Bị cáo bất ngờ thay đổi lời khai
Ngày 3/4, sau gần 1 năm trả hồ sơ cho cơ quan công tố để tiến hành điều tra lại, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên xét xử vụ án Nguyễn Quang Chung, Phó Giám đốc công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu SCI (công ty SCI) cùng đồng bọn lập khống hồ sơ, hợp thức hóa giấy tờ, chiếm đoạt 8 tỷ đồng tiền hoàn thuế.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Quang Chung đề nghị HĐXX triệu tập, có biện pháp áp giải cần thiết đối với những người liên quan vụ án như trong đơn bị cáo đã gửi trước đó cho HĐXX. Đặc biệt, bị cáo Chung liên tục nhắc đến nhân vật Nguyễn Tiến Dũng, người mà bị cáo Chung cho biết là một cổ đông có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của công ty, nhưng chưa một lần có mặt tại phiên tòa sau nhiều lần triệu tập. Bị cáo đề nghị tòa có biện pháp áp giải cần thiết đối với Nguyễn Tiến Dũng và các điều tra viên để làm rõ trách nhiệm.
Bước sang phiên tranh tụng, bị cáo Nguyễn Quang Chung liên tục khẳng định, toàn bộ hóa đơn giá trị gia tăng của bị cáo được các đối tác xuất trên cơ sở hàng hóa có thật, không phải là hóa đơn khống như cáo trạng đã truy tố. Trong quá trình vận chuyển hàng qua Lào cho công ty SP, bị cáo đã khai báo đúng chủng loại, chi tiết các mặt hàng trên phần mềm hải quan.
Chung cũng cho biết, số hàng hóa này có kích thước, tiêu chuẩn, nguồn gốc rõ ràng. Do số hàng này được phân về luồng đỏ (mang tính rủi ro cao) nên cán bộ hải quan kiểm tra chi tiết 100% và chỉ được xác nhận sau khi khớp đúng.
Trước việc bị cáo Nguyễn Quang Chung bất ngờ phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó, chủ tọa phiên tòa đã đặt câu hỏi: “Trong quá trình kể từ khi bị cáo có văn bản, có tờ khai tự thú tại cơ quan cảnh sát điều tra, bị cáo nghĩ gì về bản tự thú ban đầu?”.
“Bị cáo được CQĐT gọi đến làm việc, sau đó bị dụ dỗ viết đơn tự thú mà không hay. HĐXX có thể công bố đơn tự thú của bị cáo tại đây. Đơn đó không có căn cứ, không có cơ sở pháp lý, vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự”, bị cáo Chung đáp lại.
“Bản cáo trạng đang quy kết buộc tội cho bị cáo, chỉ dựa vào lời khai của nguyên đơn dân sự, của một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan chứ không căn cứ vào sự thật của vụ án”, Chung nói tại tòa.
Chỉ biết mình là người đại diện theo pháp luật của công ty khi đã bị bắt?
Trong phần tranh tụng, bị cáo Lê Đình Quốc (người giữ chức vụ Giám đốc công ty SCI) cho biết, sau khi được Nguyễn Quang Chung vận động đóng góp thành lập công ty, bị cáo đã sở hữu 25% cổ phần của SCI. Tuy nhiên, bị cáo không được Chung nói rõ và không biết quá trình kinh doanh, mua bán hàng hóa như thế nào.
Theo lời khai của Quốc, trong 8 tháng hoạt động của công ty SCI đều do một tay Nguyễn Quang Chung, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT thâu tóm. “Bản thân bị cáo không hiểu biết pháp luật nên không nghĩ đến lợi nhuận, công ty lời lỗ bao nhiêu bị cáo cũng không nắm được”, Quốc nói.
Khi được hỏi về chữ ký của Quốc tại biên bản kiểm tra hoàn thuế khi 3 đoàn kiểm tra đến làm việc, bị cáo khai khi sự việc đã bị vỡ lở, các cán bộ của đoàn kiểm tra đã nhờ Quốc đứng ra ký tên nhằm hợp thức hóa các thủ tục và Quốc chỉ biết mình là người đại diện theo pháp luật của công ty khi đã bị bắt.
Về việc chuyển số tiền 150 tỷ đồng (tương đương hơn 6 triệu USD) qua biên giới, Lê Đình Quốc nói mình không hay biết, chỉ được Chung báo là tiền riêng qua những lần mua bán, giao dịch của Chung, không liên quan đến công ty.
Ngoài ra, tại phiên tranh tụng, bị cáo Nguyễn Thị Bảo Hằng (người giữ chức vụ kế toán công ty SJC) khai, được Chung thuê làm sổ sách, chứng từ tại nhà với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Bị cáo chỉ là nhân viên kế toán của một công ty tư nhân, có nhiệm vụ tập hợp sổ sách và quyết toán. Việc các hồ sơ, tài liệu thể hiện bị cáo với vai trò Giám đốc tài chính là sau khi vụ việc bị phát giác, chức danh đó nhằm hợp thức hóa quy trình kiểm tra hoàn thuế.
“Do bị cáo nghĩ đơn giản, bị cáo đã tập hợp lại toàn bộ hồ sơ hoàn thuế Chung đưa cho đầy đủ, hợp pháp, có tờ khai của cơ quan hải quan khi thông quan, các hóa đơn có hợp đồng mua bán nên bị cáo chỉ căn cứ vào đó, không nghĩ rằng toàn bộ hồ sơ này được hợp thức hóa để sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Hằng khai tại tòa.
Liên quan đến trách nhiệm của cán bộ hải quan khi trong một thời gian ngắn, công ty SCI đã chuyển lượng hàng hóa và tiền lớn qua biên giới nhưng không ai phát hiện bất thường, vị chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Trong một thời gian rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 8 tháng nhưng công ty SCI có lượng hàng hóa lớn xuất khẩu từ cửa khẩu Cầu Treo qua nước bạn Lào và trong thời gian này cũng có lượng tiền rất lớn, trên 150 tỷ đồng chuyển qua biên giới, hải quan Cầu Treo có nhận thấy điều gì bất thường không?”.
Phía đại diện Hải quan cửa khẩu Cầu Treo cho hay, trước khi thành lập công ty SCI, bị cáo Chung đã có quá trình dài làm việc, khâu nối với các đối tác ở nước bạn. Trong thực tế, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua cửa khẩu bằng các hình thức khác nhau (chính ngạch, tiểu ngạch), cơ quan hải quan không thể kiểm soát hết.
Ngoài ra, tại phiên tòa, đại diện Hải Quan cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, công ty SCI có mở 10 tờ khai tại cửa khẩu này và khẳng định, đã làm đúng quy trình trong việc kiểm tra, xác minh, đối chiếu số hàng hóa của Nguyễn Quang Chung qua biên giới. Tất cả mọi thủ tục đều được đơn vị làm đúng quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng, tháng 9/2014, Nguyễn Quang Chung (SN 1981), trú xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh thành lập công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu SCI, có trụ sở tại xã Sơn Diệm với tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng; ngành nghề đăng ký kinh doanh là buôn bán, XNK các mặt hàng vật liệu xây dựng, nông sản. Với vai trò chủ đạo, Chung giữ vị trí Phó Giám đốc, Lê Đình Quốc (SN 1993), cùng trú xã Sơn Diệm được giao ghế Giám đốc, Nguyễn Thị Bảo Hằng (SN 1984), trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn giữ chức Kế toán. Để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền hàng của công ty, Chung đã sang Lào, ký hợp đồng khống rồi chuyển tiền qua lại với một công ty ở tỉnh Bôlykhămxay. Mặc dù không có hoạt động xuất nhập khẩu nào, nhưng với danh nghĩa công ty SCI, Chung và Quốc đã liên hệ với nhiều chủ xe thường xuyên chở hàng sang Lào bán để mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), hợp thức hóa các thủ tục xuất khẩu. Sau đó, Chung liên hệ mua hóa đơn GTGT mang danh nghĩa công ty SCI mua hàng trong nước để xuất khẩu rồi hoàn thiện hồ sơ, chứng từ đề nghị cục Thuế Hà Tĩnh hoàn thuế GTGT. Với chiêu thức này, chưa đầy 1 năm hoạt động, Chung và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng. Ngày 18/4/2017, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Quang Chung, Lê Đình Quốc, Nguyễn Thị Bảo Hằng với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Tình (SN 1984), trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi đã phát sinh nhiều tình tiết mới, phần nào lộ rõ trách nhiệm của cơ quan thuế và hải quan trong vụ án. Đặc biệt, trong phiên sơ thẩm ngày 20/4/2017, bị cáo Nguyễn Quang Chung đã bất ngờ khai thêm đồng phạm mới trực tiếp liên quan đến vụ án. Do phát sinh nhiều tình tiết và trách nhiệm của một số cá nhân, tập thể liên quan đến vụ án chưa được làm rõ, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ cho cơ quan công tố tiến hành điều tra lại. |
Ngân Hà - Hồ Ngọc
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn