Nhân loại có chung nhiều giá trị văn hóa phổ quát
Nghĩ đến nhan đề đó, tôi có đôi chút lăn tăn: Có phải mình đã cố tình định “tái phát minh ra cái xe đạp” trong khi xe đó đã tồn tại từ hàng trăm năm nay? “Nhân loại có chung nhiều giá trị văn hóa phổ quát” là một thực tế hiển nhiên như 2x2 = 4, việc gì phải nhắc lại?
Nhưng mà, như bạn đọc sẽ thấy sau đây, có nhiều lý do để phải khẳng định lại điều đó.
Do tác động của những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau mà mỗi dân tộc đều ít nhiều có bản sắc văn hóa riêng. Điều này thể hiện dễ thấy nhất ở phong tục tập quán, lối sống và nếp sống.
Trang phục mỗi nước một khác. Có nơi quần quần áo áo, nơi chỉ cần mảnh vải quấn quanh thân. Không ít nước coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trước đây răng đen tuyền hạt na đã từng là duyên dáng, cổ cao đeo hàng chục vòng bạc là mẫu mực nhan sắc.
Đàn ông theo Hồi giáo có thể lấy nhiều vợ, trong khi nhiều nước nghiêm cấm đa thê. Có nước trọng sinh con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, lại có nước sinh trai hay gái đều được quý như nhau.
Một số nước có tục dâng hương, bày mâm lễ thờ cúng tổ tiên, nhiều nước lại chỉ giữ kín trong lòng sự kính trọng ông bà. Văn hóa phương Đông đề cao phụ nữ giữ trinh tiết trước khi lấy chồng, trong khi đàn ông châu Âu lại không coi đó là tiêu chuẩn đạo đức cần thiết khi tìm bạn đời…
Thừa nhận sự khác biệt, đa dạng văn hóa của các dân tộc là yêu cầu của mọi xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít lý luận gia, vì những lý do dường như ngoài văn hóa, đã “phóng đại” những nét đặc thù văn hóa, những điều kiện lịch sử riêng của dân tộc mình để quay lưng với những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại?
Họ quên mất thực tế hiển nhiên là con người dù khác nhau về màu da, vóc dáng, gương mặt, ngôn ngữ, nếp sống… đều có chung là loài người, chung nụ cười khi vui và nước mắt khi buồn. Nụ cười và nước mắt không cần ai phải dịch, và đó là cội nguồn của những điều chung.
Hãy tỉnh táo để chọn đúng đường
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945 đã nhắc lại câu nói bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cần nói thêm rằng “mọi người” ở đây là “mọi người của mọi dân tộc”.
Nhu cầu được hưởng những quyền cơ bản của con người là chung cho con người của mọi dân tộc.
Không một ai muốn mình bị coi thường, bị đánh giá bất bình đẳng. Không một ai muốn mình bị trói buộc, mất tự do thân thể và tự do tinh thần. Không một ai muốn mình bị ngăn trở, cấm đoán trong cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình mình, cũng như cho cộng đồng.
Muốn vậy con người cần có quyền sở hữu tài sản, quyền sáng tạo và quyền tự do kinh doanh không trái pháp luật.
Bất cứ ai thuộc dân tộc nào cũng đều mong muốn được nói ra những suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Hồ Chủ tịch đã từng có định nghĩa ngắn gọn, chân xác về dân chủ: “Dân chủ là để người dân được mở miệng ra mà nói!”.
Người của dân tộc nào thì cũng cần thừa nhận “bách nhân bách tính”, thừa nhận sự khác biệt tương đối trong suy nghĩ ở nhiều người, nhưng không hề vì thế mà khó chịu khi thấy ai đó nghĩ khác mình. Họ cần phải hiểu rằng nếu thấy người khác nghĩ khác mình thì khi đó chính mình cũng đã nghĩ không giống người khác! Càng không nên kiên trì ý định áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Chỉ có thể đạt tới sự đồng thuận thông qua tranh luận, thuyết phục nhau một cách có lý có tình.
Người ở bất cứ đâu thì cũng đều có thiên hướng được tụ hợp lại với nhau theo sở thích và ý nguyện tương đồng, được tự do bày tỏ một cách ôn hòa tình cảm yêu ghét của mình mà không sợ bị coi là “làm mất trật tự công cộng”.
Chọn được người lãnh đạo mạnh và sạch qua bầu cử dân chủ, công khai là nguyện vọng chính đáng của người dân trong bất kỳ mô hình chính trị nào.
Tôi đã lược qua trên đây những ý nguyện chung cho con người ở mọi dân tộc. Đó chính là những giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại mà chúng ta không thể nấp sau tấm bình phong “đặc thù” của văn hóa mỗi dân tộc mà phủ nhận chúng để rồi bị rơi vào tình trạng dường như là “bế quan tỏa cảng”, đi một mình một đường dẫn đến kết cục không ai mong chờ là tụt hậu và… tụt hậu.
Chúng ta hãy cùng tỉnh táo để lựa chọn con đường đúng đắn. Thời gian không chờ ai.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn