Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh): Cần có chính sách hợp lý để vượt qua khó khăn, thách thức

Thứ bảy - 03/06/2017 13:51
Vườn Quốc gia Vũ Quang thuộc tỉnh Hà Tĩnh nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, là 1 trong 30 vườn quốc gia cả nước. Trong hơn 55 ngàn ha diện tích, vườn có 38 ngàn ha thuộc phân khu bảo tồn nghiêm ngặt. Nhưng vì nhiều lẽ, nơi đây đang từng ngày phải đối mặt với khó khăn, thách thức.

Khó khăn thách thức

Vườn quốc gia Vũ Quang (VQGVQ) nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh, giáp hai huyện Hương Khê , Hương Sơn và nước bạn Lào. Với 62.284 ha diện tích tự nhiên, tài nguyên rừng ở đây rất phong phú, một kho báu tới 1.612 loài thực vật, trong đó có 94 loài thú, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá, 316 loài bướm. Nhiều động vật rất quý hiếm như Chà vá chân nâu, Voọc đen, voi, bò tót, mang lớn.

Đường vào Vườn Quốc gia Vũ Quang


Địa bàn thuộc vườn QGVQ trải dài trên 3 huyện, núi cao, hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn và có đến 62 km đường biên giới với nước bạn Lào. Lợi dụng những đặc điểm nói trên, nhiều năm qua bà con vùng đệm và bọn lâm tặc các nơi, nhất là một số người dân tộc vùng núi Quảng Bình thường xâm phạm chặt trộm gỗ quý, săn bắn muông thú trái phép.

Trong lúc đó, lực lượng bảo vệ quá mỏng. Đúng ra, theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định, cứ 500 ha rừng có 1 biên chế bảo vệ. Nhưng ở đây hơn 55 ngàn ha vườn chỉ mới có 79 người. Nếu chiếu theo Quyết định 1130 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quy hoạch phát triển vườn quốc gia thì phải có đến 134 người làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn này. Nói là 79 người nhưng đó là trên sổ sách giấy tờ, thực tế ở đây chỉ còn 66 cán bộ, nhân viên làm việc. Bởi 13 người đã nghỉ theo chế độ, kế hoạch năm 2017 sẽ có thêm 4 người nghỉ nữa.

Hiện nay, trong số 66 người còn lại có 3 lãnh đạo thì 1 đồng chí sức khoẻ yếu, đau ốm liên miên, 1 chỉ vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, 20 đồng chí làm công tác văn phòng. Lực lượng “ chiến đấu” trực tiếp chỉ còn 45 người chia ra 11 trạm, đội, có nhiều trạm chỉ có 2 viên chức.

Bộ máy vừa mỏng vừa yếu, địa bàn VQG trải dài từ Thành Cụ Phan Đình Phùng  đến xã Phú Gia, dài ngót ngét trăm cây số. Mùa hè, dân đốt rẫy, đốt ong khắp nơi, mùa mưa thì chỉ chậm chân một tý là cả tổ tuần tra phải nằm lại nhịn đói, chịu rét trong rừng chờ cho  lũ rút qua mới về được. Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ phải thốt lên với tôi: “Ngày trước ở dưới Chi cục, tôi cũng khá gần anh em, nhưng chưa hình dung hết vấn đề. Nay lên đây mới thấy thực sự quá sức chịu đựng anh a!”. Tôi biết, mặc dù anh em VQG đã rất trách nhiệm, cố gắng để giữ gìn “khu sinh thái xanh” quý báu này, nhưng cũng không xuể được. Mới năm 2015 thôi, tại Tiểu khu 166 xẩy ra vụ lâm tặc khai thác trộm 14,3 m3 gỗ de của rừng đặc dụng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Kết quả, 8 cán bộ Vườn bị kỷ luật. Trạm trưởng trạm Sao La bị  miễn nhiệm chức vụ, Giám đốc VQG Đào Huy Phiên cũng bị kỷ luật khiển trách và điều chuyển công tác.

Mấy tháng nay, dù quân ít, nhưng nghe tin báo một số dân Quảng Bình mượn đường đi qua vườn để khai thác trộm gỗ Pơmu, Giám đốc Kỳ phải điều quân len cắm chốt ở Dốc Đại Tá. Đã hơn 2 tháng trời, anh em phải lặn lội  5-6 tiếng đồng hồ vào chốt, dựng lều trong rừng, tự lo cuộc sống. Mưa lũ dầm đề, sên vắt, muỗi độc, thú rừng đói khát đe doạ ngày đêm,  ai nấy không quan tâm, chỉ lo sơ sảy vì lâm tặc. Chốt chặn, tuần tra chặt thế mà rồi một số người dân tộc, quê ở Quảng Bình vẫn lẻn qua được đất bạn chặt trộm gỗ. Theo anh em kể lại, bọn người này thành thạo luồn rừng, giỏi né tránh kiểm lâm, biên phòng.

Cách khai thác, vận chuyển của họ nhanh chóng, gọn nhẹ, rất khó phát hiện. Gỗ chặt hạ xong, xẻ bê 2 mét dài, rộng 15cm gùi gọn sau lưng, dễ luồn rừng, lách trạm kiểm soát. Bọn họ khá hung hãn, bị phát hiện sẵn sàng bắn trả hoặc chém lại kiểm lâm để thoát thân. Tất nhiên, trước sự chủ động về kế hoạch đối phó, sự mưu trí, gan lỳ của quân ta, bọn chúng vẫn bị thất bại, phải “bỏ của chạy lấy người”. Tuy vậy, cuộc chiến giữ rừng này còn cam go, quyết liệt, gian khổ. Một mình kiểm lâm không đủ mà cần có sự quan tâm, vào cuộc, đồng hành từ nhiều phía.


Ba cá thể Khỉ được nhân viên Vườn thả về phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, sau khi giải cứu thành công

Một số kiến nghị

Tâm sự với tôi, Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ không dấu được nỗi lo. Tháng 11 tới, Thuỷ điện Ngàn Trươi Vũ Quang chặn dòng, đóng lòng hồ. 3 trạm và các đường tuần tra lâm nghiệp hầu như bị ngập hết. Nước dâng cao, chạm lên tận rừng, 32 hòn đảo lớn, nhỏ sẽ xuất hiện. Một đường viền xung quanh các đảo dài đến 370 km (dài hơn Hà Tĩnh ra Hà Nội) sẽ ôm lấy các cánh rừng. Từ đây, người dân có thể tiếp cận rừng từ 4 phía mà không cần chui lủi. Rất có thể tái diễn một vụ “Hoà Hải 2012” trên địa bàn này. Số là, năm 2012, xã Hoà Hải (huyện Hương Khê) được tỉnh, huyện giao cho quản lý lòng hồ đập Đá Hàn. Do không lường trước được vấn đề, 9 hộ dân thường xuyên nhân đó chặt, chở gỗ lậu. Lợi dụng đường viền mép rừng, họ cho thuyền áp sát, chặt hạ gỗ, buộc vào can nhựa loại 20-40 lít thả xuống nước, dùng dây kéo theo thuyền. Chỉ đến khi bị phát hiện tịch thu thuyền, mọi chuyện mới được giải quyết.

Giám đốc Kỳ cho biết thêm, việc cho tận thu gỗ lòng hồ thuỷ điện Ngàn Trươi cũng  là một vấn đề phải tính đến, Bởi ranh giới giữa được khai thác và không được khai thác là rất mong manh. Theo quyết định, từ cốt 14 đến cốt 52m so với nước biển mới được khai thác. Nhưng có 4 doanh nghiệp thắng thầu, với hàng trăm người vào “tận thu”, ai mà quản lý nổi. Không khéo tận thu  trở thành “tận diệt” rừng như chơi!

Vì vậy, nhà nước nên giaoVQG chịu trách nhiệm quản lý mặt nước lòng hồ, được quyền kiểm soát người ra vào khu vực hồ. Nên trang bị 2-3 thuyền máy, công suất lớn, chở được nhiều người để Vườn tổ chức lực lượng tuần tra lòng hồ hàng ngày và khi có yêu cầu đột xuất. UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm  về mặt nhân sự lẫn các chế độ ưu đãi của nhà nước quy định cho CBNV đơn vị.

Được biết, do điều kiện công việc quá gian khổ, vất vả, độc hại, thu nhập thấp nên VQG Vũ Quang đã có 24 viên chức làm đơn xin nghỉ theo chế độ 108, biên chế của đơn vị đã thiếu lại thiếu thêm. Vì thế, năm 2017, tỉnh nên xem xét, giải quyết cho Vườn đủ 134 định biên theo Quyết định 1130 của tỉnh, hoặc chí ít cũng phải có 110 người theo Quyết định 117 của Chính phủ.

Kinh phí hoạt động cũng là một trong những vấn đề lớn cần được lãnh đạo các cấp quan tâm đúng mức. Theo chúng tôi biết, kinh phí trên cấp hiện chỉ đủ cho từ 60 – 70% nhu cầu hoạt động của Vườn. Ví như chế độ phụ cấp đi rừng tuần tra biên giới, ngày được hỗ trợ chỉ 100 ngàn đồng/ người. Đi ít thì không hoàn thành nhiệm vụ, đi nhiều (hoặc đi đủ 8- 10 người) thì không có tiền chi cho anh em. Nơi đi dược bằng xe máy thì đường rừng quá xấu, lắm đèo dốc, tốn xăng lại mau hỏng xe. Nhiều trạm trưởng xin nghỉ việc hoặc thôi chức mặc dù còn rất trẻ, chỉ vì trách nhiệm nặng nề, tháng đi họp  2-3 lần, xe, xăng phải tự túc, trong lúc đó phụ cấp chỉ hơn anh em dưới 300 ngàn đồng/tháng!

Đoàn CB, kỹ sư và nhân viên VQG Vũ Quang tiến hành khảo sát về bảo tồn sinh học của dãy Trường Sơn


Do thiếu lực lượng nên Vườn phải lý hợp đồng theo Nghị định 24 của Chính phủ 40 người nhận khoán bảo vệ rừng. Chính số anh em này đã giúp cho đơn vị rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ tuần tra, bảo vệ Vườn. Cũng do khó khăn về nguồn nên anh em đến cuối năm khi nghiệm thu rừng xong mới được trả phụ cấp một lần. 6 tháng, Vườn mới cho anh em tạm ứng được một ít, nên các trạm phải cưu mang chia sẻ từ lương của viên chức để giúp họ có tiền xăng đi lại hàng ngày.

Điều đáng quan tâm, cho đến nay 5 loại phụ cấp là phụ cấp độc hại nguy hiểm, phu cấp biên giới, phụ cấp lao động, phụ cấp thâm niên và phụ cấp công vụ theo các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của liên lộ, của Bộ Nội vụ, Bộ LĐ TB – XH…anh em chưa hề được hưởng. Mà những quyết dịnh, nghị định, thông tư hướng dẫn này có từ những năm 1998, 2005,2009 (!)

Do phụ cấp các loại (có loại áp dụng mức 30% như phụ cấp biên giới) hầu hết chưa có nên lương anh em rất thấp, bình quân chỉ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Nhiều cán bộ lâu năm như anh Trần Khắc Hiệu, Phó Giám đốc, đã 39 năm bám trụ ở đây, sau khi trừ các khoản, lương tháng chỉ còn 5,2 triệu đồng; Phó Bí thư Đảng uỷ – Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ Hoàng Đình Hồng trên 38 năm công tác thì 37 năm ở Vườn này, mà lương cũng chỉ 5,8 triệu đồng/tháng (kể cả phụ cấp chức vụ, cấp uỷ…)

“Do lương thấp, đời sống gia đình khó khăn, anh em ở đây hầu như đều là khách nợ của ngân hàng vì phải vay mua xe máy, làm nhà ở, con cái học hành…” Trưởng phòng Tổ chức – cán bộ Hoàng Đình Hồng chia sẻ.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại, lần gặp nhau mới đây, Chi Cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh  Hoàng Quốc Huấn cho biết một thông tin không lấy gì làm vui: “CBCNV ngành Lâm nghiệp làm công tác bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh năm qua có đến 77/85 người của toàn ngành xin nghỉ việc theo chế độ 108. Mặc dù phần đông số đó tuổi đời còn trẻ nhưng đơn vị động viên chẳng ai chịu ở lại, chỉ vì công việc vất vả mà chế độ đãi ngộ lại quá thấp!”

Theo Công luận


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây