Đó là nhận định của Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), trong buổi hội thảo hợp tác phát triển năng lượng sạch với chủ đề “Những giải pháp thông minh cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức ngày 14/5.
Hội thảo lần này mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về năng lượng bền vững của Việt Nam.
Trong đó, ngành năng lượng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ những công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và chiến lược tài chính để phát triển khối năng lượng sạch bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, địa nhiệt, than sạch…
Việt Nam có thể bị rơi vào tình trạng thiếu nguồn năng lượng thứ cấp vào năm 2017 - Ảnh minh họa
Theo tính toán, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước. Cụ thể, với gần 3.400km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 500 đến 1.000 kwh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5kwh/m2/ngày trên khắp cả nước.
Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm. Đây chính là tiềm năng để nước ta đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Thế nhưng, theo báo cáo của Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, hiện nước ta đang phải nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc và Lào. Đến năm 2017, Việt Nam cơ bản sẽ bị thiếu hụt nguồn năng lượng thứ cấp nếu tiếp tục tình trạng sử dụng nguồn năng lượng như hiện tại.
Trong thời gian tới, nếu thực hiện triệt để chương trình tiết kiệm năng lượng, mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khoảng 2 ngàn KW điện. Khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để đầu tư xây dựng cho những chương trình phát triển năng lượng thay thế khác.
Trong đó, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch là nội dung trọng tâm trong chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt năm 2012. Chiến lược đặt ra mục tiêu giảm bớt lượng khí thải nhà kính từ 8 đến 10% so với năm 2010. Đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 đến 1,5% mỗi năm trong giai đoạn từ 2011 - 2020.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn