Tuổi thơ của Phạm Phương Thảo gắn bó với vùng quê nghèo hay gặp bão lũ, thiên tai thuộc huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).
“Hồi nhỏ tôi có biệt danh là “Thảo bò” vì tôi có đôi mắt rất to, mà người thì lại gầy, đen. Gia đình nhà tôi cũng giống như nhiều gia đình ở vùng nông thôn, chỉ biết sống bằng chăn nuôi và làm ruộng. Ngày đó, vì tôi gầy yếu nên được bố mẹ, anh chị cho làm việc nhà mà không phải ra đồng làm những công việc nặng nhọc. Ở nhà tôi phụ trách nuôi, trâu, gà, lợn, chó, mèo...” - Phương Thảo kể
Phạm Phương Thảo cùng bố mẹ trên sân khấu "Mơ duyên". (Ảnh: H.H)
NSƯT Phạm Phương Thảo tâm sự, 2 năm nay, cô đã dồn toàn tâm toàn lực, kể cả kinh tế để lo cho âm nhạc, nên và sau liveshow “Mơ duyên” là lúc cô dành cho những người yêu thương nhất. Thảo nói cô luôn nặng lòng với gia đình, luôn muốn vun vén cho đời sống của cả đại gia đình tốt hơn sau những năm tháng nghèo khó, vất vả... |
Cô em gái thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em ấy dù gầy gò, nhỏ xíu nhưng cũng rất đảm đang, hay lam hay làm. Khi các anh chị ra đồng, Thảo ở nhà làm hết những công việc nội trợ và chăm đàn vật nuôi.
"Tôi phải dậy từ rất sớm, băm hết một cây chuối dài và to mới đủ cho một đàn lợn ăn trong ngày” - Thảo nhớ lại.
Sống trong cảnh nghèo khó nhưng Phương Thảo vẫn có những “khoảng trời riêng” dành cho nghệ thuật, đó là… xó bếp và cái giếng.
“Từ nhỏ, tôi hát bất cứ lúc nào, trừ khi ngồi vào bàn học. Nhưng tôi hát nhiều nhất là lúc đang… rửa bát. Dù chỉ có mấy cái bát thôi, món ăn không có nhiều, nhưng tôi đã rửa thật lâu để được hát thật nhiều. Ngồi ở giếng rất mát và tiếng bát đĩa khiến mình cảm giác như có âm nhạc. Cũng chính vì thế mà bát thường xuyên bị mẻ và tôi liên tục bị… ăn đòn”.
Theo đuổi đam mê để thành công
Nhà nghèo và vất vả là vậy, nhưng Phương Thảo vẫn không nản chí mà quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình, chọn đi theo con đường âm nhạc. Năm 1999, lần đầu tiên tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, cô đã giành giải Ba. Năm 2002, giọng ca sinh năm 1982 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.
Năm 2003, cô làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Đây cũng là năm Phương Thảo tham gia cuộc thi Sao Mai - Tiếng hát Truyền hình và giành giải ba, đồng thời nhận giải “Ca sĩ được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn.
Sau bệ phóng từ những cuộc thi hát này, Phương Thảo đã dần khẳng định vị trí của mình trong lòng người yêu nhạc. Với chất giọng mượt mà khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung như “Quảng Bình quê ta ơi”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Neo đậu bến quê”…, tên tuổi của Phương Thảo ngày càng được nhiều người biết đến, yêu mến.
Không chỉ hát hay, Phương Thảo còn khiến khán giả và các đồng nghiệp bất ngờ bởi khả năng sáng tác âm nhạc và làm thơ. Dấu ấn này thể hiện rõ nhất năm 2018, khi Phương Thảo gửi đến công chúng nhiều sản phẩm nhạc và thơ, trong đó MV “Chàng vinh quy” và tập thơ “Đi hết xuân thì” đều do cô sáng tác. Trong liveshow “Mơ duyên”, 1/3 số ca khúc cũng là những tác phẩm của Phương Thảo.
Là một người con miền Trung nặng tình, chất chứa nhiều tâm sự trong lòng nên những ca khúc mà Phương Thảo sáng tác như “Cho em thôi chòng chành”, “Đất mẹ ngày về”, “Mong manh em”, “Thương ơi lòng mẹ”, “À ơi ngày thơ”, “Trai quê tôi”, “Hát đồng dao”, “Phiêu diêu Tràng An”, “Mơ duyên”... nghe thật da diết, ngọt ngào.
Còn những “Gái Nghệ”, “Chàng vinh quy” lại là sự sắc sảo, thêm một chút chua cay: “Chắt chiu từ ngàn năm nên trăng nước sắc/Gột nỗi buồn tắm niềm vui/Và trôi đi những bèo bọt của đời em… Đời văng lên em lắm muộn phiền/Mà em vẫn hát câu giận thương/ Bởi em là gái Nghệ, gái Nghệ uống nước dòng Lam/Hát câu ví dặm mà nên em/Sắc như dao, mềm như lụa và thủy chung” (lời ca khúc "Gái Nghệ").
Tình duyên trắc trở
Đa tài và sắc sảo trong âm nhạc là vậy, nhưng chuyện tình duyên của Phương Thảo lại đầy trắc trở. (Ảnh: NVCC)
Trên sân khấu, khán giả có thể thấy một Phạm Phương Thảo hát ngọt ngào, đầy cảm xúc. Trong các bài thơ, cô cho thấy mình là người đàn bà khí chất đầy kiêu hãnh và đa tình. Ở các ca khúc do cô sáng tác là những giai điệu mượt mà nhưng không kém phần sắc sảo, bản lĩnh.
Thế nhưng trong tình yêu, Phương Thảo lại đắm đuối, mềm yếu. Bởi vậy mà cô được mọi người nhận xét là “sắc như dao và mềm như lụa”.
Phương Thảo bảo, cô rất tin vào số mệnh. Ngày trước cô đi xem bói, thầy bảo phải "hai lần đò". Và đúng là đến giờ cô đã trải qua hai lần đò thật, Phương Thảo cho biết những người đàn ông ở bên cô vẫn không quá 5 năm.
Thảo tâm sự, từ nhỏ đến giờ, cô vẫn giữ một quan điểm, con người và đặc biệt là phụ nữ, có một người để yêu, gắn bó, được sống cùng, thậm chí được chết cùng nữa, đó mới là cái điều trọn vẹn nhất của một đời người.
"Người ta hay nói nghệ sĩ thường quá cầu toàn trong tình yêu so với những người phụ nữ bình thường. Có những điều mà người bình thường họ thấy ổn, trọn vẹn, nhưng Thảo vẫn thấy chưa tròn trịa. Tôi cho rằng, sự khác biệt không phải do làm nghệ thuật hay làm nghề gì khác, mà nằm trong cá tính của từng con người. Số phận của tôi có lẽ đã long đong rồi thì mình cứ cố gắng để làm sao, dù người ta có đi qua hay mình có đi qua họ, rồi mình vẫn nhìn lại bằng một sự trân trọng” - Phương Thảo giãi bày.
Tự nhận mình là kẻ đắm đuối trong tình yêu, Phạm Phương Thảo đã lựa chọn gia đình khi cuộc sống đặt cô vào tình huống phải lựa chọn giữa một bên là gia đình, tình yêu và một bên là sự nghiệp.
“Tôi đã đi theo chồng đến vùng đất khác không phải ở Việt Nam trong khoảng thời gian hai năm. Thảo đã vắng đi từ 2007-2009. Cuối 2009 với DVD "Mơ quê", Thảo mới trở lại với nghề, mà như cô nói: "Có lẽ, nghề đã chọn mình, tình yêu không chọn mình nữa thì lúc đó mình bắt buộc phải đi theo con đường mở cho mình hơn”.
Phạm Phương Thảo nói mình hơi điên - điên trên sân khấu, điên trong sáng tác âm nhạc, điên trong làm thơ. Nhưng với gia đình, những người cô yêu thương nhất mực, thì cô biết mình cần phải dừng điên. Trong buổi họp báo liveshow “Mơ duyên” (tháng 10.2018), Phương Thảo đã tự hứa sau liveshow cô sẽ dành thời gian cho gia đình... |
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn