Về mặt vĩ mô, giá dầu thô giảm mạnh đã làm cho ngân sách nhà nước hụt thu, song lợi ích từ hiệu ứng này với nền kinh tế là nhiều hơn. Điều đó được khẳng định khi ngày 20/1, trước thời điểm giá xăng giảm lần thứ 15 liên tiếp một ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhiều dự báo giá dầu có thể chỉ từ 20-50 USD/thùng song thực tế rất khó lường. Dù sao thì giá dầu giảm xuống dài hạn là dấu hiệu tốt. Giá dầu giảm, nhiều dự báo chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, với Việt Nam điều này cũng thuận lợi”.
Theo tính toán của các chuyên gia, giá dầu thô giảm 1 USD/thùng (1% giá dự tính), ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỷ đồng. Như vậy, việc giá dầu thô giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống dưới 50 USD/thùng hiện nay thì ngân sách hụt thu 50.000 tỷ đồng so với dự toán. Nếu kịch bản dầu thô xuống mức 40 USD/thùng như một số dự báo thì ngân sách hụt thu khoảng 55.000 tỷ đồng.
Người tiêu dùng vẫn bị thiệt quyền lợi do giá cả thị trường vẫn đứng im sau khi giá xăng dầu giảm tới 15 lần liên tiếp. Ảnh: TL
Ở chiều nhập khẩu, mỗi năm, khoản thu thuế nhập khẩu xăng dầu đã được tính toán đạt khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng/năm. Khi giá dầu thô giảm một nửa cũng đồng nghĩa với việc thu thuế chỉ còn một nửa trị giá. Như vậy, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu xăng dầu thì giảm thu ngân sách với mức giá dầu thô hiện nay là 40.000 tỷ đồng; còn nếu giá xuống 40 USD/thùng thì thu ngân sách giảm 62.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng mang lại hiệu ứng rất tích cực cho nền kinh tế. Nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế trong nước được hưởng lợi, trong đó vận tải được hưởng lợi nhiều nhất do đây là lĩnh vực tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất. Đó còn là các ngành nghề như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào ở các ngành nghề này.
“Đục nước béo cò”
Đúng ra xăng giảm đồng nghĩa chi phí vận tải, vận chuyển giảm, khiến chi phí nhiều mặt hàng sẽ giảm theo. Điều này sẽ càng có ý nghĩa khi dịp Tết Nguyên đán 2015 đang đến gần. Tuy vậy, diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường chưa như kỳ vọng. Thậm chí, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đứng im. Đây được xem là nghịch lý.
Qua khảo sát tại một số khu chợ ở Hà Nội, phần lớn giá cả hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể, giá nhiều mặt hàng gia vị, thực phẩm khô, như: tôm khô, khô mực, nấm đông cô... vừa được điều chỉnh giá tăng. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt heo, bò, cá, hải sản... vẫn “đứng im”. “Giáp Tết giá chưa tăng là còn may đấy”, chị Nguyễn Diệu Linh ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở cho biết.
Ở các khu vực ẩm thực trên địa bàn, từ bình dân cho đến cao cấp, đa phần các loại đồ ăn như: cơm, bún, phở… giá vẫn niêm yết với mức giá như cũ. Các loại sữa giá vẫn được giữ nguyên, chưa có dấu hiệu giảm.
Tiểu thương có nhiều lý do để biện minh cho việc giá cả vào thời điểm này chưa giảm. Chị Diệu Linh - một chủ sạp hàng ở quận Cầu Giấy - lý lẽ: “Mỗi lần giá xăng giảm là người tiêu dùng lại thắc mắc với chúng tôi vì sao giá hàng hóa không giảm theo. Chúng tôi buôn bán phải phụ thuộc vào nguồn hàng, họ bán cho giá cao thì làm sao chúng tôi giảm được. Gần Tết, một số mặt hàng như: bánh kẹo, nước uống, các loại nấm khô, đậu phộng… như thường lệ tăng giá thêm. Trong khi giá thuê mặt bằng, giá điện không hề giảm, ai cũng muốn bán giá phải chăng cho khách nhưng mà chúng tôi không nắm trong tay các cơ sở đó để giảm giá”. Các tiểu thương cho rằng giá cả các loại rau, củ quả thường không phụ thuộc vào giá xăng dầu mà chủ yếu là do “thị trường quyết định”.
Qua tiếp xúc, rất nhiều tiểu thương cho biết họ bị người tiêu dùng “mắng oan” là cố tình giữ giá. Thực tế họ cũng chỉ là những người buôn đi bán lại nhỏ lẻ, không quyết định được giá. Các tiểu thương cũng kỳ vọng có mặt bằng giá hợp lý để có câu trả lời thỏa đáng và tạo lòng tin đối với “thượng đế”. Không như năm ngoái, dịp này giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhanh, ở thời điểm Tết Nguyên đán 2015 ngày càng gần nhưng giá cả hàng hóa hiện hầu như không tăng. Tưởng như đó là tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng, tuy nhiên trên thực tế, giá cả chưa phù hợp và chỉ bộ phận vận tải và giới đầu cơ hưởng lợi. Người tiêu dùng chờ những hành động mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý về giá và thị trường nhằm đưa mặt bằng giá về mức hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Ở ngành vận tải, dù giá xăng đã giảm 15 lần, song mức giảm giá cước vận tải không đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến giá tiêu dùng chưa giảm nhiều như mong đợi của người dân. Ngoài ra, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, giá cả các loại hàng hóa thường có xu hướng tăng cao theo nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng khó giảm. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn