Một trường hợp vừa bị chó cắn phải nhập viện
Ngày 23/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cháu bé T.H.K, 4 tuổi, ở Hà Nam bị chó nhà tấn công. Đây là chó đẻ, chưa tiêm phòng dại.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng dập nát vùng má từ góc mép đến sát tai, lộ tổ chức mỡ. May mắn vết thương chỉ ở phần da và tổ chức dưới da, không ảnh hưởng đến gân cơ, hệ thống thần kinh và các tuyến nước bọt vùng mặt.
Để điều trị, các bác sĩ đã khử trùng sạch sẽ vết thương, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da cho cháu bé. Ngay hôm sau, bệnh nhân cũng được đưa đi tiêm phòng dại. Hiện tại vết thương khô, sức khỏe ổn định, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
BV Việt Đức cho biết, trong khoảng thời gian từ đầu năm cho đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn.
Ngày 19/4, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam 7 tuổi, ở Thái Nguyên, bị chó nhà cắn, giống Pitbull, 17 kg, nuôi được 2 năm.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, vết thương cánh tay 2 bên, vết thương tầng sinh môn nhiều. Mặc dù được các bác sỹ cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng do tình trạng quá nặng nên bệnh nhân không qua khỏi.
Trước đó, chiều 3/4, sau khi tan học, nhóm học sinh trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện. Chơi xong, bé trai 7 tuổi về nhà trọ gần đó thì bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn. Khu vực vắng người nên không có ai giúp cháu bé xua đuổi đàn chó.
Bé trai vào Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được ép tim, truyền máu, tim cháu bé đã đập trở lại. Tuy nhiên, không lâu sau cháu bé không qua khỏi.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ cảnh báo người dân, nhất là các bậc cha mẹ có con nhỏ, không nên cho trẻ chơi gần vật nuôi hung dữ trong gia đình, đặc biệt là chó. Khi thả chó, nên rọ mõm, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra cho chính mình và người thân.
Nếu không may bị chó cắn, việc đầu tiên phải làm là sơ cứu, vệ sinh vết chó cắn rửa sạch vết thương dưới vòi nước mạnh hoặc nước ấm (có thể dùng xà bông, dung dịch sát trùng hoặc nước muối) nhưng tránh cọ mạnh làm vết thương nghiêm trọng hơn.
Sau đó cần nhanh chóng đưa nạn nhân bị chó cắn tới cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nạn nhân bị chó cắn cũng phải tiêm phòng dại
Theo Dân Việt