Các cô giáo Trường Mầm non Mỏ Vàng (Văn Yên) lạc quan dù di chuyển tới trường trên cung đường khó. Ảnh: ITN
Đối diện với mất mát, thương đau, các thầy cô đang nỗ lực dạy tốt để bù đắp cho học trò và tăng cường chất lượng giáo dục.
Đối diện lũ dữ để cứu trường, lớp
Dù thông tin cảnh báo và những biện pháp đối phó khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam đã được đưa ra, thế nhưng, Yên Bái vẫn là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng. Ngành Giáo dục có 2 cô giáo thiệt mạng, 8 học sinh vĩnh viễn không trở lại trường. Tổn thất về tài sản ước tính gần 50 tỷ đồng.
Cô Hoàng Thị Như Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh, nơi cô giáo Lê Thị Thanh Huyền công tác bày tỏ: “Các thầy, cô giáo nói chung, cô Huyền nói riêng đã nỗ lực, cố gắng để tiếp tục đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học trò sau những mất mát do thiên tai gây ra. Điều đó minh chứng cho sự trách nhiệm với ngành, trường lớp và đặc biệt là tình yêu thương với những học trò vùng sâu, xa còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống và học tập”.
Ngày 9/9, nước dâng nhanh và chảy xiết vào từng góc của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái). Nhìn trang thiết bị dạy học chưa kịp di chuyển đến nơi an toàn, các cô giáo không đành lòng nên ở lại để di chuyển bằng được số thiết bị trong đêm. Pin điện thoại hết, lương thực cạn dần, chỉ có con nước ngày một dâng cao. Thế nhưng, thách thức đấy không làm nao núng tinh thần cứu trường, lớp của các thầy cô.
Cô Đinh Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học không thể quên giây phút hãi hùng khi nước dâng cao tận tầng 2. “Khi ấy, các gia đình giáo viên ở lại trường đều ngập sâu trong nước. Nhưng để học sinh có cái học, các cô giáo không màng tài sản, tính mạng bản thân mà lao vào cứu trang thiết bị của nhà trường”, cô Phương nhớ lại.
Bão đi qua, sau nửa tháng, hơn 600 học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái (TP Yên Bái) và 32 giáo viên mới có thể trở lại trường. Để dọn dẹp, vệ sinh bùn đất do nước lũ để lại, thầy Vũ Văn Tấn - giáo viên nhà trường cho biết, trường phải nhờ hơn 1.600 công lao động từ nhiều lực lượng như bộ đội, công an, thầy, cô giáo từ các nhà trường trên địa bàn tỉnh và đồng nghiệp từ Hà Nội và địa phương khác hỗ trợ.
“Những ngày tháng khắc phục hậu quả do mưa lũ thực sự vất vả. Có quá nhiều công việc các thầy, cô giáo phải “gánh”. Nhưng cùng với học sinh, phụ huynh, các thầy cô đã nỗ lực hết mình”, thầy Tấn chia sẻ.
Cô Hoàng Minh Diệp - giáo viên Trường Tiểu học & THCS Minh Chuẩn (Lục Yên, Yên Bái) gây “sốt” với hình ảnh ăn mì tôm trong lúc khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: ITN
Học trò là động lực
Tại huyện Yên Bình, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về nhà ở của học sinh, giáo viên. Nhiều thầy, cô giáo bị thiệt hại về tài sản, không ít gia đình học sinh bị đất đá vùi lấp. Nhưng tinh thần, nhiệt huyết với sự học, con chữ không hề bị lung lay.
Cô Hoàng Thị Như Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh (Yên Bình) chia sẻ: “Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi đã vào cơ sở để nắm bắt tình hình. Rất nhiều gia đình học sinh bị mưa lũ cuốn trôi hết tài sản, tuy nhiên tinh thần học tập của các em không bị ảnh hưởng. Chúng tôi rất xúc động khi bên lán tạm, nơi ở nhờ, các em vẫn có góc học tập riêng. Những hình ảnh ấy trở thành động lực lớn lao, thúc đẩy các thầy cô sau mưa bão hết mình giúp đỡ học trò và dạy học thật tốt”.
Các lớp học tan hoang, bùn lầy bủa vây, Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái) bị cuốn trôi nhiều đồ chơi, tài sản và các thiết bị thiết yếu. Cô Hiệu trưởng Bùi Thị Phương Nga cho biết: Dù các đồ dùng như tủ cơm, tủ lạnh hỏng, bát đũa học sinh ngập sâu trong bùn đất, bàn học… của trường bị cuốn trôi theo nước lũ… nhưng giáo viên đã nhanh chóng dọn dẹp, khắc phục hậu quả, đảm bảo các điều kiện cơ bản để đón trẻ được trở lại lớp học ngay sau bão lũ.
“Chúng tôi mua nợ 1 tủ cơm, còn 1 tủ lạnh và bàn ghế trôi hỏng được thay thế, toàn bộ bát đĩa, thìa của trẻ cũng được mua mới để đảm bảo an toàn. Thật may mắn, các nhà cung ứng lương thực không tăng giá. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải mua nợ những vật dụng cần thiết nhất để phục vụ hoạt động nuôi dạy trẻ”, cô Nga cho hay.
Câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Chí Anh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu) để vợ và con gái 4 tuổi lại bệnh viện khi điều trị rắn độc cắn để quay về cứu trợ bà con bị lũ lụt bao vây cũng mang lại nhiều xúc động. Thế nhưng, người thầy giáo trẻ đơn giản nghĩ rằng: “Khi ấy, con tôi đã được về bệnh viện tuyến đầu, các y, bác sĩ tiếp nhận điều trị thì khá yên tâm. Còn với nước lũ thì không gì cản được, mức độ nguy hiểm cao hơn, ảnh hưởng đến nhiều người, do đó, tôi quyết định quay về hỗ trợ, tiếp tế cho dân làng”.
Cô giáo Lê Thị Thanh Huyền và học sinh vùng cao Trạm Tấu. Ảnh: NVCC
Nỗ lực cho “ngày khai giảng lần 2”
Tài sản riêng của nhiều gia đình thầy, cô giáo đã bị mưa lũ cuốn, nhưng ngay sau bão tan, tất cả vẫn nỗ lực quay trở lại trường học khắc phục hậu quả để học trò có thể quay trở lại lớp sớm nhất.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái trong chuyến đi khảo sát thực tế sau bão cho biết: “Để khắc phục hậu quả bão lũ ở nhà và trường chu tất, các thầy cô đã cố gắng rất nhiều. Phải có tình yêu, trách nhiệm với trường lớp, tình thương với học trò thì các thầy cô mới có thể nỗ lực như vậy”. Cũng vì trách nhiệm, tình thương ấy, nên 4 thầy, cô giáo Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên) dù bị thương khi làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ vẫn vui vẻ đến trường “ngày khai giảng lần 2” (ngày 18/9) mà không nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Dù bị gãy tay trái khi khắc phục hậu quả bão lũ tại trường, thầy Nguyễn Hữu Tuấn - giáo viên môn Toán Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên) vẫn nỗ lực đứng lớp sau mưa lũ. “Tôi và các đồng nghiệp luôn giữ tinh thần lạc quan để trấn an học trò, đưa không khí học tập sôi nổi trở lại để các em bắt nhịp với học tập nhanh nhất”, thầy Tuấn chia sẻ.
Dù gia đình thiệt hại nặng nề về tài sản trong bão số 3 nhưng cô Lê Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Tiếng Anh Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh (Yên Bình) vẫn lập tức lên đường đi biệt phái tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Cô Huyền cho biết, năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, cô xung phong biệt phái tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu.
Đến năm học 2024 - 2025, cô Huyền tiếp tục tình nguyện biệt phái tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Xà Hồ. Chia sẻ về lý do xung phong đi biệt phái ở thời điểm này, cô Huyền bày tỏ mong muốn đóng góp cho giáo dục vùng cao, giúp học trò không chỉ được tiếp nhận kiến thức, mà còn phần nào thay đổi nhận thức về việc học… nên đến giờ làm nhiệm vụ ở ngôi trường mới là cô lên đường.
“Bão đã đi qua, nhưng giáo dục vùng cao còn đầy khó khăn đợi những người thầy cùng chung tay, trách nhiệm tháo gỡ. Ví như, tỷ lệ học sinh vùng sâu, xa kết hôn ở độ tuổi rất sớm, thậm chí 15, 16 tuổi đã lập gia đình; rồi tình trạng tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
Do đó, những học sinh được sinh ra từ hệ lụy này thường khá chậm, thậm chí, nếu không được giáo dục đúng cách, các em sẽ không thoát khỏi vòng lặp từ thế hệ này sang thế hệ khác.Với vai trò giáo viên, tôi mong muốn truyền tải thông tin giúp các em thay đổi phần nào tư duy để tiếp tục học tập, thay đổi nhận thức, số phận”, cô Huyền tâm sự.
Chia sẻ về thu nhập khi tham gia biệt phái, cô Huyền cho hay: “Ngoài khoản lương giữ nguyên tại đơn vị cũ, tôi được nhận thêm phụ cấp đối với giáo viên dạy ở vùng 3. Tuy nhiên, thu nhập không phải là yếu tố quyết định khi tôi xung phong đi biệt phái 3 đợt liên tiếp. Nếu không thực sự yêu nghề, khát khao cống hiến cho ngành Giáo dục, tận tụy với học sinh… thì mức thu nhập ấy chưa thể bù đắp những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các thầy, cô biệt phái phải trải qua”.
Cô Huyền cho biết thêm, cơ chế chính sách hiện nay về cơ bản đã tạo điều kiện cho giáo viên biệt phái vùng sâu, xa, tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống ở vùng khó khăn, đặc biệt những thầy cô đã quen với cuộc sống ở thành phố hay khu vực có điều kiện tốt hơn.