Trước đó, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO đã xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương để công nhận năm 2016. Trong đó Trung Quốc có 4 hồ sơ, VN có 2 hồ sơ, Hàn Quốc có 2 hồ sơ, Malaysia có 2 hồ sơ; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1 hồ sơ. Sau khi họp bàn và bỏ phiếu, 1 hồ sơ của Malaysia và 1 hồ sơ của Singapore không được MOWCAP công nhận.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế Ảnh: Tuyết Khoa |
Hai di sản của VN được công nhận đợt này gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí độc đáo, duy nhất, mang ý nghĩa quốc tế, tính toàn vẹn, có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Mộc bản trường học Phúc Giang cũng được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam.
Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) Ảnh: Tuyết Khoa |
Trước đó, Mộc bản triều Nguyễn và Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) đã được đưa vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới; Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Thanh niên