Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, gồm: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc. Kết quả thăm dò cho thấy, trữ lượng sắt của mỏ này trên 540 triệu tấn. Là mỏ sắt lớn nhất cả nước và cũng là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tháng 9.2009, dự án khởi công bóc đất tầng phủ. Tuy nhiên, đến năm 2011 thì đình trệ vì thiếu vốn.

Sợ lấy vợ vì... không được cấp đất

Trong câu chuyện chờ cấp đất của gia đình, ông Trần Danh Hiếu (68 tuổi, thôn Nam Hải, xã Thạch Hải) kể: "Trong nhà 9 người, bình thường chúng đi làm ăn, chứ về cái là chật chội, bức bí, bất tiện lắm chú ơi. Không dấu chi chú, nhiều khi chờ nhau tắm, hay đi vệ sinh là đã nhọc rồi. Cũng vì rứa mà sinh ra to tiếng giữa cha con, vợ chồng, anh em...".

Từ 7 năm trước, khi anh con trai đầu cưới vợ, ông Hiếu đã làm đơn xin cấp đất để cho con ra riêng. Chờ mãi... đến 4 năm sau thì anh con trai thứ hai cưới vợ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thêm hai con dâu, rồi thêm hai cháu, bức bí quá, ông Hiếu phải xây thêm một cái lều nhỏ trong vườn để giãn người ra. "Khổ quá chú ơi, nhà còn thằng út đã đến tuổi rồi nhưng hắn nói chưa dám cưới vì cưới về biết ở mô. Đúng là rối như gà mắc tóc", ông Hiếu ngán ngẩm.

Cách nhà ông Hiếu vài trăm mét, gia đình ông Nguyễn Thanh Thưởng (58 tuổi) cũng chung tình cảnh tương tự. Nhà có 9 thành viên, gồm bà cố nội 83 tuổi, vợ chồng ông Thưởng cùng 4 người con trai, 2 đứa cháu. Trong đó, 2 người đã lấy vợ nhưng phải sống chung trong một căn nhà cấp 4. Bức bí quá, vợ chồng anh con trai cả phải về gia đình nhà ngoại ở. "Anh chưa ra riêng, đang sống chen chúc, chật chội, chửi lộn nhau như ri mà 2 thằng em sau đã đến tuổi lấy vợ nữa rồi. Cũng may, bọn hắn hiểu nên chưa đòi cưới. Hắn cũng tâm sự muốn lấy nhưng chưa thể lấy được, lấy về chưa có chỗ ngủ...", vợ ông Thưởng - bà Nguyễn Thị Hải - trải lòng.

Với vẻ rất bức xúc, ông Thưởng nói: "Nhiều năm ni, nhà tui đã làm đơn xin cấp đất, xin mượn đất làm nhà cho con. Chấp nhận, sau ni nếu phải di dời, không bắt đền bù. Rứa mà cũng có được mô. Bức xúc lắm rồi. Phải trả lời rõ ràng cho dân biết bao giờ thì di dời, còn không thì cấp đất cho dân. Gần chục năm nay rồi chứ phải ít mô nữa, con cái người ta còn lấy vợ, sinh con nữa chứ".

Đang xây căn nhà mới ở thôn Nam Hải, anh Nguyễn Đức Chương nói: " Suốt 2 năm nay, tôi phải ở nhờ trong nhà ông chú. Khi mới về thì chú cháu tình cảm, ở lâu chật chội bất tiện, nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều lần, tui mần đơn xin cấp đất nhưng không được. Mới đây, xã thương nên cho tui mượn mảnh đất ni để xây nhà tạm. Nhưng tui phải cam kết nếu sau ni di dời, không yêu cầu đền bù chi cả".

Nói rồi, anh Chương chạy về nhà chú lục lọi, cầm ra một tờ giấy cam kết vẫn còn tươi nét mực, con dấu được ký cách đây 4 tháng. Trong đó, anh Chương cam kết với UBND xã Thạch Hải: "Khi nào Nhà nước cần mặt bằng, gia đình tôi tự giải tỏa và giao lại mặt bằng cho Nhà nước, không nhận đền bù".

Rất nhiều hộ dân ở xã Thạch Hải còn bức xúc phản ánh, Cty mỏ sắt Thạch Khê bóc đất tầng phủ ở moong mỏ độ sâu vài chục mét đã làm nước ngầm bị tụt, khiến họ phải khoan giếng sâu hơn mới có nước, nhưng nước cũng bị nhiễm phèn nặng hơn. Hoa màu cũng bị khô cháy vì thiếu nước.

 

 Anh Chương với bản cam kết làm nhà sẽ không được nhận đền bù nếu phải di dời.

"Không cho xây, mưa bão sập nhà, ai chịu?"

Chủ tịch UBND xã Thạch Hải - ông Nguyễn Hải Lý - nói: "Nằm trong quy hoạch mỏ sắt nên đất đai không được cấp mới, không được làm nhà cửa. Nhưng thời gian di dời còn kéo dài, mà nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân thì quá bức thiết nên từ năm 2012, khi mỏ sắt ngừng hoạt động vì thiếu vốn thì nhiều hộ dân tự ý xây nhà. Dân nhiều lần bức xúc nhà cửa nên chính quyền bất lực để cho họ xây. Nếu không để họ xây, mưa bão, nhà của họ sập thì ai chịu?". Ông Lý cho biết, cách đây 2 năm, huyện có chủ trương cấp đất cho xen dắm nhưng quỹ đất quá ít, không đáp ứng được nhu cầu của dân.

Ông Nguyễn Quang Thoại - cán bộ địa chính xã Thạch Hải - thông tin, đến thời điểm này, toàn xã có hơn 200 hộ dân làm đơn xin cấp đất nhưng mới giải quyết được 5 suất theo diện cấp đất xen dắm. "Nhiều người phải chung sống trong một nhà dẫn đến khúc mắc, không an cư, cha con đánh nhau cũng vì chật chội, ảnh hưởng đến văn hóa...", ông Thoại nói.

Ông Thoại cũng khẳng định, mỏ sắt bóc đất tầng phủ đã làm nước ngầm khu vực moong mỏ tụt, làm tụt nước ngầm ở giếng của người dân, hoa màu bị thiếu nước. Vào mùa nắng thì bị nạn bụi cát, mùa mưa thì cát từ bãi thải trôi xuống lấp ruộng...

Phó chủ tịch huyện Thạch Hà - ông Nguyễn Quốc Hương - cho biết, quyết định số 1358 ngày 15.5.2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt lộ trình di dời khu vực dân cư ảnh hưởng của mỏ sắt. Trong đó, có khu vực di dời trước 2020, khu vực di dời trước 2030. Sau khi có quyết định này, việc cấp đất, xây dựng nhà cửa vẫn được triển khai để ổn định đời sống. Tuy nhiên, do xã Thạch Hải quỹ đất ít nên việc cấp đất không đáp ứng được yêu cầu. Còn ông Lý nói không được cấp đất có thể do ông này không nắm được chủ trương.

Ông Hương cũng cho biết, tháng 12.2014, Cty CP Mỏ sắt Thạch Khê đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê với tổng vốn hơn 14.000 tỉ đồng. Hiện Cty này đang làm thiết kế khai thác mỏ mà theo yêu cầu của Chính phủ là phải có đơn vị nước ngoài thẩm định. Sau đó, vừa khai thác vừa tiếp tục giải quyết tồn đọng cũ, thực hiện kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng.