Sau khi cụ Phan Thị Năm chết, bà Hảo không trả nợ, Ngân hàng khởi kiện ra Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum. Tòa xử buộc bà Hảo trả nợ, mặc dù cụ Năm (người có nghĩa vụ liên quan) có con gái, nhưng Tòa cho rằng, “không có người thừa kế”, xử cho Agribank được hóa giá căn nhà của cụ Năm để cấn trừ nợ. Số tiền bán nhà 1,5 tỉ đồng, trả nợ cho Agribank hơn 500 triệu đồng, số tiền còn lại, về nguyên tắc (nếu không có người thừa kế), Thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum phải chuyển vào tài khoản Kho bạc Nhà nước. Thế nhưng, chấp hành viên lại chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Đỗ Uyên, nhân viên Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP Kon Tum. Sau khi phát hiện vụ việc, bà Phạm Thị Hồ Hương, con gái nuôi của cụ Năm, khởi kiện. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử, tuyên hủy Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kon Tum, yêu cầu xét xử lại. Ở đây xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của một đường dây câu kết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân…
Hợp đồng bảo lãnh, trong đó chữ kí của cụ Năm là chữ kí giả (cụ Năm không biết chữ)
Một mình kí thay 3 người vẫn được vay tiền
Báo Người cao tuổi nhận được đơn kêu cứu của bà Hương, con gái nuôi của cụ Năm, kêu cứu về việc bị bà Hảo ăn cắp sổ đỏ của mẹ mình, rồi câu kết với Ngân hàng, Tòa án, Thi hành án và một số cá nhân khác dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của mẹ bà, sau khi cụ qua đời.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật từ Ngân hàng, Tòa án, Thi hành án đến nhân viên Viện KSND.
Về nguyên tắc: Người ngoài 70 tuổi bảo lãnh thế chấp cho người khác vay vốn ngân hàng thì phải có người giám hộ, giấy Chứng minh Nhân dân (CMND) quá thời hạn quy định không được chấp nhận khi làm thủ tục vay vốn.
Thế nhưng, theo hồ sơ: Ngày 16/2/2006, bà Hảo, sau khi lấy cắp sổ đỏ của cụ Năm đem ra Ngân hàng thế chấp. Hợp đồng bảo lãnh thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Mặc dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Phan Thị Năm, sinh năm 1928 (lúc bà Hảo vay tiền cụ Năm 78 tuổi), Giấy chứng nhận căn cước năm 1973 và cụ Năm không biết chữ, nhưng khi làm thủ tục tại Agribank Chi nhánh Quang Trung, chỉ một mình bà Hảo tự kí thay cụ Năm, dùng số CMND quá hạn của cụ Năm, cùng CMND của bà Hảo cũng quá hạn (năm 1983, quá 8 năm).
Người đại diện bên nhận bảo lãnh (Bên A) là ông Nguyễn Đình Năm, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quang Trung; người ủy quyền là bà Nguyễn Thị Hồng Lam, theo Giấy ủy quyền số 59. Người bảo lãnh (Bên B), cụ Phan Thị Năm, CMND số 230070944, cấp ngày 6/9/1978, nơi cấp Gia Kon (nguyên văn). Bên được bảo lãnh (Bên C): Đinh Thị Kim Hảo; CMND số 230317567, cấp ngày 1/6/1983, nơi cấp Gia Kon (nguyên văn). Số tiền bảo lãnh vay: 300 triệu đồng. Người kí tên, đóng dấu là ông Nguyễn Phước Hậu.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, phóng viên đã đến Agribank Chi nhánh Quang Trung để làm rõ nguyên nhân, vì sao bà Hảo không đủ thủ tục pháp lí, vẫn được vay tiền? Thế nhưng, Giám đốc Chi nhánh này nói, phải có ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Agribank tỉnh Kon Tum thì mới làm việc.
Chúng tôi đến Agribank tỉnh Kon Tum đề nghị làm việc với Giám đốc, nhưng nhân viên truyền thông trả lời rằng, Giám đốc đi họp lâu ngày mới về, đề nghị phóng viên để lại thông tin cần hỏi, hẹn khi nào Giám đốc trả lời thì báo lại sau.
Căn cứ theo quy định của pháp luật về quản lí tài chính, rõ ràng Agribank Chi nhánh Quang Trung cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho bà Hảo thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt tài sản.
Báo Ngày mới Online thuộc Báo Người cao tuổi tiếp tục phản ánh việc TAND tỉnh Kon Tum vi phạm nghiêm trọng tố tụng, Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum vi phạm pháp luật trong thi hành án ở các bài tiếp theo.
Kiều Liệu – Mạnh Quân
Theo Ngaymoiomline.vn