|
Bầu Thụy và cò Đại (bên phải) đã đạo diễn vụ mua N.SG rồi đem cho khi đã lọc hết hảo thủ như Được Em, Long Giang, Tài Em.... |
Vì họ vừa vào vai phao cứu sinh cho một Navibank Sài Gòn sắp chìm, vừa sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng có giá lớn hơn 21 tỉ đồng (tính ở mùa trước), và vừa đẩy đẹp “những thứ khó nhằn” cho người khác. Hy vọng điều này chỉ là kịch bản suy diễn, nếu không số phận của N.SG sẽ hẩm hiu như một mớ rau chợ chiều.
LỊCH SỬ CHÀO ĐỜI CỦA SÀI GÒN XUÂN THÀNH Có lẽ, người hâm mộ bóng đá Sài Gòn cũng khó hình dung là đội bóng đại diện cho “cái nôi bóng đá” một thời suốt 2 mùa giải qua lại chỉ là một món quà của CLB Hòa Phát Hà Nội (cũ) tặng cho một người có chút máu mê muốn sở hữu một đội bóng chuyên nghiệp.
Chuyện là cách đây khoảng 5 năm, vì sa sút, HP.HN đã kiện toàn lại hệ thống CLB. Họ gây dựng một đội trẻ chơi ở giải hạng Ba và nó chỉ đủ sức để thăng hạng Nhì nhưng chẳng “đẻ” ra một vài cầu thủ có tiềm năng. Thế là HP.HN quyết định giải tán đội bóng để làm lại hệ thống đào tạo trẻ.
Hay tin ấy, HLV người Thanh Hóa Nguyễn Văn Tiến, khi đó đang dẫn dắt đội bóng phong trào V&V Hà Nội, đã xin lại suất chơi hạng Nhì, bởi không biết bao giờ thì V&V Hà Nội mới thoát kiếp chơi giải hạng Ba.
Để hợp thức hóa theo quy định của VFF, HP.HN cho mượn luôn cái tên Hòa Phát cùng với khoảng chục cầu thủ thải loại. Đơn thuần chỉ thế chứ hoàn toàn không phải là liên doanh, liên kết hay đổi thương hiệu lấy món lợi nào.
Hòa Phát V&V ra đời như thế, và có lẽ đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu V&V là cái gì ngoài mấy câu chuyện lượm lặt: ông chủ đội bóng là một doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm... Cũng không cần tìm hiểu thêm, bởi suy cho cùng, V&V cũng hoàn tất “sứ mệnh lịch sử” là đưa đội lên hạng Nhất rồi bán cho Tập đoàn Xuân Thành.
Vụ mua lại Hòa Phát V&V là lần thứ ba bầu Thụy đầu tư vào một đội bóng. Nhưng khác với 2 lần trước bỏ tiền vào bóng đá Hà Tĩnh, sau đó là Quảng Nam và đều ra đi trong tai tiếng, lần này bầu Thụy “khuân” đội bóng từ Bắc vào Nam, đặt cho nó cái tên Sài Gòn Xuân Thành.
Sau đó, thông qua các bản hợp đồng chiêu mộ cầu thủ giỏi, những ngoại binh nhập tịch, bầu Thụy đã biến SG.XT thành một thế lực ở giải hạng Nhất 2011 và V.League 2012.
Nếu tính thêm cả thương vụ Navibank Sài Gòn đang gây sốc, trong vòng khoảng hơn 2 năm kể từ khi bước chân vào bóng đá, bầu Thụy đã 4 lần thò tay vào các vụ chuyển đổi CLB.
“MỚ RAU” VỚI GIÁ... 21 TỈ ĐỒNG Bầu Thụy không “phát minh” ra việc mua bán, chuyển đổi các CLB bóng đá bởi nó đã có đầy rẫy từ trước khi ông nhảy vào bóng đá với những ví dụ như Thể Công chuyển về Thanh Hóa cuối năm 2009 hay chính Navibank Sài Gòn vốn có tiền thân là Quân khu 4 đóng tại Nghệ An.
Việc mua bán CLB bóng đá cũng không hiếm trên thế giới. Trước khi thuộc quyền sở hữu của Abramovic, Chelsea được tỷ phú Ken Bates mua lại vào năm 1982 khi CLB lâm vào nợ nần và khánh kiệt.
Nhưng sự khác biệt căn bản giữa bóng đá nước ngoài và ở ta nằm ở chỗ, những cuộc mua bán này chỉ là đổi chủ sở hữu, nó tuyệt đối không phải một trò phù phép để một CLB từ hạng dưới nhảy phắt lên hạng trên bằng cách bỏ ra một khoản tiền.
Vì chỉ cần “cái suất”, nên những giá trị còn lại đôi khi cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa.
Một điểm chung của tất cả các vụ chuyển đổi CLB đến thời điểm này là không đội bóng nào giữ được tên gọi cũ của nó, từ lẫy lừng cỡ Thể Công hay Công An TP.HCM cho đến khiêm tốn như các đội bóng địa phương mỗi năm lại gắn với tên một doanh nghiệp khác nhảy vào tài trợ.
Đó cũng là một nét khác biệt với bóng đá quốc tế. Man United hay Liverpool chuyển từ ông chủ này sang ông chủ khác nhưng tên gọi của CLB là thứ gắn liền với truyền thống và tình cảm của các thế hệ CĐV nối tiếp nhau nên không thể mua và thay tên đổi họ bằng tiền.
Cái tính chất “mua suất” ấy thể hiện rất rõ ở việc bầu Thụy và cò Đại chuyền ban quả bóng có tên Navibank Sài Gòn trong chân trước khi sút nó về Hà Tĩnh. Có người đã ví von, Navibank Sài Gòn đã được mua không khác gì mớ rau.
Bởi cái giá khoảng 21 tỷ mà bầu Thụy bỏ ra thậm chí còn không bằng giá trị của một chiếc xe hơi hàng hiệu của ông. Sau đó, bầu Thụy hớt lấy phần ngọn ngon nhất là những hảo thủ như Quang Hải, Tài Em, Việt Cường, Long Giang, Được Em... còn “cái xác khô” sẽ được chuyển về Hà Tĩnh.
Đội bóng ấy tới đây mang tên gọi gì không quan trọng, tâm tư nguyện vọng của BHL và cầu thủ không được ngó ngàng, tồn tại thế nào là chuyện của địa phương.
Bầu Thụy đã mang món quà ấy cho Hà Tĩnh để thực hiện lời hứa 3 năm trước về việc sẽ giúp cho bóng đá nơi này “cất cánh”, nhẹ nhàng và đơn giản như một cái phẩy tay.
KHÓ CÓ THỂ HY VỌNG Không khó để cảm nhận sự hứng chí của bầu Thụy sau khi thực hiện thành công phi vụ lắt léo này. Ông bảo nó giống như một hành động “đền ơn đáp nghĩa” (vì những dự án đầu tư của Tập đoàn Xuân Thành ở Hà Tĩnh?), rồi ông ra lời kêu gọi những cầu thủ gốc Hà Tĩnh quay trở về để thi đấu và tạo nên bản sắc cho bóng đá quê hương...
Nhưng theo chiều ngược lại, những người được ông Thụy tặng quà lại tỏ ra khá bối rối bởi họ chưa đủ khả năng để sở hữu một món “đồ chơi” đắt tiền như thế.
Ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, chỉ riêng việc nâng cấp sân vận động Hà Tĩnh có sức chứa 5.000 người, không có dàn đèn và đang xuống cấp nghiêm trọng đã là một vấn đề nan giải.
Chưa kể đến bài toán kinh phí để nuôi đội bóng ở một địa phương nghèo như Hà Tĩnh và cuối cùng là câu chuyện làm bóng đá từ ngọn rất dễ gây ra những hệ lụy xấu.
Và nhìn rộng hơn, những vụ mua bán, sang nhượng CLB tràn lan chính là cội rễ đẻ ra rất nhiều tiêu cực như sự hỗn loạn của thị trường chuyển nhượng, nghề nghiệp và tương lai của đội ngũ HLV, cầu thủ không được đảm bảo... Bóng đá đã và đang phải lĩnh quá nhiều hậu quả từ cách làm ăn xổi của các ông bầu!
Theo bongda.com.vn