Giếng Tiên nằm ở thôn Sơn Hải, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Bên cạnh là hồ Tiên và Đền thờ vị Thành Hoàng của Làng là người anh hùng Lê Chí Trí đã có công dẹp giặc loạn khi vào đến vùng đất này.
Giếng Tiên ở thôn Sơn Hải, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).
Gần đây, giếng Tiên và hồ Tiên đã được chính quyền địa phương cho tôn tạo. Xung quanh giếng đã được người ta xây hàng rào nhỏ cùng với một tấm bình phong hướng về hồ Tiên.
Thành giếng Tiên hình khối vuông, có chiều rộng 2m, độ sâu từ thành giếng xuống đáy giếng có mực nước đo được là gần 3m. Phía dưới đáy giếng vẫn còn dấu tích của những tấm gỗ dùng để gia cố 4 bờ giếng.
Ông Nguyễn Doan (SN 1932), một bậc cao niên sống lâu năm ở thôn Sơn Hải cho biết: “Giếng Tiên ra đời khi nào tôi cũng không nhớ rõ, chỉ biết từ khi còn nhỏ đã thấy người dân trong vùng lấy nước ở giếng dùng.”
Các bậc cao niên cho hay nước trong giếng Tiên chẳng bao giờ cạn.
Ông Doan kể, thuở ấy giếng vẫn hình vuông nhưng không có xây thành cao như bây giờ. Miệng giếng nằm ngang so với mặt đất và quanh bờ giếng được người dân cố định bằng những thanh gỗ táu rất chắc chắn. Chính giữa đáy giếng là dòng nước mạch phun tự nhiên, không bao giờ cạn.
Sở dĩ gọi là giếng Tiên vì khi đào giếng, người ta có đào lên được một hòn đá, trên có in một dấu vết giống như bàn chân. Ngày ấy, người dân cho rằng đó là dấu chân của một bà Tiên hạ trần trên đỉnh núi Bàn Độ. Cái tên giếng Tiên cũng bắt nguồn từ đó. Hiện hòn đá ấy vẫn được người dân gìn giữ và đặt bên cạnh thành giếng.
Dấu vết giống bàn chân trên hòn đá nằm bên cạnh giếng Tiên.
Cạnh giếng Tiên là hồ Tiên. Hồ rộng khoảng chừng 50 mét vuông. Xung quanh hồ đã được người dân xây bờ bê tông kiên cố. Ông Thiều Tùng, sống cạnh hồ cho hay: “Trước đây, hồ Tiên là nơi người dân dùng để múc nước tưới tiêu khi mùa hạn đến. Bởi nước trong hồ không bao giờ cạn. Kỳ lạ ở đây chẳng có nước ra vô nhưng nước hồ khi nào cũng đầy ắp. Ngày trước, còn trông thấy rõ dòng nước mạch chảy ngược lên hồ”.
Hồ Tiên nằm ngay cạnh giếng Tiên.
“Giếng Tiên trước đây cung cấp nước cho dân của một vùng rộng lớn. Có năm đại hạn, giếng các làng khác cạn hết nhưng nước ở giếng Tiên vẫn dồi dào. Dân tứ xứ đổ về đây gánh nước ở giếng về uống và gánh nước ở hồ Tiên về tưới mạ lúa. Nước ở giếng Tiên trong lắm. Đặc biệt khi pha nước chè rất ngon, để cả ngày nước vẫn thơm”, ông Nguyễn Doan chia sẻ.
Năm 2009, chính quyền địa phương đã cho tôn tạo lại giếng và hồ. Hòn đá có dấu chân ấy được người dân đưa từ đền thờ Thành hoàng ra lại đặt cạnh bên giếng. Bây giờ người ta không còn dùng nước giếng Tiên để sinh hoạt nữa mà chỉ lấy nước trong giếng để làm nước biện lễ trong đền Thành Hoàng.
“Từ ngày tôn tạo lại giếng và hồ, người dân trong làng thấy yên tâm và hình như cuộc sống tốt hơn. Chứ như trước đây, trong thôn suốt ngày mất trộm, bà con đánh chửi nhau (!?)”, ông Nguyễn Doan nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Dân, Trưởng ban Văn hóa xã Kỳ Khang cho biết, Giếng Tiên là một trong 4 giếng cổ được đoàn nghiên cứu khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện. Ba chiếc giếng còn lại nằm ở rải rác ở các thôn Trung Tiến, Tiến Thành thuộc xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh.
Một số giếng cổ khác được phát hiện ở thôn Trung Tiến, Tiến Thành, xã Kỳ Khang.
Theo những nhà nghiên cứu này, đây là một trong số các giếng cổ mang đậm kỹ thuật xây cất giếng cổ của người Chăm Pa, mà phía Nam Hà Tĩnh từ thời Lý, Trần (thế kỷ X-XIV) là địa bàn giao thoa của nền văn hóa Chăm Pa và Đại Việt.
“Chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu khảo cổ và văn hóa sẽ có các chuyên đề nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về hệ thống các giếng cổ này nhằm góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà xã nhà đang sở hữu”, ông Dân hi vọng.
Theo Lê Công Thành người đưa tin
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn