Thị trường công nghệ: cung đã có, cầu ... vẫn phải chờ

Thứ tư - 07/06/2017 03:52
Trong khi nguồn cung đã khá lớn, thì nguồn cầu về KHCN đối với các sản phẩm trong nước của các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn khá hạn chế do thiếu những định chế trung gian hay chưa tạo được sự tin tưởng, quan tâm.

Nhiều công nghệ sẵn sàng chuyển giao

Đến với hoạt động “Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ 2015”, Sở KH&CN TP.HCM đã trưng bày và giới thiệu cho khách tham quan “Thiết bị lọc nước biển” sử dụng cho các tàu đánh bắt xa bờ, các vùng hải đảo, vùng có nước nhiễm mặn... Theo đại diện Sở KH&CN TP.HCM, thiết bị này có kích thước 0,8m x 0,5m x1,1m, sử dụng nguồn điện 24 Vôn và có khả năng lọc được 30 lít nước/ giờ. Giá thành sau khi chuyển giao hoàn chỉnh chỉ rơi vào khoảng 90 triệu đồng/ bộ, phù hợp cho nhiều cá nhân, đơn vị trong hoàn cảnh nguồn dự trữ nước ngọt khi đi trên biển tương đối khó khăn. 

Thiết bị lọc nước biển của Sở KHCN TP.HCM được giới thiệu tại  hoạt động “Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ 2015”

Trong khi đó, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường ĐH Tây Nguyên đã giới thiệu tại hoạt động một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới (VINANA 1 và VINANA 2). Đây là những sản phẩm được sản xuất từ chế phẩm của vỏ tôm, có nguồn gốc tự nhiên, không độc hại và thân thiện với môi trường.

Ông Trương Hồng Hà, Trưởng phòng chuyển giao công nghệ sinh học và môi trường cho biết, đến với hoạt động trình diễn lần này, bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm, công ty cũng mong muốn tìm kiếm đối tác làm ăn, chuyển giao công nghệ. “Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành xong việc nghiên cứu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một Viện nghiên cứu, việc sản xuất với số lượng lớn, đại trà cần có thêm sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Nếu có đơn vị nào quan tâm tới công nghệ sản xuất phân bón thế hệ mới này, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng chuyển giao trong thời gian ngắn nhất”.

Ông Nguyễn Văn Gia, tác giả của sản phẩm “Xe lu nền ruộng muối” đoạt giải lĩnh vực cơ khí tự động hóa Hội thi Sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013 – 2014 cũng chia sẻ, kể từ khi nghiên cứu thành công đến nay, dù sản phẩm đã được chứng nhận đạt hiệu quả cao nhưng mới chỉ bán được 5 máy, chủ yếu là cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua hoạt động trình diễn kết nối cung cầu lần này, ông  Gia cũng mong muốn tìm được cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình, từ đó mở rộng thị trường một cách rộng rãi hơn.

Không chỉ các đơn vị, cá nhân trong nước, hoạt động “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ 2015” cũng nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Lê Trân, đại diện Văn phòng công ty Quallity Plus tại Việt Nam cho biết, công ty là một trong những nhà máy nghiên cứu và sản xuất mỹ phẩm hàng đầu của Thái Lan. Với nhu cầu mở rộng thị trường, Quallity Plus đang tìm kiếm những đối tác làm ăn tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

“Ngoài việc cung cấp các loại mỹ phẩm đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành, chúng tôi còn giúp các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu của mình thông qua mẫu mã, bao bì sản phẩm do phía đối tác cung cấp. Bên cạnh đó, với trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm đã có sẵn, chúng tôi cũng sẽ giúp các đối tác đưa ra những công thức, sản phẩm làm đẹp độc quyền để tạo dựng vị thế của mình tại mỗi quốc gia”, bà Trân nói.

Bên cạnh bán sản phẩm, công ty mỹ phẩm Quallity Plus còn tìm kiếm đối tác và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

Cầu... vẫn phải chờ

250 sản phẩm, thiết bị công nghệ của 103 đơn vị được trình bày, giới thiệu, nhưng chỉ có 14 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng được ký kết. Đó là những gì mà các đơn vị tham gia đạt được trong hai ngày diễn ra hoạt động “Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ 2015”.

Con số này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của một hoạt động KHCN lớn nhất nhì khu vực, nhưng lại phản ánh đúng thực trạng của thị trường KHCN nước nhà.

Theo đại diện Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng, việc các sản phẩm, thiết bị, đề tài nghiên cứu khoa học trong nước chưa được các doanh nghiệp quan tâm không phải là vấn đề mới. Điều này xuất phát từ việc các đơn vị vẫn “nhìn nhau” khi muốn áp dụng một công nghệ mới vào quá trình hoạt động của mình.

Vị đại diện này cho hay: “Đối với một sản phẩm của nước ngoài, dù tốt hay xấu, người ta cũng dễ dàng chấp nhận, bởi nếu thất bại thì đó là lỗi của nhà sản xuất. Nhưng nếu là một sản phẩm trong nước chế tạo ra, người ta sẽ cân nhắc xem có nên mua hay không, rồi chờ xem đã có địa phương nào sử dụng hay chưa,hiệu quả ra sao rồi mới bàn tính tiếp. Điều này khiến cho nhiều sản phẩm, thiết bị chế tạo ra dù có tốt đến đâu cũng có thể nằm đắp chiếu do không thể chuyển giao”.

Để giải quyết vấn đề, vị này cho rằng, trong thời gian tới, truyền thông KHCN cần phải tăng cường hơn nữa việc thông tin đến cho thị trường các sản phẩm, thiết bị KHCN mới, hiệu quả cao được sản xuất ở trong nước. “Chỉ có thay đổi triệt để tư duy nghi ngại sản phẩm công nghệ Việt thì trong tương lai, KHCN của chúng ta mới có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn”.

Một nguyên nhân khác đến từ việc thị trường công nghệ của chúng ta còn khá non kém, chưa có được nhiều sự chuẩn bị như các thị trường bất động sản, kinh tế...

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, hiện nay, chúng ta đã có một nguồn cung khá lớn (các nghiên cứu đến từ các viện, trường, cá nhân...) và nguồn cầu tương đối mạnh (đến từ các doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước...). Thế nhưng, chúng ta vẫn thiếu đi những định chế trung gian để tạo ra mối liên kết cung cầu, hỗ trợ cho các nhà khoa học và doanh nghiệp có thể tìm thấy nhau.

Do đó, theo ông Quân, trước mắt, chúng ta cần xây dựng được một định chế trung gian đủ mạnh, đồng thời đặt thị trường công nghệ ở mức ưu tiên thì mới có thể phát triển mạnh hơn KHCN trong thời gian tới.

Theo Thiện An khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây