Chồng, con đi XKLĐ HQ, căn nhà trở nên quá rộng đối với chị Lê Thị Trâm (Xã Cương Gián). Ảnh: VOV.vn |
Từ năm 1995-2000 được coi là thời kỳ hoàng kim đối với lao động nước ngoài ở Cương Gián. Phong trào xuất ngoại nở rộ, nhiều người đổ xô đi tìm “miền đất hứa”. Trong 4 năm 2003-2007, hơn 1.000 lao động được GQVL và có tài khoản riêng bằng con đường này. Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản là những thị trường truyền thống và là “miền đất hứa” của nhiều người dân Cương Gián. Thu nhập của lao động phổ thông tại những nước này luôn ở mức 1.000-2.000 USD/người/tháng; trong đó, chi phí đi đúng ngạch, không qua “cò mồi” xấp xỉ 5.000 USD.
Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã nhẩm tính: “Hiện xã có 14.580 nhân khẩu, nhưng số lao động ngoài nước tính đến thời điểm này đã lên tới 2.500 người”. Tiền NLĐ gửi về hàng tháng cho gia đình tích cóp, chủ yếu dùng cho việc xây dựng nhà cửa, dư dả thì gửi vào ngân hàng. Chính vì vậy, đã có không ít gia đình “một bước lên tiên” nhờ XKLĐ. Năm 2011, chương trình đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) ngừng tiếp nhận nhân lực mới. Nguyên nhân là do NLĐ, trong đó có người Cương Gián bỏ trốn quá nhiều sau một thời gian làm việc rồi cư trú bất hợp pháp, gây ảnh hưởng rất lớn đến ANTT của nước sở tại.
XKLĐ chính ngạch, chi phí “dễ chịu” hơn, nhưng không phải ai cũng có thể đi được. Chính vì vậy, nhiều người nóng vội lựa chọn lối “tiểu ngạch” nên số tiền qua trung gian bị đội lên rất nhiều. Không dừng lại ở đó, dù không đủ điều kiện sức khỏe, thậm chí mắc bệnh viêm gan B, NLĐ vẫn tìm đến cơ sở khám chữa “chui” để có trong tay giấy chứng nhận sức khỏe. Nhưng, “người tính không bằng trời tính”, các đối tượng này khi đặt chân đến sân bay ngay lập tức bị trục xuất do sức khỏe không đạt yêu cầu.
Tư vấn xuất khẩu lao động. Ảnh: Quang Linh |
NLĐ cho rằng, hợp đồng ký kết ngắn hạn không đủ thời gian làm việc để thu hồi vốn nên “túng quá hóa liều”, họ bỏ ra làm ngoài. Đặc biệt, đối với những lao động làm nghề biển, tuy vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, khiến họ nôn nóng tìm con đường khác. Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo lời ông Tiến thì “trong vòng 10 năm lại nay, không dưới 50 người dân Cương Gián bỏ mạng”. Bất đồng ngôn ngữ giữa người sử dụng lao động và NLĐ khiến những mâu thuẫn trong quá trình làm việc nảy sinh. Bỏ trốn cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những rủi ro. Ốm đau, bệnh tật, NLĐ phải tự lo vì công ty không chịu trách nhiệm. Đó là chưa kể khi bị tai nạn lao động, NLĐ cũng đành cay đắng chịu đựng. Và nếu chẳng may bị cảnh sát “sờ gáy” thì bị ngồi tù rồi trục xuất về nước là điều… đương nhiên.
“Cánh cửa” EPS đột ngột “đóng sập”, khiến giấc mộng xuất ngoại sang Hàn Quốc của không ít NLĐ tan biến. Mơ ước sang Hàn Quốc không biết bao giờ mới “cán đích”, khiến nhiều người trở nên chán nản, tụ tập rượu chè, cờ bạc… Không ít lần ma men “điều khiển”, họ gây gổ, đánh nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an của địa phương; những cạm bẫy, thú vui vô bổ luôn bủa vây.
Sau 3 năm “đóng băng” theo chương trình EPS, tháng 9/2013, thị trường lao động Hàn Quốc mở cửa trở lại, hứa hẹn “mảnh đất” đầy tiềm năng cho những lao động nuôi mộng đổi đời. Nhưng những người đi sau có rút được bài học kinh nghiệm để tránh “giẫm vào vết xe đổ” của người đi trước hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải!
Theo Thùy Dương baohatinh.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn