Dự án nuôi cá bơn, cá mú ở Hà Tĩnh thất bại: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ sáu - 14/12/2018 22:54
Mặc dù đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước nhưng chỉ sau một năm sản xuất, mô hình hợp tác với Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông) trong thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2020 đã bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro và thất bại là kết quả tất yếu mà trước đó ai cũng dự đoán được. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dư luận…

Lựa chọn mạo hiểm và quản lý lỏng lẻo dẫn đến… thất bại!

Thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2020 (Đề án), đầu năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo 3 huyện ven biển ( Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) tổ chức thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn các huyện. Mỗi huyện xây dựng một mô hình, trong đó nuôi cá mú bằng lồng trên ao đát cát lót bạt theo modun thiết kế định hình với diện tích 4ha.

Các doanh nghiệp: Công ty TNHH Như Nam, Công ty Cổ phần Sản Xuất và NTTS Hoàng Dương, HTX Viết Hải là ba đơn bị đầu tiên được lựa chọn đầu đã đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng. Theo phản ánh của các đơn vị tham gia, ngay từ đầu, việc chọn đối tác liên kết sản xuất là Công ty TNHH Phát triển Fineton (Hồng Công, Trung Quốc) liên kết thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều rủi ro bởi bản thân Công ty TNHH Phát triển Fineton là một doanh nghiệp chuyên hoạt động ở lĩnh vực khai khoáng.

Vì không có kinh nghiệm, tay nghề trong lĩnh vực nuôi trong thủy, hải sản nên suốt quá trình hợp tác, đơn vị này chỉ đóng vai trò trung gian, mô giới. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty TNHH Phát triển Fineton là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguồn cá giống cho các đơn vị tham gia sản xuất.

Tuy vậy, ngay từ lô cá đầu tiên nhập vào nước ta qua cửa khẩu tiểu ngạch đã bị cơ quan kiểm dịch thú y Việt Nam từ chối nhập cảnh vì toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa không hợp lệ.

Do phía công ty Fineton không thực hiện tiêu thụ theo đúng hợp đồng đã ký, đến thời điểm thu hoạch, các doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng tiêu thụ nên bị động, lúng túng trong tìm thị trường tiêu thụ, dẫn đến việc các đơn vị phải kéo dài thời gian nuôi, lưu giữ cá trong ao.

Một số lượng lớn cá lưu giữ gặp rét, cá bị chết rét; một số do nuôi kéo dài không đúng thời vụ, thời tiết bất lợi đã phát sinh dịch bệnh chết; một số cá bị ảnh hưởng của sự cố môi trường tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp. Theo báo cáo của các đơn vị tham gia đề án, ngay từ vụ nuôi đầu tiên, các đơn này đều bị lỗ từ 7 đến 9 tỷ đồng/năm.

Hầu hết cơ sở hạ tầng đầu tư để nuôi cá bơn, cá mú đã được các đơn vị “tận dụng” nuôi loại hình thủy sản khác với hiệu quả cao hơn.

Hầu hết cơ sở hạ tầng đầu tư để nuôi cá bơn, cá mú đã được các đơn vị “tận dụng” nuôi loại hình thủy sản khác với hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó việc lựa chọn “nhầm” đối tác dẫn đến vỡ liên kết sản xuất, tiêu thụ, không ít người trong cuộc cho rằng, đa phần các đơn vị được tỉnh lựa chọn tham gia đề án nuôi cá bơn, cá mú đều là những đơn vị chuyên hoạt động trên lĩnh vực đầu tư, dây dựng cơ bản, không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chưa nói đến ứng dụng công nghệ cao.

Thành ra, sau khi nhận nguồn hỗ trợ lớn từ ngân sách, các doanh nghiệp này sản xuất nửa vời, khi gặp khó khăn, không chủ động tìm kiếm thị trường…

Khi triển khai đề án này, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ cho 5 đơn vị tham gia đề án 38 tỷ đồng, trong đó đã cấp ứng 30,7 tỷ đồng, thực tế chỉ có 3 doanh nghiệp đã nuôi còn 2 doanh nghiệp là Công ty CPXL Thành Vinh, Công ty CPXD Tiến Đạt đã được cấp ứng nhưng chưa nuôi.

Bên ngoài một trang trại nuôi cá bơn, mú nay được tận dụng để nuôi tôm ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh

Bên ngoài một trang trại nuôi cá bơn, mú nay được tận dụng để nuôi tôm ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh

Theo số liệu từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, trong tổng số 21,4 tỷ đồng tiền ngân sách đã hỗ trợ cho 3 đơn vị đã triển khai nuôi cá mú (Công ty TNHH Như Nam, Công ty Cổ phần Sản Xuất và NTTS Hoàng Dương, HTX Viết Hải), sau khi nghiệm thu, thanh toán khối lượng, vẫn còn hơn 2,8 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ đang dư tại các đơn vị này.

Đến nay, ngành chức năng mới chỉ thu hồi được 1,4 tỷ đồng từ Công ty TNHH Như Nam, 2 đơn vị còn lại vẫn chưa hoàn trả số tiền thừa do ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, cũng theo báo cáo từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, trong quá trình triển khai đề án, Công ty Xây dựng Tiến Đạt và Công ty Cổ phần xây lắp Thành Vinh đã được UBND tỉnh cho tạm ứng kinh phí 8,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đề án thiếu khả quan nên đầu năm 2016 tỉnh đã có chủ trương dừng triển khai đề án tại 2 doanh nghiệp này. Từ đó đến nay, nguồn ngân sách hỗ trợ này vẫn nằm trong quỹ của hai doanh nghiệp thụ hưởng.

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương và qua tìm hiểu thực tế, sau một mùa nuôi thất bại, hầu hết doanh nghiệp đã tận dụng hạ tầng để đầu tư nuôi tôm trên cát. Mặc dù đề án nuôi cá bơn, cá mú đã thất bại nhưng các đơn vị tham gia đề án lại được thừa hưởng cơ sở hạ tầng để “tận dụng” triển khai nuôi tôm trên cát.

Ngoài việc nghiệm thu, thanh toán bị kéo dài, việc tỉnh Hà Tĩnh chậm đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai đề án từ ba năm qua càng khiến cho dư luận thắc mắc nhiều hơn về tính minh bạch trong quá trình triển khai đề án?

Cần xử lý dứt điểm Dự án nuôi cá bơn, cá mú không hiệu quả

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND khóa XVIII tỉnh Hà Tĩnh, liên quan đến dự án nuôi cá bơn, cá mú do 3 doanh nghiệp triển khai tại Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên năm 2015 không hiệu quả, đại biểu Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu Cẩm Xuyên) nêu câu hỏi ngành nông nghiệp có đánh giá hiệu quả mô hình này như thế nào? và có hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp ra sao?

Đại biểu Đặng Quốc Cương, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên chất vấn

Đại biểu Đặng Quốc Cương, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên chất vấn

Trả lời chất vấn, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, về mặt chuyên môn, dự án đã chuyển giao KH&CN thành công khâu đảm bảo chất lượng cá, năng suất…

Vướng mắc khiến mô hình không thể thành công đó là nguồn giống đầu vào và khâu tiêu thụ sản phẩm. Phía công ty Fineton đã cam kết mua sản phẩm theo hợp đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn thu hoạch thì phía công ty này lại phá vỡ hợp đồng, không tiêu thụ sản phẩm như đã cam kết trước đó dẫn đến các doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Ngoài ra, đối với hai mô hình của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt và Công ty Cổ phần xây lắp Thành Vinh đã được đầu tư nhưng chưa nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát giải quyết nội dung này. Về phía ngành, đề nghị UBND tỉnh cho phép các DN chuyển đổi mục đích dự án, nếu không có hiệu quả…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp xác định lại việc thực hiện mô hình. Nếu khẳng định không thể tiếp tục mô hình nuôi cá mú, cá bơn thì các đơn vị có thể xây dựng đề án trình tỉnh xin chuyển đổi mục đích dự án.

“Đối với 2 mô hình đã được đầu tư nhưng do chưa tiến hành thả nuôi nên còn có một số vướng mắc. Tỉnh đã giao đoàn liên ngành đánh giá khách quan, toàn diện, thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Lê Đình Sơn, vấn đề này phải được trả lời dứt điểm, phải đánh giá toàn diện hiệu quả và có phương án xử lý với những dự án không hiệu quả.

Liên quan đến dự án này, ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư nhận định, vấn đề nuôi cá mú, cá bơn trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh vấn đề thị trường thì các nhà đầu tư không còn mặn mà với việc thực hiện mô hình này nữa. Việc đốc thúc của chính quyền dù rất quyết liệt nhưng sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình đầu tư đang còn hạn chế.

“Tỉnh đã giao Sở Tài chính xử lý về việc tiếp tục hỗ trợ theo cơ chế nữa hay không, thu hồi một phần hay thu hồi toàn bộ?” ông Trần Tú Anh cho biết.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến ngành

Đối với vấn đề giải quyết tài chính, ông Hà Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết vẫn chưa thống nhất được cơ sở pháp lý.

“Vấn đề là phải làm rõ được trách nhiệm làm chậm dự án là do chủ đầu tư hay do các địa phương thực hiện chậm quá trình giải phóng mặt bằng? Nếu không phân định được trách nhiệm thì chưa thể đưa ra được mức hỗ trợ.

Do vậy, quá trình đàm phán đến nay doanh nghiệp vẫn chưa đồng tình. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp và địa phương có liên quan để giải quyết dứt điểm trong năm 2018”, ông Trọng nói.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây