Cục quản lý đường bộ 2.
Trọng trách lớn
Cục quản lý đường bộ II là đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) có một trong những nhiệm vụ quan trọng là thực hiện nhiều dự án bảo trì các tuyến quốc lộ. Phản ánh đến phóng viên, bạn đọc cho rằng đã có những dấu hiệu bất thường trong quá trình lựa chọn đơn vị thi công để thực hiện các dự án.
Các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế như: QL1, QL7, QL8, QL9, QL12C, QL45, QL46, QL49..., đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây...là những tuyến giao thông trọng yếu do Cục Quản lý đường bộ II thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải và bảo trì.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn thực hiện việc quản lý nhiều tuyến quốc lộ ủy thác cho các địa phương với tổng chiều dài hàng ngàn km và các tuyến quốc lộ khai thác theo hình thức BOT.
Việc triển khai nhiệm vụ trên một bàn rộng cho thấy vai trò quan trọng của Cục Quản lý đường bộ II. Hàng năm đơn vị này phải tổ chức thực hiện nhiều dự án liên quan đến công tác sửa chữa, bảo trì các công trình. Theo quy định của pháp luật, các dự án do Cục Quản lý đường bộ II triển khai phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu... Đơn cử một số dự án lớn do cơ quan này thực hiện.
Ngày 4/4/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Quyết định số 1107/QĐ-TCĐBVN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) của dự án: Công tác Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đoạn Km0+00 - Km10+00; Km18+00 - Km98+00 Quốc lộ 12C; đoạn Km 765+900 - Km 923+00 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình.
Theo đó Cục Quản lý đường bộ II được giao là bên mời thầu, đồng thời là chủ đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư là 38.217.004.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Hay như dự án: Công tác Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đoạn Km0+00 - Km56+300; Km63+100 - Km120+600 Quốc lộ 46C và đoạn Km632+600 - Km765+900 đường Hồ Chí Minh.
Dự án này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt KHLCNT số 1232/QĐ-TCĐBVN ngày 9/4/2018 với tổng mức đầu tư là 35.513.104.000 đồng. Nguồn vốn sử dụng vẫn là Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Trên cơ sở của những dự án được phê duyệt như trên, hàng năm, Cục Quản lý đường bộ II tổ chức thực hiện hàng chục gói thầu để lựa chọn những đơn vị thi công. Chỉ tính từ tháng 1 năm 2018 đến nay, cơ quan này triển khai thực hiện ít nhất 50 gói thầu với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, dường như việc gánh trên vai “trọng trách” lớn khiến việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu của Cục Quản lý đường bộ II bộc lộ những điểm bất thường khiến dư luận không khỏi không nghi ngại về câu chuyện lợi ích nhóm trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Xuất hiện hàng loạt các gói thầu trúng sát giá
Thông báo kết quả đấu thầu của cục quản lý đường bộ 2.
Phản ánh đến phóng viên, bạn đọc cung cấp nhiều thông tin liên quan đến sự chênh lệch thấp giữa giá các gói thầu với giá trúng thầu. Cụ thể là hàng loạt gói thầu có mức trúng sát giá (tiết kiệm thấp) đã diễn ra tại Cục Quản lý đường bộ II.
Kiểm chứng thông tin, PV nhận thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở khi có nhiều gói thầu từ vài chục tỷ đến dưới 10 tỷ chỉ có mức tiết kiệm “nhỏ giọt”. Tình trạng diễn ra trong thời gian dài đã khiến dư luận hồ nghi về việc công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu ở đơn vị này.
Ngày 25/10/2018, bằng quyết định phê duyệt (QĐPD) kết quả lựa chọn nhà thầu số 1570/QĐ-CQLĐBII, Cục Quản lý đường bộ II lựa chọn Công ty TNHH lưới thép Minh Quang là đơn vị trúng thầu của gói: Xây lắp công trình, thuộc dự án Sản xuất cấp bách rọ thép bọc nhựa PVC phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.
Gói thầu này có giá 6.600.410.000 đồng, song giá trúng của nhà thầu Minh Quang chỉ là 6.598.026.000 đồng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc một gói thầu có giá hơn 6 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm cho nguồn vốn đầu tư hơn 2 triệu đồng là việc khó hiểu.
Tương tự là trường hợp của gói thầu: Xây lắp công trình, thuộc dự án Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km632+600 ÷ Km634+350; Km643+800-Km645+00; Km646+00-Km648+00 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An.
Gói thầu này có giá 13.989.995.000 đồng. Giá trúng của Công ty CP tư vấn và xây dựng biển Đông chỉ là 13.975.154.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư chỉ đạt được khoảng 14 triệu đồng tiền tiết kiệm. Đây là con số siêu thấp khi tỷ lệ ở dưới mức 0,05%. QĐPD số: 1028/QĐ-CQLĐB II ngày 18/7/2018.
Câu chuyện trúng thầu sát giá tiếp tục nối dài ở Cục Quản lý đường bộ II. Từ nguồn tư liệu cho thấy, mức tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng/gói thầu 7-8 tỷ đồng là không hiếm gặp.
Đơn cử như gói thầu: Xây lắp công trình, thuộc dự án Sửa chữa nền, mặt đường đoạn Km16+800 - Km19+600; Km33+00 - Km34+500. Bổ sung rãnh dọc đoạn Km19+240 - Km81+550 (T) Quốc lộ 7, tỉnh Nghệ An có giá 7.830.104.000 đồng.
Công ty cổ phần xây dựng Đại Thành trúng với giá 7.825.529.000 đồng. QĐPD số: 1039/QĐ-CQLĐB II ngày 19/7/2018.
Đối với các gói thầu giá trị “khủng” tình trạng trúng sát giá cũng diễn ra tương tự. Ví như gói thầu số 02: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đoạn Km717+100 - Km741+170, Km769+800 - Km791A+500, Km729+820 - Km741+600 (tuyến tránh cầu Hiền Lương) Quốc lộ 1; đoạn Km1047+300 - Km1085+105, thuộc dự án Phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đoạn Km717+100 - Km741+170, Km769+800 - Km791A+500, Km729+820 - Km741+600 (tuyến tránh cầu Hiền Lương) Gói này có giá 59.991.743.000 đồng.
Giá trúng: 59.941.549.000 đồng. Một gói thầu gần 60 tỷ đồng nhưng mức tiết kiệm chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng. Nhà thầu trúng là liên danh Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Trị - Công ty cổ phần 483 - Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 494. QĐPD số: 584 QĐ CQLĐB II ngày 28/05/2018.
Theo giới chuyên môn về đấu thầu, việc tại một chủ đầu tư diễn ra tình trạng trúng thầu sát giá liên tục, kéo dài trong nhiều thời gian là một những dấu hiệu để các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện xử lý tiêu cực nếu có. Trên thực tế từng xảy ra không ít sự việc tương tự được các cơ quan hữu trách phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời.
(Còn nữa).