Hai mẹ con cụ đang sống trong căn nhỏ, xập xệ, được dựng cách đây gần nửa thế kỷ. Lúc chúng tôi tới thăm, cụ đang cho đứa con ăn cơm trưa. Bữa trưa cũng chỉ có cơm và một ít canh loãng nhưng trong cô con gái ăn rất ngon lành.
Khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về cuộc sống gia đình, cụ Lài mếu máo không nên lời.
Cụ có 3 người con gái. Người con đầu là Trần Thị Chắt (49 tuổi) bị bệnh động kinh. Sau Chắt còn 2 cô em gái nay đã lấy chồng, có cuộc sống riêng, nhưng ai cũng nghèo túng.
Năm 1985 chồng của cụ là Trần Văn Mạo qua đời sau cơn bạo bệnh. Chồng mất, bao gánh nặng dồn lên đôi vai của cụ.
“Lúc chồng đau ốm, gia đình cũng phải đi vay mượn để đưa ông đi viện. Hết rất nhiều tiền nhưng cuối cùng ông không qua khỏi”.
“Gia đình vốn nghèo khó, chồng lại mất sớm nên cuộc sống của bốn mẹ con càng khốn đốn hơn, rơi vào cảnh nợ nần. Những năm ấy, cụ phải đi kiếm ăn từng bữa”, cụ Lài chua xót nói.
Rồi 2 người con của cụ là Đỉnh và Thắm cũng lần lượt lấy chồng, có cuộc sống riêng. Nhưng cái đói, cái nghèo cũng không tha cho các con của cụ.
Riêng chị Chắt, bị bệnh động kinh nên phải ở với cụ. Năm nay, chị Chắt đã 47 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên 3, ngơ ngác.
“Lúc sinh nó cũng bình thường. Đến 6 tuổi thì cháu có những biểu hiện lạ. Đi khám thì bác sĩ nói cháu bị bệnh động kinh”.
“Nhìn nó lúc bình thường thì ngơ ngác, hiền lành lắm. Nhưng khi lên cơn thì ghê gớm lắm, có khi nó còn đánh cả tôi nữa”, cụ Lài tâm sự.
Hàng ngày, cụ bòn những ngọn rau trong vườn đi bán để mua gạo, mua thức ăn. Cứ sáng sớm, người dân nơi đây lại thấy cảnh cụ lọ mọ đưa mớ rau vặt ra chợ bán ai cũng nghẹn ngào, xót xa.
Cụ đi chợ thì phải xích đứa con của mình vào một góc nhà. Cụ cố gắng đi chợ thật sớm để về kịp lúc cô con gái thức dậy.
“Nó ngủ dậy mà không thấy cụ là nó la hét, khóc lóc. Nên cụ phải dậy đi chợ thật sớm để về với con”, cụ Lài cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hoài (hàng xóm của cụ Lài) chép miệng buồn bã “ Ở tuổi cụ giờ đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, vui bên con cháu rồi. Hàng ngày, thấy cụ lủi thủi xách rổ rau ra chợ ai cũng thương lắm”.
Vào những ngày mưa gió, bão lũ, hai mẹ con cụ chỉ biết trông chờ vào bà con lối xóm.
Trong ngôi nhà cũ kỹ chỉ chờ chực đổ xuống ấy thứ vật chất quý giá nhất của cụ lúc này là chiếc quan tài và tấm bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh trao tặng vì đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Trước tôi có tham gia dân quân hỏa tuyến nhưng vì không còn giữ bất cứ giấy tờ gì nên không được hưởng chế độ gì cả”, cụ cho biết.
Có lẽ với cụ không có khó khăn nào, nỗi đau nào mà cụ không trải qua. Nhưng đến phần cuối cuộc đời, cụ vẫn chất chứa bao nỗi lo âu, chưa thể nào yên lòng.
“Cụ không sống được bao lâu nữa, nhưng cụ mất đi nó sẽ thế nào, nó sẽ ở đâu?. Làm sao cụ nhắm mắt an lòng được đây?”cụ mếu máo, nghẹn ngào khi nghĩ về ngày mai.
“Chắt là con đầu, sau nó còn có 2 đứa em của nó nữa. Một đứa ở trong miền Nam, một đứa ở trong xã nhưng ai cũng nghèo túng. Biết mẹ cơ cực nhưng chỉ biết nói động viên mấy câu rồi khóc”.
Rời căn nhà nhỏ ấy, hình ảnh người mẹ già khắc khổ, đưa đôi tay gầy guộc run run bón từng muỗng cơm cho đứa con bệnh tật, ngơ ngác cứ mãi ám ảnh chúng tôi.
Cụ đang rất cần những chia sẻ, quan tâm của các nhà hảo tâm để giúp cụ vơi bớt đi nỗi cơ cực này
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn