Mỏ sắt Thạch Khê.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc nên dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, đại diện Tổng Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã có văn bản chính thức lý giải về các vấn đề mà dư luận còn băn khoăn về dự án này.
Những hệ lụy khi dừng dự án
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC), thời gian qua, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và 5 cổ đông khác đã đổ một nguồn vốn khá lớn vào dự án này. Do đó, nếu dừng dự án, khoảng 2.000 tỷ đồng nguồn vốn đã đổ vào coi như mất trắng là một lẽ, còn những hệ lụy khác như: Giảm nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương (trên 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, trên 2.800 tỷ đồng/năm trong giai đoạn II); ngoài ra Nhà nước còn phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư xây dựng dở dang...
Đối với người dân địa phương phải chịu ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường. Mất cơ hội việc làm cho khoảng 3.500 lao động tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng đã bị thu hồi đất phục vụ cho Dự án, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đại diện TIC, cho đến thời điểm hiện nay, việc đầu tư để phát triển mỏ sắt Thạch Khê đã giúp cho 967 lao động tại tỉnh Hà Tĩnh được đào tạo chuyển đổi nghề, có công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, nếu dự án đi vào hoạt động, khoảng hơn 3.500 lao động địa phương cũng sẽ được tạo việc làm. Nói về thái độ của các cổ đông khi có đề xuất tái khởi động dự án Sắt Thạch Khê, đại diện TIC cho biết, các cổ đông tham gia dự án như Công ty Thăng Long, Công ty Cổ phần Khoáng sản Hà Tĩnh, Vinasteal đều tỏ vẻ đồng tình và sẵn sàng tiếp tục tham gia góp vốn để tái hoạt động dự án này.
Chưa rõ về hiệu quả kinh tế
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nếu xử lý đầy đủ các vấn đề liên quan đến môi trường thì dự án sắt Thạch Khê là không hiệu quả. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên kết quả tổng hợp, rà soát đánh giá của các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy dự án khó đảm bảo đủ các điều kiện khả thi về kỹ thuật - an toàn, hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững môi trường để tiếp tục triển khai thực hiện, nhất là khai thác mỏ mở mức sâu từ -145m đến – 550m so với mực nước biển.
“Bên cạnh đó, năng lực về tài chính và chuẩn bị đầu tư của TIC rất yếu so với nhu cầu thực hiện dự án; Đặc biệt, việc triển khai dự án chậm gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân vùng dự án nên đã đến lúc cần có quan điểm rõ ràng về việc dừng hay tiếp tục thực hiện Dự án” – Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 diễn ra hồi tháng 10 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cũng đã lên tiếng đề nghị cần thiết phải dừng dự án này. Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, thực tế hiện nay dự án đang dang dở và không hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường, đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.
Mặc dù đây là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, song quá trình triển khai dự án thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, đó là quy mô dự án rất lớn, vị trí sát bờ biển, thời gian khai thác mỏ dài, nhưng các báo cáo và trình tự thực hiện đầu tư xây dựng còn đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, giải pháp huy động nguồn vốn. Đặc biệt là đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội mới chỉ quan tâm đến tài chính của dự án. Các báo cáo đánh giá tác động về môi trường còn sơ sài. Đây là điều mà cử tri và nhân dân Hà Tĩnh hết sức lo lắng.
Trước những bất cập xoay quanh dự án sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc nên dừng dự án sắt Thạch Khê.
Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo TIC, dự án sắt Thạch Khê đã được 63 nhà khoa học thẩm định và đưa ra ý kiến đồng tình. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước suốt 50 năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây cho thấy, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ quặng có trữ lượng lớn, chất lượng tốt (540 triệu tấn, hàm lượng 59,8% Fe, đủ điều kiện cho luyện kim, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài, góp phần phát triển ngành thép Việt Nam đặc biệt là ngành chế tạo sử dụng thép chất lượng cao). Mỏ có giá trị vốn hóa khoảng 35 tỷ USD, khi đưa vào khai thác sẽ nộp ngân sách khoảng 10 tỷ USD.
Tác giả bài viết: Minh Phương
Nguồn tin: Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn