Hoạt động giao thông và xây dựng khiến lượng bụi mịn phát tán vào không khí.
Cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng
PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết FIMO và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp xây dựng Báo cáo Chất lượng Không khí - Tiếp cận đa nguồn trong giám sát bụi PM2,5.
Nghiên cứu phân tích nồng độ bụi PM2,5 dựa trên dữ liệu ảnh vệ tinh kết hợp với dữ liệu trên mặt đất (trạm truyền thống và mạng lưới trạm cảm biến) để cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng không khí trên toàn quốc tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu này, khu vực có nồng độ bụi PM2,5 cao nhất tập trung ở Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận) và giảm dần tại một phần duyên hải miền Trung và một phần tại Đồng bằng sông Cửu Long (TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận), là những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.
Nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm tại khu vực Đồng bằng sông Hồng cao là do khu vực này tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp và nhà máy sản xuất điện. Đồng thời, khu vực này cũng bị ảnh hưởng một phần của điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa đông làm cho chất ô nhiễm khuếch tán kém.
Khu vực miền núi như Tây Bắc và cao nguyên là những khu vực có nồng độ bụi PM2,5 thấp, nguyên nhân có thể là do những khu vực này có mật độ dân cư thấp và ít các khu công nghiệp so với các khu vực còn lại trên cả nước. Bản đồ biểu diễn nồng độ bụi PM2,5 có chỉ số này biến thiên từ 6,19 đến 37,7 µg/m3, tương ứng với dải màu từ xanh đến đỏ.
Nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số của các tỉnh phân nhóm theo miền, trong đó các tỉnh có giá trị cao nhất là tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình và TP Hà Nội. Đây đều là những tỉnh/thành tập trung nhiều khu công nghiệp và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây.
Như vậy, có thể nhận xét sơ bộ, 18/63 tỉnh/thành trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số cao hơn giá trị nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm được quy định trong QCVN 05:2013, được coi là những tỉnh/thành có ô nhiễm bụi PM2,5.
Trong số đó, 14/18 tỉnh có giá trị vượt ngưỡng là các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, 2 tỉnh là Hà Tĩnh, Nghệ An thuộc khu vực miền Trung, và 2 tỉnh là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thuộc khu vực miền Nam.
Trong khi đó, 55/63 tỉnh thành trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số thấp hơn giá trị nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm được quy định trong QCVN 05:2013, là những tỉnh/thành chưa ô nhiễm bụi PM2,5, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...) và cao nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng...).
Bản đồ nồng độ bụi PM2,5 có trọng số dân số theo tỉnh/thành phố thể hiện sự phơi nhiễm bụi mịn PM2,5 của dân cư sinh sống trên tỉnh/thành phố đó, trong đó nồng độ PM2,5 ở những khu vực có nhiều dân cư sẽ có trọng số cao hơn những khu vực ít dân sinh sống khi tính trung bình theo tỉnh/thành phố.
Đây là một chỉ số được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng để đánh giá tác động của ô nhiễm PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng.
Mạng lưới quan trắc thiếu nên số liệu có độ bất định
“Chúng tôi cũng đã thực hiện kiểm chứng dữ liệu bản đồ bụi PM2,5 trung bình ngày và trung bình năm với giá trị đo đạc tại 13 trạm quan trắc hiện có trên toàn quốc (1 tại Phú Thọ, 1 tại Quảng Ninh, 8 tại Hà Nội, 1 tại Huế, 1 tại Đà Nẵng, 1 tại TP Hồ Chí Minh).
Kết quả là, đối với bản đồ bụi trung bình ngày cho năm 2019, giá trị ước tính bụi PM tại trạm Đà Nẵng có tương quan R2 thấp, các trạm còn lại có tương quan dao động từ 0,42 – 0,93. Điều này thể hiện bản đồ có thể biểu diễn sự biến thiên của bụi PM2,5 theo ngày trên phạm vi toàn quốc”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh chia sẻ.
Đối với kiểm chứng bản đồ bụi PM,5 trung bình năm 2019, giá trị ước tính PM2,5 của bản đồ thấp hơn so với trạm tại các trạm quan trắc ở Hà Nôi và cao hơn tại các trạm quan trắc ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Sai số tuyệt đối chung của tất cả các trạm đạt 4,36 (µg/m³) và sai số tương đối đạt 8,96%.
Bản đồ nồng độ bụi PM2,5 do nhóm nghiên cứu xây dựng có độ bất định thấp ở những khu vực có trạm quan trắc và độ bất định cao ở những khu vực không hoặc có ít trạm quan trắc, do hiện trạng mạng lưới trạm quan trắc còn rất hạn chế tại Việt Nam.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt dữ liệu của ảnh vệ tinh do đặc thù khí hậu và mây che tại khu vực phía Bắc trong một số ngày cũng là một trong những yếu tố làm tăng độ bất định của bản đồ.
Ngoài ra, sự phân bố không gian của nồng độ bụi PM2,5 trên phạm vi toàn quốc có thể là vấn đề gây nhiều tranh cãi và không thể kiểm chứng do số lượng trạm quan trắc ít, các số liệu kiểm kê phát thải cho từng tỉnh còn thiếu chi tiết, chính xác và cập nhật, các yếu tố ảnh hưởng đến phân bố bụi mịn PM2,5 như vị trí địa lý, điều kiện khí hậu khí tượng trên tất cả các vùng khí hậu còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Đây cũng là một số nội dung cần được đầu tư trong tương lai để có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh và lý giải hợp lý về ô nhiễm bụi mịn PM2,5 ở Việt Nam.
PGS.TS Nhật Thanh nhận định, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt.
Trong số tất cả các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu.
Tại Việt Nam, các phương pháp quan trắc chất lượng không khí hiện nay còn nhiều hạn chế do mật độ trạm quan trắc cố định còn thấp do chi phí lắp đặt và vận hành cao, độ tin cậy chưa cao của mạng lưới cảm biến chi phí thấp mặc dù mật độ dày đặc, và tần suất quan trắc thấp của công nghệ ảnh vệ tinh.
Các hạn chế này khiến việc theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí, đặc biệt tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2,5, trở nên khó khăn và chưa toàn diện.
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ban-do-o-nhiem-bui-min-o-viet-nam-Z76xj0LGR.html