Xung quanh chuyện dừng thành lập Khoa Ung bướu tại Bệnh viên Đa khoa Nghệ An: Quá tải ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An bài toán chưa có lời giải

Thứ bảy - 10/06/2017 14:54
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 3826/QĐ-UBND ngày 27/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8/2011 với thiết kế ban đầu là 50 giường bệnh.


Bệnh nhân ngồi kín phòng chờ khám bệnh.

Do nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, nên đầu năm 2012 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho phép Bệnh viện Ung bướu được xây dựng thêm hệ thống nhà kỹ thuật, và tăng thêm 60 giường bệnh nữa. Năm 2014, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An chuyển đến địa điểm mới, nên một phần bệnh viện cũ này được Bệnh viện Ung bướu Nghệ An sử dụng điều trị nội trú cho bệnh nhân ung thư. Thế nhưng tình trạng quá tải tại đây vẫn không hề giảm.

Có mặt tại bệnh viện vào lúc 9h sáng, nhưng tại khu đăng ký khám bệnh của bệnh viện có quá đông người đang chờ lấy số thứ tự khám bệnh. Những hàng ghế dành cho bệnh nhân ngồi đợi đã không còn chỗ trống, không khí rất ngột ngạt dù một cơn mưa dông vừa trút xuống... Bà Nguyễn Thị Ngụ (55 tuổi), ở Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Hai vợ chồng tôi đi vào đây từ lúc 3h sáng. Xin ông bảo vệ mở cửa cho vào nộp sổ khám, rồi tranh thủ nằm ngủ tại đây chờ đến giờ bệnh viện làm việc. Vậy mà vẫn đến sau nhiều người khác”.

Một bệnh nhân khác bên cạnh lộ rõ vẻ mệt mỏi nói: “Tôi thì nộp sổ lúc 6h sáng, vậy mà đã đến số thứ 115”.


Bệnh nhân chen chúc tại hành lang chờ khám bệnh.

Sau khi các bệnh nhân lấy số thứ tự khám, sẽ được phân vào các phòng khám bên cạnh. Trước các phòng khám, bệnh nhân chờ đợi tới lượt đứng, ngồi kín cả hành lang và lối đi lại.

Đã bước sang buổi chiều, nhưng lượng người khám bệnh vẫn không hề giảm. Anh Vi Văn Hùng (SN 1982, trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết: “Tôi bị bướu cổ, đã mổ ở bệnh viện và giờ thì tôi tới để kiểm tra lại. Tôi đi xe máy từ lúc sáng vượt hơn 80 km đến thành phố Vinh, giờ là cuối chiều rồi mà vẫn chưa được khám, người khám nhiều quá nên phải chờ lâu lắm, sợ hôm nay cũng chưa thể khám được”.

Khu vực đóng tiền viện phí của bệnh viện, rất nhiều người dân chen lấn vào để làm thủ tục. Nhiều bệnh nhân và người nhà tận dụng các bóng im dưới tán cây trong khuôn viên bệnh viện, để nghỉ ngơi cho bớt ngột ngạt.

Khoa Nội 1 của bệnh viện là nơi dành cho bệnh nhân điều trị nội trú. Tại đây các bệnh nhân với cái đầu rụng hết tóc do đang trong thời kỳ hóa, xạ trị. Ông Nguyễn Lâm Liên (SN 1966, trú tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị bệnh ung thư thanh quản, điều trị tại Khoa Nội 1 từ tháng 5/2015 đến nay cho biết: “Tại đây có gần 100 bệnh nhân, chưa kể ngoại trú, do số lượng bệnh nhân điều trị khoa này đông, nên có lúc hai người phải nằm một giường. Điều kiện sinh hoạt thì khổ lắm, không nói hết được. Nơi đây chỉ có một phòng vệ sinh, mà phục vụ cho hơn 80 bệnh nhân, chưa nói đến người nhà đi theo chăm sóc”.

Tại Khoa Ngoại, tình trạng bệnh nhân quá tải không kém các khoa khác mà chúng tôi đã đi qua. Đặc biệt dưới những gốc cây nhãn già, có rất nhiều bệnh nhân với bước chân co rút, tay đang mang tòng teng những lọ hóa chất ngồi tụm năm, tụm bảy hóng mát.

Được sự ủy quyền của Ban Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, bác sỹ Đặng Đình Bảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An phụ trách Phòng khám số 1 cho biết: “Khoa Khám bệnh có bảy (07) phòng khám. Mỗi ngày, tiếp đón khoảng từ 300 đến 350 bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan đến ung bướu. Hiện nay cơ sở vật chất còn thiếu, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Nhưng quan trọng và đáng lo lắng nhất là về nhân sự. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 700 bệnh nhân, chưa kể số lượng bệnh nhân tái khám và khám lần đầu mỗi ngày. Thế nhưng toàn bệnh viện chỉ có 200 người, bao gồm cả bác sỹ và cán bộ, nhân viên khác”.


Quá tải tại Khoa Nội trú.

Lý giải về nguyên nhân quá tải bệnh nhân tại đây, bác sỹ Đặng Đình Bảng cho biết: “Tính từ đầu năm 2014 đến tháng 8/2015 này, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã phát hiện ra gần 900 bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Sắp tới Bệnh viện Đa khoa Nghệ An không được phép khám, chữa bệnh về ung bướu nữa. Thì ở Nghệ An chỉ duy nhất Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, thực hiện chức năng khám chữa bệnh về ung thư, chắc chắn tình trạng bệnh nhân bị quá tải là không thể tránh khỏi”.

Cũng theo bác sỹ Bảng thì theo thống kê, tỉnh Nghệ An có dân số trên 3 triệu người, ước tính có từ 5.400 - 6.000 người mắc bệnh ung thư mới hàng năm. Rõ ràng, với tình trạng về người bệnh về ung bướu như hiện nay, giả sử 1/5 số người bệnh ung thư mới trên đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu có quy mô 1.000 giường, thì đã xảy ra tình trạng quá tải, đó là chưa nói đến bệnh nhân cũ từ các năm trước cộng dồn lại.

Được biết vào tháng 3/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg. Đồng ý phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường… giai đoạn 2015 - 2025” để phòng, chống bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác hiệu quả, giảm tải bệnh nhân mắc căn bệnh này tại các bệnh viện. Theo quyết định này, thì hệ thống y tế trên toàn quốc cần phải xây dựng và thực hiện được các chỉ tiêu, hệ thống tầm soát ung thư vệ tinh cơ sở xung quanh Bệnh viện Ung bướu tỉnh. Thế nhưng, trong khi Nghệ An chưa triển khai thực hiện được Quyết định 376/QĐ-TTg, tình trạng quá tải về khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung bướu chưa được giải quyết. Thì Bệnh viện Đa khoa Nghệ An lại ngừng tiếp nhận khám, điều trị cho bệnh nhân ung bướu. Dù tại bệnh viện này có đủ điều kiện về bác sỹ chuyên khoa ung thư học, cũng như cơ sở vật chất đáp ứng tốt để khám chữa bệnh về ung thư. Rõ ràng đây là một quyết định không phù hợp với pháp luật về khám chữa bệnh. Tạo nên sự quá tải bệnh nhân ung thư tại bệnh viện như hiện nay. Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…


Theo Tuyết Mây Báo xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây