Xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh: Chính quyền địa phương cấu kết lập hồ sơ khống móc túi ngân sách

Thứ bảy - 10/06/2017 02:28
Hơn 300 hộ dân bị giải tỏa nhà và đất trong hai đợt thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện tuyên bố với dân không bồi thường thiệt hại. Người dân gửi đơn khiếu nại, huyện và xã chỉ ra thông báo trả lời quanh co. Khi cơ quan báo chí vào cuộc, phát hiện Chủ tịch UBND xã cấu kết với Ban BTGPMB huyện và một số phần tử thoái hóa biến chất ở xã kí tên lập hồ sơ khống bồi thường cho một trường hợp, cùng nhau móc túi ngân sách hàng tỉ đồng. Người dân gửi đơn tố cáo thì các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hà Tĩnh vẫn vô cảm, phớt lờ!…

Thu hồi đất của 124 hộ chỉ bồi thường cho một hộ hàng tỉ đồng

Tháng 3/1997, thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A lần 1, có gần 200 hộ dân ở xã Thạch Liên bị giải tỏa nhà ở, đất ở nhưng Ban BTGPMB huyện Thạch Hà tuyên bố: “Dự án này mang tầm quốc gia nên không được bồi thường thiệt hại, mà chỉ hỗ trợ thôi”. Tất cả các hộ dân bị thu hồi đất nhưng UBND huyện không ban hành quyết định thu hồi. Người dân ở xã nghèo này chỉ nhận được số tiền do Ban BTGPMB huyện và xã chi trả theo kiểu bố thí. Có hộ nhận được 200.000 đồng, có hộ nhận được 500.000 đồng, hộ nào có tình cảm sâu nặng với ban bồi thường xã và huyện thì được chi gần một triệu đồng. Tất cả các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ đều không có hóa đơn chứng từ hay biên nhận, chỉ kí tên vào danh sách. Ban BTGPMB chỉ đến từng nhà trao tay. Người dân cho rằng, số tiền Ban BTGPMB huyện chi trả được lập một danh sách khác. Còn bảng quyết toán với chủ đầu tư thì được lập một kiểu khác. Họ đòi hỏi chính quyền phải thông báo cho dân biết tổng số diện tích nhà, đất bị giải tỏa, tổng số tiền bồi thường thiệt hại thì chính quyền xã và Ban BTGPMB huyện không công khai. Trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi, ông Nguyễn Anh Tùng, Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Thạch Hà (Thường trực Ban BTGPMB) cho biết: “Tôi không hiểu vì sao, gần 200 hộ dân ở xã Thạch Liên bị giải tỏa nhà, đất đợt 1 năm 1997 mà chỉ duy nhất có mỗi hộ ông Trần Văn Đề được nhận tiền bồi thường. Giải tỏa lần 2 năm 2013 với 124 hộ dân bị mất nhà, đất mà cũng có duy nhất hộ ông Trần Văn Đề được bồi thường tiền tỉ?”.

Thủ đoạn lắt léo ép buộc  người dân, rút ruột  ngân sách

Lần theo dấu vết những đơn tố cáo, chúng tôi đến xã Thạch Liên xác minh. Ông Trần Văn Đề nhập ngũ ngày 9/4/1981, năm 1985 xuất ngũ về quê  bao chiếm gần 1.000m2 đất công thổ mặt tiền đường Quốc lộ 1A dựng nhà ở. Ông Đề không có giấy tờ chứng minh đất ở, nhà ở có nguồn gốc hợp pháp. Vậy mà ông Nguyễn Sỹ Dần, Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cấu kết có tổ chức, lập hồ sơ khống cùng nhau, móc túi ngân sách hơn 1 tỉ đồng. Chủ tịch xã mời các vị là cựu Bí thư, cựu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm HTX và đại diện các ban, hội, đoàn thể trong xã kí tên (14 vị) xác nhận khống cho trường hợp nhà, đất của ông Trần Văn Đề được UBND xã cấp đất trước năm 1980. Trong khi thời điểm này ông Đề là học sinh phổ thông thì xã dựa vào tiêu chuẩn nào mà cấp hàng nghìn mét vuông đất thổ cư cho ông Đề? Số tiền bồi thường cả hai đợt giải tỏa cho ông Đề là rất lớn. Khi người dân phát hiện và gửi đơn tố cáo thì ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, kiêm Trưởng ban BTGPMB huyện và ông Nguyễn Sỹ Dần, Chủ tịch UBND xã Thạch Liên mới nhận ra hành vi làm trái của mình hứa sẽ “rút kinh nghiệm” yêu cầu xã thu hồi. Trên thực tế thì số tiền ngân sách thất thoát này đã không thu hồi được đồng nào. Hành vi làm trái của Chủ tịch UBND xã Thạch Liên quá trắng trợn, bất chấp pháp luật. UBND xã tự ý bán 45 suất đất nằm ở vị trí mặt tiền Quốc lộ 1A (200m2/ suất) thu tiền tỉ. Người dân tố cáo ông Nguyễn Sỹ Dần, có 5 suất nhưng nhờ những người khác đứng tên. Ông Nguyễn Văn Hợi mua 2 suất, nhờ người khác đứng tên còn ông đứng tên 1 suất. Tuy ông Hợi vào làm việc ở xã từ năm 2000 đến nay, nhưng khi hỏi, ông Hợi cho rằng việc bán đất là do các đời Chủ tịch trước. Trong khi đất mới chỉ bán từ năm 2001 trở lại đây. Ông Hợi chỉ công nhận ông mua 1 suất. Khi hỏi số tiền xã bán 45 suất đất thì ông Hợi trả lời nộp hết về huyện. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Quốc Hương, về chủ trương nào cho phép xã Thạch Liên bán đất mặt tiền Quốc lộ 1A thu tiền tỉ ông Hương trả lời “không biết”.

Căn nhà 3 gian UBND xã Thạch Liên bán đấu giá cho ông Bảo từ năm 1989 vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: NCH

Trường hợp hộ ông Nguyễn Chính Bảo mua lại một căn nhà xây kiên cố 3 gian lợp ngói, nguyên là cửa hàng mua bán của UBND xã Thạch Liên xây dựng từ năm 1985 gắn liền 567m2 đất thổ cư. Năm 1989, do kinh doanh thua lỗ, ông Bùi Văn Nhung, Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cùng các thành viên trong Hội đồng bán đấu giá lập hợp đồng mua bán cửa hàng (nhà và đất) cho ông Nguyễn Chính Bảo. Đến 25/7/1990, ông Bảo nộp đủ 5.500.000 đồng thì UBND xã mới giao giấy tờ mua bán được Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà kí quyết định cấp GCNQSDĐ từ năm 1994. Gia đình ông Bảo sinh sống ổn định 24 năm nay không xảy ra tranh chấp, làm nghĩa vụ thuế đầy đủ. Cả hai đợt giải tỏa, gia đình ông Bảo bị thu hồi 200m2 đất thổ cư mặt tiền Quốc lộ 1A đều không được bồi thường đồng nào. Ông Bảo gửi đơn khiếu nại lên xã và huyện thì Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Sỹ Dần và ông Nguyễn Quốc Hương bịa lí do đất ông Bảo nằm trong cột mốc lộ giới. Trả lời như vậy đồng nghĩa với việc cướp nhà, đất của dân trắng trợn. Căn nhà 130m2 xây kiên cố vốn là cửa hàng mua bán của xã, gia đình ông Bảo đang sử dụng. Nếu nằm trong ranh cột mốc lộ giới thì làm sao có chuyện năm 1985 UBND xã Thạch Liên lại xây dựng rồi đem bán đấu giá? Qua nhiều lần Ban BTGPMB huyện đến hù dọa đập bỏ nhà, gia đình ông Bảo bảo vệ vì chưa đền bù. Tại cuộc họp giải quyết khiếu nại ngày 4/11/2013, ông Nguyễn Quốc Hương chỉ đạo yêu cầu UBND xã nên tìm đất chỗ khác hoán đổi cho gia đình ông Bảo, nhưng vài ngày sau thì ông Nguyễn Sỹ Dần kí thông báo không thực hiện.

Hộ ông Trần Văn Minh, bộ đội chuyển ngành về làm việc tại Chi cục Thuế huyện Thạch Hà. Năm 1978, ông nội ông Minh là cụ Trần Hồng cho ông Minh 100m2 đất thổ cư xây dựng nhà ở. Sự việc này có hàng nghìn người trong xã chứng kiến, có hàng chục cán bộ lão thành kí giấy xác nhận. Vậy mà khi thu hồi 93m2 đất thổ cư thì gia đình ông Minh không được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất. Hiện ông Minh đã nghỉ hưu thì nhà đất không còn để ở.

Ông Bùi Văn Xanh mua 350m2 đất của UBND xã Thạch Liên bán năm 1985, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, được UBND huyện Thạch Hà cấp sổ đỏ vào năm 1992, ghi rõ: “đất làm nhà ở 100m2, đất vườn liền kề đất ở: 250m2″ có ranh giới Bắc, Nam, Đông, Tây. Thời gian sử dụng: “ổn định lâu dài”. Cứ 5 năm một lần, địa chính xã trực tiếp  đến đo đạc đất của từng hộ dân để  buộc các hộ dân phải kê khai đăng kí biến động đất đai trong sổ bộ địa chính. Gia đình ông Xanh đã đăng kí 5 lần và 350m2 vẫn không thay đổi.  Khi Ban BTGPMB huyện và xã đến đo đạc trực tiếp thì đất thực tế của gia đình ông Xanh vẫn còn đúng 350m2. Vậy mà Ban BTGPMB huyện và xã cố tình “trấn lột” tài sản của gia đình ông Xanh, cho rằng đất ông Xanh “được cấp” chỉ có 200m2, nay đo đạc thực tế đã dư 150m2 luận điệu phi lí? (Còn nữa)

 Theo Người cao tuổi

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây