Tháng 4/2003, thị trường bóng đá Việt Nam bắt đầu động sóng khi Gạch Đồng Tâm Long An bỏ 400 triệu đồng để có Minh Phương. Cơn sốt chuyển nhượng thực sự rung chuyển sau đó ba tháng, với sự kiện Becamex Bình Dương chấp nhận chi 1 tỷ đồng để sở hữu tuyển thủ quốc gia Trần Trường Giang. Như thế, không phải hồ đồ khi khẳng định rằng Bình Dương mới là đại gia tiên phong đưa cầu thủ nội vào cuộc đua chuyển nhượng bất tận của những hợp đồng “bom tấn”. Đấy là sự kích cầu đích thực, tạo hiệu ứng cho cả làng chạy đua tung tiền lôi kéo cầu thủ giỏi địa phương khác, khi trước đó đã manh nha xu hướng chuyển nhượng lẻ tẻ, không thể kiểm soát. Sông Lam Nghệ An rải quân đi khắp nước, bầu Đức quy tụ hàng loạt ngôi sao nội, cũng gây tranh chấp với vụ Minh Đức, Quang Trãi…
Ngôi sao lớn nước ngoài như Gaston Merlo cũng có thể thất nghiệp |
Với ngoại binh, bất chấp sự trượt giá, thị trường chuyển nhượng cứ phi mã như một nghịch lý bất lực của bóng đá nội. Nếu nhìn việc Hà Nội T&T phải chi ra 1 triệu USD để sở hữu Samson mùa rồi, hẳn nhiên Kiatisuk, ngôi sao ngoại đình đám nhất đến Việt Nam buổi đầu chuyên nghiệp với chế độ cao ngất thời đó, cũng phải “khóc thét”!
V-League thực sự là mỏ vàng lộ thiên, để cầu thủ năm châu, bốn biển và những nhà đầu cơ khai thác tận lực. Mới đây, tờ New Vision (Uganda) đưa ra những số đọc mà thêm đau lòng cho V-League: Chỉ một mùa bóng thi đấu ở Việt Nam, một cầu thủ Uganda có thể nhận mức lương bằng... 60 năm thi đấu ở quê nhà. Theo thống kê của New Vision, Việt Nam là điểm đến của 40% cầu thủ Uganda đang chơi bóng tại nước ngoài, tức cao hơn các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ (30%), Nam Phi (10%). Một số cầu thủ thậm chí còn từ chối cơ hội thi đấu ở châu Âu để đến Việt Nam.
Có những cầu thủ đá phủi (như Almeida), anh công nhân hái cà phê (như Lazaro, cựu cầu thủ Quân Khu 4); nhiều ngoại binh chỉ to con và chạy khỏe, vẫn quá dễ dàng kiếm sống ở sân cỏ Việt Nam.
Hai năm gần đây, không thấy ban tổ chức thống kê số tiền mà các đội bóng đốt vào bóng đá. Theo thống kê của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ở mùa bóng 2010, tổng chi phí của các đội dự V-League và hạng Nhất là hơn 356 tỷ đồng. Trong đó, số tiền dùng để trả lương của cầu thủ là hơn 147 tỷ đồng, riêng cầu thủ ngoại thì chỉ chiếm 1/4 số lượng cầu thủ đá chính nhưng lại chiếm tới 71 tỷ đồng, tức gần một nửa quỹ lương. Như vậy, nếu tính nhẩm đơn giản, 12 năm bóng đá ngốn hơn 4.000 tỷ đồng của các câu lạc bộ, cho cầu thủ nội và ngoại.
Và rồi, chất lượng, thái độ thi đấu, hiệu quả cống hiến của cả sao nội và ngoại thế nào, chúng ta đã rõ. Lại nhớ đến việc chục năm trước, ông Hoàng Vĩnh Giang chỉ đòi hỏi bầu Đức (bỏ tiền lấy cầu thủ Minh Đức của Hàng Không Việt Nam) giá trị chuyển nhượng là… 500 đồng, bằng bó rau muống! Một động thái đầy suy nghĩ và đến nay mới cảm nhận được ý nghĩa.
Trả giá quá đắt
Gần chục đội bóng, cả hạng Nhất lẫn V-League, chỉ mấy tháng sau khi kết thúc mùa giải 2012 giải tán, sang tên đổi chủ khiến bao số phận lao đao.
Chỉ một mùa bóng thi đấu ở Việt Nam, một cầu thủ Uganda có thể nhận mức lương bằng... 60 năm thi đấu ở quê nhà- tờ New Vision (Uganda) |
Nếu như chỉ một năm trước thôi, không cầu thủ nào nghĩ đến tương lai màu xám lại đổ ập đến sớm như thế thì giờ đây, liệu trong vô vàn cầu thủ đã quen vung tiền cho những trò vô bổ, có mấy người thực sự ân hận đã không biết xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc để có thể giữ ổn định nghề, trong cơn suy thoái mà bản thân họ cũng dự báo được, khi sẽ có ngày V-League sẽ nổi cơn thịnh nộ do bị khai thác cạn kiệt.
Xây dựng hình ảnh thế hệ cầu thủ mới
Nhìn lại, sự phát triển của V-League sau 12 năm đều thiếu sự kiểm soát của VFF lẫn các câu lạc bộ, đặc biệt là ý thức của các cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp, nhưng tâm thế thì vẫn nghiệp dư lĩnh lương cao.
Một so sánh hơi kỳ lạ của sự phát triển đó là việc bùng phát hệ thống thủy điện ở các địa phương, dẫn đến tàn phá thiên nhiên, mất cân bằng sinh thái cùng bao hệ lụy, rốt cuộc vẫn không cải thiện năng lực cung cấp điện tự thân của chúng ta. Trong khi đó, hậu quả của của cơn thịnh nộ thiên nhiên đã thấy ngày càng rõ.
Chúng ta đã lãng phí nhiều thứ sau 12 năm làm chuyên nghiệp. Lẽ ra với thời gian ấy, phải xây dựng được một, hai thế hệ cầu thủ có ý thức chuyên nghiệp cao với nghề. Đằng này, hệ thống trẻ của đa số các câu lạc bộ đều không được chú trọng. Việc giáo dục văn hóa, tư tưởng đạo đức bị bỏ bê. Tinh thần màu cờ, sắc áo bị phai nhạt nghiêm trọng. Tóm lại, họ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, mà quên rằng trách nhiệm phải cống hiến tương xứng với những gì đã được nhận.
Từ cơn khủng hoảng, mới thấy một lỗ hổng với cầu thủ: đa số không biết phải làm gì để xoay sở cho tương lai khi thất nghiệp. Việc học vấn cao, hoặc có nghề nghiệp có thể sống được ngoài bóng đá là quá ít ỏi. Hãy nhìn đội tuyển quốc gia, mấy cầu thủ có bằng đại học, kể cả đại học chuyên ngành phù hợp với mình.
Dù có đau lòng, cuộc khủng hoảng vẫn lộ ra nét tích cực là trả về cho bóng đá giá trị đúng như các thành phần bóng đá đối xử với nó 12 năm qua. Đây cũng là cơ hội để làm bóng đá tử tế, một cách toàn diện và triệt để.
Như vậy, có thể coi mùa giải 2013 là một chu kỳ thứ hai của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đã quá nhiều bài học từ chu kỳ thứ nhất (2000-2012), không phải vô bổ. Cơn thịnh nộ của V-League đã khiến cho những “nhân vật” chính, đặc biệt là giới cầu thủ, biết nhìn lại bản thân mình, biết sợ hãi sự thất nghiệp.
Đấy cũng là cơ sở để hy vọng cuộc chấn hưng bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Mọi chiến lược phát triển đều bắt đầu từ việc xây dựng con người. Hãy để cầu thủ bị V-League “trừng phạt”, để phải tự xây dựng hình ảnh mình, nếu muốn tồn tại.
Tiếc rằng V-League nổi giận hơi muộn!
Theo thethaovanhoa.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn