Từ UBND xã Ia Ko, chúng tôi vượt qua 3 cây số đường đất trơn trượt mới đến làng Vel (xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai), nơi ông bà Ayun Hới- Siu H’My sinh sống. Ngồi bên gian bếp ấm cúng, ông Hới bắt đầu câu chuyện: “Mấy bữa nay áp thấp nhiệt đới, mưa liên miên, chỗ đau tái phát nên chân tay co rút lại, chứ mình đâu có sợ nắng ngại mưa”.
Ayun Hới là người dân tộc Ê Đê, quê ở huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Từ tháng 3/1946 ông tập kết ra Bắc rồi nhập ngũ cho đến năm 1969, đã tham gia chiến đấu tại các chiến trường ác liệt như Cánh đồng Chum (Lào), trận địa Khe Sanh (Quảng Trị), mặt trận Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), Ngã ba Đông Dương… Ông nhiều lần bị thương, mất đi con mắt bên phải. Sau đó, ông về Quân khu 5 làm trợ lý dân vận, gặp người bạn đời người J’rai của mình.
Vợ chồng Ayun Hới - Siu H’My
Bà Siu H’My từ năm1961 đã tham gia các trận chiến ác liệt ở ngã ba Cheo Reo (huyện Chư Sê), Phú Nhơn (huyện Chư Pưh)…. Đến năm 1973, bà báo cáo tổ chức về việc cái bụng đã ưng người thương binh quê Đắk Lắk, và được đơn vị đứng ra làm lễ cưới. Sau khi đất nước thống nhất, bà Siu H’My trở về làng Vel, còn ông Hới được điều động về Trung đoàn 95B (tỉnh đội Gia Lai), đóng quân ở căn cứ Dân Chủ (huyện Kbang). Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, ông Hới về ở rể nhà vợ theo phong tục của người J’rai. Bà Siu H’My đã 3 lần sinh con cho chồng nhưng hai người con đầu đều lần lượt về với Yang Atâu (tổ tiên) từ khi còn bé, chỉ còn lại cậu con trai út sinh năm 1975.
Trong nhiều năm liền, hàng chục đứa trẻ đã thoát khỏi chết đói nhờ được ông bà đưa về chăm sóc. Đứa con gái nuôi được thương nhất là Siu Soec, sinh năm 1976. Mẹ Siu Soec chết sớm, cha đi bước nữa, người vợ mới không chịu nuôi con riêng của chồng. Một hôm, trong lúc đi rẫy, vợ chồng ông Hới phát hiện Siu Soec khóc vì bị bỏ rơi bên một con suối nên đã mang về nuôi. Siu Soec đến tuổi trưởng thành được cha mẹ nuôi cho lấy một thanh niên trong làng. Chồng cô mất vì bệnh, Siu Soec mang hai đứa con về ở hẳn với cha mẹ nuôi.
“Cứ thấy trẻ con khóc vì đói, cái bụng mình lại không yên nên nhận về chăm sóc thay cha mẹ chúng. Về với mình thì có gì ăn nấy, mình không phân biệt con nuôi hay con đẻ. Khi nào cha mẹ chúng làm ăn được, hết đói thì lại đến đón về. Có đứa mình nuôi vài tháng, có đứa nuôi đến lúc dựng vợ, gả chồng, tính hết chắc cũng gần năm chục đứa. Có đứa người dân tộc thiểu số, có đứa người Kinh”, ông Hới kể.
Có lần, vợ chồng ông Hới còn cứu được một bé trai sắp bị chôn theo mẹ, theo luật tục “Nar tui mih” (Con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với Atâu. Nếu không, Yàng sẽ trừng phạt). Đây là một luật tục hết sức hà khắc, tàn nhẫn, bởi nếu người mẹ chẳng may qua đời vì sinh đẻ, hài nhi dù khỏe mạnh cũng phải bị chôn theo mẹ.
Đến nay, Ayun Hới đã gần 60 tuổi Đảng, bà Siu H’My gần 50 năm tuổi Đảng. Mắt mờ chân chậm rồi nhưng hai vợ chồng vẫn chăm chỉ lao động, không ngồi chờ tiền nhà nước hỗ trợ. Ông Trần Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND xã Ia Ko khen ngợi: “Ông Ayun Hới, bà Siu H’My đều là cán bộ lão thành. Năm ngoái, vì tuổi cao sức yếu ông mới nghỉ làm bí thư chi bộ làng, bà nghỉ tham gia hội phụ nữ, nhưng ông bà vẫn luôn nhận được sự tôn kính của người dân trong vùng vì hay giúp người khó khăn, gương mẫu trong cuộc sống.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn