Xin cứu đói vẫn đòi “hoành tráng”

Thứ tư - 07/06/2017 03:53
Nhiều địa phương dự tính chi hàng nghìn tỷ đồng để xây trung tâm hành chính tập trung, nhưng không ít trong số đó tới vụ giáp hạt lại phải đi xin trung ương cấp gạo cứu đói.


Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tu sửa xong. Ảnh: P.V.

Đua nhau xin làm trụ sở to

Sau “thành công” của Bình Dương, Đà Nẵng xây dựng trung tâm hành chính tập trung, các địa phương khác cũng lần lượt trình Chính phủ phương án xây trung tâm hành chính của tỉnh mình và xin thêm ngân sách trung ương hỗ trợ. 

Ngoài Hải Phòng gây chú ý khi trình Chính phủ phương án xây dựng trung tâm hành chính, Nghệ An cũng chọn phương án xây dựng khu hành chính tập trung sở ngành, gồm 2 tòa tháp cao 27 tầng. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 2.178 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Nghệ An cũng vừa đưa vào sử dụng trụ sở UBND tỉnh mới cao 11 tầng với kinh phí khoảng 365 tỷ đồng từ vốn ngân sách.

Tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có tờ trình Chính phủ đề nghị cho xây trụ sở mới. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.280 tỷ đồng, trong đó tỉnh xin ngân sách trung ương hỗ trợ 10% vốn đầu tư, còn lại sử dụng các nguồn vốn khác…

Dù đề xuất xây trung tâm hành chính “hoành tráng”, nhưng không ít tỉnh hiện vẫn phải xin trợ cấp cứu đói từ trung ương. Như với Nghệ An, cuối tháng 5 vừa qua, sau khi tỉnh đề nghị đã được Chính phủ cấp 1.566 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ địa phương cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt 2015. Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán 2014 và 2015, tỉnh này cũng được Chính phủ hỗ trợ hơn 7.400 tấn gạo cứu đói cho nhân dân trong tỉnh đón Tết.

Trụ sở chỉ như cái áo trang trí

Việc Hà Tĩnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 10% kinh phí xây trung tâm hành chính tỉnh, Bộ KH&ĐT mới đây cho rằng: Dự án chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) phần ngân sách trung ương hỗ trợ. 

Mặt khác, dự thảo nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm tới của Chính phủ chưa khuyến khích sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ xây trụ sở. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị tỉnh Hà Tĩnh sử dụng ngân sách địa phương, nguồn vốn bán trụ sở cũ và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây trụ sở, như cách làm của Bình Dương, Đà Nẵng.

“Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương được hay không phải căn cứ vào danh mục ưu tiên đầu tư. Về nguyên tắc, bao giờ cũng ưu tiên ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, sau đó mới đầu tư việc khác”. 

Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT)

Chiều 11/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết: Với kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020), Chính phủ sẽ giao vốn cho địa phương trong cả kỳ, địa phương tự quyết định đầu tư gì, sử dụng ra sao. Do đó, Bộ KH&ĐT chỉ cho ý kiến với những dự án được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư và những dự án được Chính phủ giao cho ý kiến.

Theo ông Tự, việc các địa phương xin ngân sách trung ương hỗ trợ xây trụ sở mới là việc địa phương xin, còn Chính phủ có đồng ý hỗ trợ hay không là chuyện khác.

“Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương được hay không phải căn cứ vào danh mục ưu tiên đầu tư. Về nguyên tắc, bao giờ cũng ưu tiên ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, sau đó mới đầu tư việc khác. Nhưng cái chính, ngân sách trung ương đã phân một cục cho địa phương, các địa phương biết trước có bao nhiêu tiền trong 5 năm tới để sử dụng, và phải sử dụng tốt nhất số tiền đấy cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tự nói.

Theo Lê Hữu Việt Tiền phong

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây