Cây chè là loại cây cổ thụ, mọc chủ yếu ở khu vực có độ cao hơn 1200 mét, có nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Có những gốc cây chè vài người ôm không xuể. Chè Shan tuyết thường mọc tự nhiên không sử dụng bất cứ một hóa chất hay phân bón nào, cây mọc cao đến vài mét, khi hái phải trèo hẳn lên cây.Chè Shan tuyết cổ thị được trồng lâu đời qua các thế hệ của người dân tộc Tày, Dao, Mông, có những vườn chè có độ tuổi vài trăm năm.
Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có gần 600 ha chè, nằm ở độ cao khoảng 1.400 mét so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây có hơn 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ, nhiều cây vài trăm tuổi được mọc tự nhiên.
Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thông báo kết quả xét duyệt và chính thức công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại 2 thôn: Sín Chải và Hấu Chua thuộc xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Trước đó (ngày 25/3), Hội đồng xét duyệt đã tiến hành họp xét hồ sơ và kết luận quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại đây đã đạy đầy đủ các tiêu chí là Cây di sản Việt Nam.
Giống chè cổ thụ ở Tủa Chùa chủ yếu mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn từ hữu cơ. Trước kia, người dân bản địa thường thu hái để sử dụng trong gia đình. Hiện chè trở thành đặc sản, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con. Giá mỗi kg chè cổ thị nếu được chế biến từ nhà dân gần một triệu đồng, trong khu một số công ty thu mua và chế biến giá có thể lên 10 triệu đồng.
Ngoài thu hoạch búp chè, người dân có thể phát triển thành điểm, khu du lịch. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng cách đây sẽ là khu du lịch sinh thái để mọi người có thể đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ này. Nhờ đó, người dân sẽ có thêm thu nhập từ việc bán chè và du khách đến tham quan.
Tú Lê – Thanh Phong
Theo kinhtedouong.vn
Link gốc: https://kinhtedouong.vn/cay-di-san-viet-nam--che-shan-tuyet-90780.html