Trả lời phỏng vấn PV VOV, ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, bản thân Ông và Ban Chấp hành sẽ gương mẫu, nỗ lực hết mình, nhưng để nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy ý chí, khát vọng, nỗ lực của con người Hà Tĩnh để xây dựng quê hương.
Ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
PV: Thưa ông, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2021-2025) và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. BCH Đảng bộ Hà Tĩnh sẽ nêu gương trách nhiệm như thế nào trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp?
Ông Hoàng Trung Dũng: Được Đảng bộ và nhân dân tín nhiệm, cá nhân tôi nhận thấy đây là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Để cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đề ra, cần phải phát huy trí tệ tập thể của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp; tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Mỗi cán bộ, trước hết là Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy viên các cấp dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào cũng phải luôn lấy cuộc sống hạnh phúc của người dân làm mục tiêu phấn đấu. Người đứng đầu các cấp phải luôn biết lắng nghe, gần gũi, sâu sát, xả thân, biết tạo cảm hứng, môi trường cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân cống hiến. Trong mọi lúc, mọi nơi phải gương mẫu, trung thực, cầu thị học hỏi. Tôi cũng mong muốn những người con Hà Tĩnh tại quê hương Hà Tĩnh và trên mọi miền Tổ quốc thường xuyên quan tâm, thường xuyên chia sẻ và có những hiến kế để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đối với tỉnh Hà Tĩnh, để đạt được mục tiêu như nghị quyết đại hội đề ra thì rất nhiều việc phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thật hiệu quả. Tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh và với những tiềm năng, lợi thế của địa phương.
PV: Thưa ông, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của tỉnh Hà Tĩnh trong nhiều nhiệm kỳ qua luôn được cụ thể hóa bằng các chương trình và hành động cụ thể. Vậy, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh sẽ chọn chương trình trọng điểm nào để tập trung sức mạnh và tạo được bước đột phá?
Ông Hoàng Trung Dũng: Có nhiều việc chúng tôi cần phải tập trung trong nhiệm kỳ này, trong đó ưu tiên thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm nhằm xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Tập trung thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, đó là: Thứ nhất: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động quyết liệt, vì sự phát triển của tỉnh; Thứ hai: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; Thứ ba: Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin, viễn thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đặc biệt phải hết sức quan tâm đến yếu tố con người. Hà Tĩnh có lợi thế là nguồn lao động dồi dào, người Hà Tĩnh thông minh, chịu khó, cần cù; tuy vậy hiện nay số con em đi xuất khẩu lao động và làm việc ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và các tỉnh phía Nam rất lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện nay một số dự án đi vào hoạt động nhưng rất khó tuyển dụng lao động. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu việc làm để thu hút, kêu gọi con em Hà Tĩnh về làm việc tại địa phương; đồng thời Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, mời gọi các tập đoàn về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ngay trên chính quê hương, thực hiện phương châm “ly nông không ly hương”, từ đó người lao động có điều kiện chăm sóc con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc do không phải đi làm ăn xa.
PV: Quá trình xây dựng và triển khai nghị quyết lần này được thực hiện đồng thời với thời gian tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này đã được tỉnh tích hợp những định hướng và quan điểm phát triển của địa phương như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Đối với tỉnh Hà Tĩnh so với một số tỉnh, thành khác, tiềm năng, lợi thế cũng không phải là thuận lợi, đặc biệt là tỉnh luôn chịu ảnh hưởng của thiên tai. Chính vì vậy, trên cơ sở quy hoạch sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới, chúng tôi hết sức chú trọng tới việc kết nối vùng. Kịp thời cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với triển khai Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh; ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp sau thép, công nghiệp chế biến, chế tạo. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông chiến lược, hình thành các trục phát triển; đầu tư hạ tầng số, kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Huy động tối đa nguồn lực để xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics gắn với phát triển kinh tế biển, ven biển. Chú trọng phát triển, chỉnh trang và nâng cao chất lượng đô thị. Phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Hoàng Trung Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh
PV: Ông có nhắc rất nhiều tới yếu tố con người, vai trò của người dân trong phát triển Hà Tĩnh. Vậy làm thế nào để phát huy được tất cả những tinh hoa, những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Có thể khẳng định rằng, Hà Tĩnh có được sự phát triển như ngày nay ngoài sự giúp đỡ của Trung ương, sự chia sẻ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, thì nhân tố quyết định trước hết đó là công sức, trí tuệ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu của rất các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, những người con quê hương trên mọi miền tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài là người Hà Tĩnh tiếp tục hướng về quê hương, đầu tư ngay tại quê hương, hiến kế về các giải pháp để phát triển bền vững cho tỉnh Hà Tĩnh; luôn xem sự phát triển của tỉnh là một phần đóng góp công sức của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.
Link gốc: https://vov.vn/chinh-tri/bi-thu-tinh-uy-ha-tinh-tap-trung-giai-quyet-viec-lam-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-850735.vov