Công tác cán bộ: “Lỗ kim” nhỏ sao “voi” vẫn lọt qua?

Thứ ba - 16/06/2020 09:33
Lách những quy định nghiêm ngặt trong công tác cán bộ, nhiều cá nhân không đủ tiêu chuẩn chức danh nhưng vẫn được bổ nhiệm. Chỉ khi những sai phạm được phát hiện, người ta mới sửng sốt đặt ra câu hỏi: Bằng cách nào “con voi chui lọt lỗ kim”?
Sai phạm vẫn thăng chức

Dư luận từng bàng hoàng trước sự thăng tiến thần tốc của Trịnh Xuân Thanh. Từ một cán bộ mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét; đã bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền ở Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn phát triển nhanh qua nhiều chức vụ, được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trúng cử đại biểu Quốc hội.

Tại Bắc Ninh, câu chuyện ông Nguyễn Đình Khoáng, Trưởng công an xã Cảnh Hưng (Tiên Du - Bắc Ninh), được bầu giữ trọng trách cao hơn (Phó Chủ tịch UBND xã) sau khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước: Ký chuyển khẩu khống để trốn nghĩa vụ quân sự… khiến nhiều người bất ngờ.

Tại Hưng Yên, ông Phạm Trần Hoạt thời kỳ đảm nhiệm chức danh Chủ tịch huyện Yên Mỹ đã để xảy ra hàng loạt vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn nhưng vẫn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên khiến nhiều người sửng sốt..

Ở Đồng Nai, trước khi bị kỷ luật, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm có nhiều vi phạm trong một số vụ án hình sự  khi làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai. Cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cựu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong triển khai dự án Khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) “gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương). Mặc dù đều mắc sai phạm nhưng cả hai vẫn được thăng chức cao hơn.

Tại Quảng Trị, chuyện thăng tiến “thần tốc” của tân Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Văn Hưng, khi ông này dính hàng loạt sai phạm thời kỳ 3 năm làm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khiến dư luận đang bàn tán xôn xao.

 
T2020061605
Các đại biểu bỏ phiếu bầu tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 7 nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cụ thể, ngày 27/2/2019, ông Hưng ra Quyết định số 100/QĐ - SNN không đúng thẩm quyền, tiêu hủy 207 con bò, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dương Văn Hòa. Sau đó, ngày 10/6/2019 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 141/QĐ - UBND hủy toàn bộ nội dung quyết định số 100/QĐ - SNN.

Ông Hưng cũng từng liên đới trong vụ bán trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khi Thủ tướng đã có lệnh dừng, gây thất thoát ngân sách và bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Ông Hưng cũng chậm trễ tới hơn 1 năm trong việc thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg 2017 về khắc phục cảnh báo và chống khai thác hải sản bất hợp pháp; làm trái chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi thực hiện dự án trên địa bàn.

Mặc dù có nhiều sai phạm, ông Hưng vẫn thăng tiến thần tốc. Cụ thể, từ vị trí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 17/7/2019, ông Hưng giữ chức Bí thư Thành ủy Đông Hà nhiệm kỳ 2015-2020.

Chỉ sau 3 tháng, ông Hưng được đưa vào bổ sung quy hoạch chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ngày 10/12/2019, ông Hưng được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Ngày 8/6/2020, ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Chỉ một ngày sau, sáng 9/6, ông Võ Văn Hưng được bầu giữ chức Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Những câu chuyện trên cho thấy hiện trạng những kẽ hở lớn đang tồn tại trong công tác cán bộ. Thực tế khẳng định, không thể có một bộ máy mạnh nếu như cán bộ lựa chọn còn yếu. Hay nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Từ nhận định trên của Người, nhìn lại việc những cán bộ từng mắc sai phạm nhưng vẫn được bổ nhiệm nhanh chóng và giữ cương vị cao hơn, dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi: Liệu những cán bộ đó có tiếp tục giẫm lên gót chân Asin của chính mình, có tiếp tục sai phạm khi ở cương vị mới?

Làm đúng quy định, “con voi” có chui lọt “lỗ Kim”?

Chúng ta hiện có hàng chục quy định về tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, đề bạt cán bộ cùng quy trình bổ nhiệm 3 bước, 5 bước rất chặt chẽ. Đối với cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có Quy định 90/QĐ-TW ngày 4/8/2017 và Quy định 214/QĐ-TW ngày 2/1/2020 quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Đối với các ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở: Căn cứ vào tiêu chuẩn chung tại mục 1 Phụ lục 1 của Chỉ thị 35/CT-TW ngày 30/5/2019 hoặc nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017. Đối với các chức danh khác có hướng dẫn của Bộ Nội vụ hoặc quy định của địa phương.

Điều đáng nói, các quy định đều đưa ra những tiêu chuẩn chung và riêng rất rõ ràng về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; Sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm… Nếu bám sát và thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn đó, không thể có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

Trở lại chuyện “sai phạm vẫn thăng chức” để thấy, rõ ràng một số cá nhân, tổ chức đã không tuân thủ đầy đủ quy định tiêu chuẩn cán bộ về chính trị tư tưởng, năng lực, uy tín nên vẫn đề bạt, cất nhắc những người không xứng đáng vào bộ máy. Cụ thể, với chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, nếu cán bộ từng mắc sai phạm bị yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm thì không thể đạt tiêu chuẩn chung về năng lực, uy tín theo Quy định 90 “có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, hay Quy định 214 “có thành tích nổi trội, có kết quả và "sản phẩm" cụ thể góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị” và càng không thể đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng “luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân”...

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Ðảng triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả”. Do đó, ngoài việc Bộ Chính trị ban hành quy định bổ sung, xây dựng quy trình 5 bước trong công tác bổ nhiệm cán bộ nhằm bịt “lỗ hổng” trong công tác nhân sự thì sự ra đời  Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được kỳ vọng là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực nhằm kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ.
Theo conglyxahoi.net.vn


Link gốc: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/cong-tac-can-bo-lo-kim-nho-sao-voi-van-lot-qua-47268.html?fbclid=iwar1au0eixew0d04e8tomamkjxmm4dm6ht4beor45cewariievzhcmvjd-vy
 Từ khóa: Quảng trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây