Vụ “máy gặt cho dân nghèo vừa dùng đã hỏng”: Chính quyền và nhà cung cấp “đá bóng” trách nhiệm

Thứ tư - 07/06/2017 17:01
Người dân các thôn ở xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) vừa được nhận máy gặt theo chương trình hỗ trợ sản xuất 135 đều mang máy đến xã trả lại, mong rằng công ty cung cấp sản phẩm có một cách giải quyết hợp lý với số máy gặt vừa đưa vào sử dụng đã đồng loạt bị hỏng.


Dân đưa máy đến xã trả

Báo Đời sống & Tiêu dùng số 108 đã có bài viết “Máy gặt tài trợ cho dân nghèo vừa dùng đã hỏng!” phản ánh việc 44 chiếc máy gặt vừa được xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh mua về cấp cho hộ nghèo và cận nghèo trong đề án hỗ trợ sản xuất 135 nhưng mới đưa ra sử dụng lần đầu tiên, những chiếc máy đó đều bị hỏng, trở thành cục sắt vụn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: Sau khi Báo phản ánh, xã đã cho người xuống các thôn kiểm tra, rồi trực tiếp liên hệ với Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh, nơi đã cung cấp máy gặt về cho xã để công ty cho người về kiểm tra, giúp giải quyết thắc mắc của người dân.

Ngày 6/6, đại diện bên Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh, cùng các cán bộ kỹ thuật của Công ty CP chuyển giao công nghệ Vinastar – Hà Nội nơi cung ứng sản phẩm đã về trực tiếp xã Hương Thọ để kiểm tra.

Tại đây, 20 máy của 3 thôn đã đưa trực tiếp máy đến xã. Sau một hồi kiểm tra, cũng như cho máy chạy thử thì cán bộ kỹ thuật của công ty có thừa nhận là sau khi cho chạy thử một số máy khoảng 10 phút thì có hiện tượng máy nóng làm cháy vỏ nhựa. Phía cung ứng cho rằng, nếu đổi lại máy phải nguyên đai, nguyên kiện, còn nếu máy bị lỗi thì công ty sẽ bảo hành.

Ông Cường cho biết, sau khi phía công ty chưa có cách giải quyết cụ thể thì 20 chiếc máy người dân mang đến, họ cũng trả lại ở xã chứ không chịu mang về.

Theo ông Cường, số máy mà xã đặt về nếu như theo trong hợp đồng ký kết thì nó không đúng chất lượng cho nên bên phía công ty phải cho người đến đổi máy khác.

“Việc người dân phản ánh máy vừa đưa vào sử dụng đã bị trục trặc là đúng sự thật, nó cũng có các biểu hiện đúng như dân phản ánh. Việc lúc nhập máy về, máy được đóng trong thùng nên cán bộ xã chỉ mở kiểm tra một số máy nên có một số máy thiếu phụ tùng kèm theo, vấn đề này xã cũng đã yêu cầu công ty bổ sung thêm”, ông Cường cho hay.

 

 

Những chiếc máy gặt cầm tay với số tiền bỏ ra 6,2 triều đồng được cho là một chiếc máy khá là chất lượng, nhưng khi đưa vào sử dụng lại làm người dân hoàn toàn thất vọng, khiến cho chính quyền xã cũng gặp không ít rắc rối khi chất lượng của máy không đảm bảo.

Theo như những người dân có kinh nghiệm “nếu máy chính hãng, thì bên trong máy phải có dòng chữ chìm, nhưng ở đây chỉ có dòng chữ nổi dán bên ngoài máy phải chăng máy này là máy dởm ?!”

Còn theo ông Cường, khi địa phương ký kết hợp đồng với công ty thì lô hàng phải đúng chất lượng, nguyên đai, nguyên kiện. Nếu như không đúng như yêu cầu mà hai bên đã ký kết, địa phương sẽ trả lại máy về công ty.

Bảo hành 2 tháng…

Đối với người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo thì một chiếc máy gặt lúa đó cũng được xem là một tài sản có giá trị. Tuy nhiên, việc máy chưa đưa vào sử dụng thì thời gian bảo hành đã hết nên khi hỏng hóc lại không biết mang đến đâu để sửa chữa, hơn thế nữa khi lấy máy về chỉ có duy nhất một tờ giấy hướng dẫn sử dụng do Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh cung cấp, còn nhà sản xuất thì không có bất kỳ một giấy tờ gì? Không biết chiếc máy có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Nên người dân không thể biết được cụ thể nguồn gốc hay cấu tạo của máy.

 

 Về vấn đề này, ông Cường cho rằng khi ký hợp đồng thì lại không ghi rõ ngày tháng bảo hành.

Bà Võ Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Việc công ty ký kết với Công ty cổ phần chuyển giao công nghệ Vinastar thì việc bảo hành vẫn đảm bảo, nhưng khi địa phương mua máy về cho người dân sử dụng có một chi tiết nào đó máy không đảm bảo, vì vậy phía Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh đã tự soạn thảo ra hợp đồng bảo hành 2 tháng. Nếu tính như vậy đến thời điểm này việc bảo hành máy đối với xã Hương Thọ là đã hết hạn”.

Khi được phóng viên hỏi vì sao phía bên cung ứng sản phẩm thì bảo hành 12 tháng nhưng bên công ty mình lại tự ý rút ngắn lại thời gian bảo hành? Bà Minh giải thích, việc công ty cung ứng sản phẩm bảo hành 12 tháng là để cho các đại lý bán lẻ khi nhập kho không bị hết hạn bảo hành, còn đây là xã mua về nguyên lô nên thời gian bảo hành sẽ ít hơn.

Trước ý kiến của UBND xã việc, Công ty đưa máy không đúng với hợp đồng đã ký kết, bà Minh nói “máy GX35 và máy BC35 là một, cho nên việc công ty cung cấp sản phẩm là đúng với những gì xã Hương Thọ đã ký kết trong hợp đồng”.

Theo bà Minh, hiện tại Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh đang kết hợp với công ty Vinastar và UBND xã Hương Thọ cũng phối hợp với nhau để nhằm có một cách giải quyết hợp lý nhất.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin vụ việc này.


Theo Diễm Phước Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây