đều thừa biết là ở cấp phường chả có quyền hành gì” - ông Dũng nói.
Nhắc lại sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực nằm gần với trụ sở Quốc hội, ông Dũng cho rằng sai phạm từ nhiệm kỳ trước đã được phát hiện nhưng đến nay xử lý chưa xong, chỉ có một vài cán bộ cấp phường, quận bị xử lý trong khi họ không có thẩm quyền quyết định nhiều trong việc cho xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực.
“Kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật thì phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - ông Dũng nói.
Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng để giữ nghiêm kỷ cương trật tự xây dựng thì phải trị phần gốc là xử lý cán bộ bao che, tiếp tay cho sai phạm chứ không nên chỉ tập trung “cắt ngọn” công trình sai phạm vì đây chỉ là giải pháp tình thế.
“Nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc đó. “Cắt ngọn” công trình phải đồng thời cắt chức vụ của những người có trách nhiệm” - ông nói.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) phát biểu. Ảnh: Trọng Phú
Xây nhà ở nông thôn giáp đô thị cũng phải xin phép
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) thì đề nghị cần xem lại quy định về nhà ở nông thôn không phải xin phép xây dựng (Điều 89 của dự luật).
Theo ĐB Tuyết, khái niệm nông thôn ở các tỉnh khác với nông thôn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tại TP.HCM có nhiều trường hợp xây dựng sai phép tại khu vực này và rất khó xử lý.
“Nông thôn ở TP.HCM mà không cấp phép xây dựng thì chỉ cần một vài ngày thôi là như nấm mọc sau mưa. Các quận, huyện của TP.HCM đều đề nghị là phải cấp phép ở chỗ này, chứ không thể (quy định - PV) như thế này được… Nếu không sẽ phá vỡ hết quy hoạch ở nông thôn” - ĐB Tuyết nói.
Liên quan đến quy định nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không cần cấp phép xây dựng, cũng không cần phải thông báo cho cơ quan quản lý về trật tự xây dựng ở địa phương của dự thảo luật, ĐB Tuyết cho rằng không phù hợp với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Các đô thị lớn cần phải có một quy định riêng điều chỉnh để công tác quản lý trật tự xây dựng được tốt hơn.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng việc cấp giấy phép quản lý trật tự xây dựng ở đô thị quy định khá rõ, còn ở nông thôn chưa thực hiện. Ông cho hay tại nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới, người dân góp đất làm đường nhưng nhà cửa thì “người xây ra, người xây vào” không theo quy định nào. “Vừa rồi chúng ta rút kinh nghiệm xử lý nhiều khu dân cư chưa đạt chuẩn. Hiện quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, nếu không đưa cái này vào quản lý thì bất cập” - ĐB Sơn nói.
Phá nát quy hoạch gây sức ép hạ tầng giao thông
Tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng nhiều quy hoạch bị điều chỉnh, phá nát đã gây nên tình trạng ùn ứ giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông, công tác quy hoạch hiện nay làm rất kỹ, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành, địa phương, có cả hội đồng phản biện, công bố, lấy ý kiến cộng đồng… “Tuy nhiên, bất cập là chúng ta làm quy hoạch thì kỹ nhưng thay đổi cục bộ quy hoạch lại quá đơn giản. Chỉ cần UBND địa phương cùng vài sở, ngành quyết định là có thể điều chỉnh ngay. Chính điều này sẽ phá vỡ quy hoạch” - ông nói.
Theo đó, ông đề nghị cần siết chặt việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng cấp nào ban hành quy hoạch, bao nhiêu hội đồng thì khi điều chỉnh cũng phải là cấp đó điều chỉnh với ngần đấy hội đồng đồng ý. “Như vậy mới đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng một vài cá nhân khi điều chỉnh khu A, khu B phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, gây bức xúc xã hội” - ông nói.
Dân phố cổ sửa nhà rất khó khăn
Người dân khu vực Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở là điều rất khó khăn. Có những ngôi nhà mà dân phải sống trong cảnh mấy chục năm không có ánh sáng. Thậm chí vẫn còn có những nhà sử dụng những loại hố xí hai ngăn mà không thể và không được phép cải tạo. Luật cần điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện cho người dân nhưng đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa của phố cổ.
ĐB ĐÀO THANH HẢI (TP Hà Nội)
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo Plo.vn