Những buổi sáng khi nghe văng vẳng tiếng rao ngoài phố: “Ai bánh cuốn ơ…”, tôi lại nhớ đến món bánh mướt quê mình, món ăn giản dị mà ấm tình làng nghĩa xóm biết bao.
Bánh mướt là một thứ quà quê dân dã, dễ làm và cũng dễ ăn. Người Nghệ An quê tôi dùng bánh trong những bữa ăn hàng ngày như một thực phẩm không thể thiếu. Những chiếc bánh đôi khi là bữa trưa trên đồng thay cho bữa cơm thường nhật hay lại là món “tủ” trong những dịp gia đình đãi khách phương xa. Nhiều khi, chiếc bánh mướt bình dị còn là món quà biếu nhau thể hiện sự quan tâm đùm bọc của nghĩa tình làng xóm.
Bánh mướt thoạt nhìn rất giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị thật riêng biệt! Bánh mướt được làm từ gạo tẻ, thứ gạo dẻo thơm của vụ mùa được ngâm trong nước nhiều giờ cho từng hạt gạo ngấm nước, nở đều và mềm rồi mới mang đi nghiền thành bột. Ngày trước bột thường được xay trong những cối đá, phải xay đi xay lại nhiều lần bột mới nhuyễn. Bây giờ người ta nghiền bột bằng máy, vừa tốn ít thời gian mà bột cũng nhanh nhuyễn hơn. Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi lần làm bánh mướt mẹ lại thức trắng đêm tranh thủ xay bột. Gạo nghiền xong vẫn chưa tráng bánh ngay, phải ngâm khoảng hai giờ cho bột có đủ độ lán, như vậy khi tráng bánh mới dẻo dai mà vẫn đủ độ phồng. Người ta gọi đó là giai đoạn ủ bột. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định độ ngon của bánh.
Bánh mướt thoạt nhìn rất giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị thật riêng biệt!
Cách tráng bánh mướt gần giống với bánh cuốn, nhưng đòi hỏi người làm cần nhanh tay và thật khéo để bánh dàn đều và không bị rách. Bánh mướt không cần mỏng như bánh cuốn nhưng lá bánh phải to, lá bánh dầy nhưng không cứng, vẫn đảm bảo độ dẻo dai và mềm mại. Lá bánh làm từ sáng để đến tối vẫn giữ nguyên được hương vị. Sau khi tráng xong lá bánh được xếp thành các tầng, người bán mang ra chợ, lúc nào có người mua mới gỡ lá bánh ra cuốn với nhân. Khi làm bánh mướt không cho nhân nhưng khi ăn lại hay ăn kèm với nhiều món khác. Thường thì món rựa mận được người dân ưa chuộng chọn ăn kèm nhiều nhất, cứ một chiếc bánh mướt kèm với mấy miếng thịt rựa mận, vài đọt rau thơm cuốn vào chấm với nước mắm chanh tỏi ớt là ngon không gì bằng! Ngoài ra, nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với chả giò, heo quay, thịt nướng… Đặc biệt hơn, bánh mướt ăn với bò hấp, bò nhúng giấm… cũng rất hấp dẫn.
Ngày trước, để có bánh mướt cuốn thịt heo cũng là sang lắm rồi. Có những bữa chỉ có bánh mướt vậy, mẹ hái thêm mớ rau thơm, trái ớt ngoài vườn cũng đủ để có một bữa ăn ngon cho cả gia đình tôi.
Khác với những món quà quê khác, bánh mướt không thể mang đi xa vì làm bằng bột gạo xay nên không để được lâu. Có lẽ cũng vì đặc tính này mà đến nay bánh mướt vẫn chưa đi được xa, ngoài hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, để mỗi lần nhớ nhà có thể tìm mua ăn cho đỡ thèm, đỡ nhớ…
Theo 24h
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn