.
Chân dung Đình nguyên Phan Đình Phùng.
Quốc biến, gia biến
Phan Đình Phùng (1847-1895) quê làng Đông Thái (nay thuộc xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), trong một gia đình nho học. Họ Phan từ đời Lê Truyền đến Phan Đình Phùng là 12 đời, đời nào cũng có người đỗ cao, làm quan to, cho nên dân quanh vùng gọi xóm họ Phan ở là «Ô y hạng», lấy tích từ họ Tạ họ Vương thời Đông Tấn có nhiều người đỗ đạt, lại thích mặc áo đen. Thế nhưng, cũng chính mảnh đất quê hương ấy lại sinh ra những vị theo chính phủ bảo hộ như ba cha con Hoàng Cao Khải, Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu.
Ông thân sinh ra Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyển, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn (1814). Làm quan tới chức Phủ Doãn Thừa Thiên, sau vâng mệnh vua sai ra Bắc làm tán lý quân vụ dẹp giặc ở Lạng Sơn, bị tử trận.
Anh cả là Phan Đình Thông, đậu Tú tài, làm Phó Quản đốc một đội thuyền chiến. Anh thứ hai là Phan Đình Thuật đậu cử nhân là Giáo thụ, anh thứ ba là Phan Đình Tuấn mất sớm, Phan Đình Phùng là thứ tư. Em út là Phan Đình Vận đậu Phó bảng, làm tri phủ. Và còn hai người em khác mẹ nữa nhưng không ai thành đạt gì.
Vợ cả của Phan Đình Phùng là con gái quan phủ làng Thọ Tường. Ông sinh được 4 người con trai. Về sau, vợ và 3 người con trai đều bị điên và mất. Ông từng than: «Ta sinh gặp phải lúc gia biến, quốc biến, thê biến, tử biến». Còn người con trai là Phan Đình Cừ có tiếng học giỏi, thông minh. Khi lớn theo luôn ở trong quân doanh của cha. Đến năm Bính Thân (1896), tức là sau khi cha mất một năm, thì sang Nhật du học theo lời kêu gọi của Phan Bội Châu. Phan Đình Cừ nổi tiếng học giỏi trong những người thanh niên chí sĩ sang Đông Kinh du học. Những tưởng sau này Phan Đình Cừ sẽ nối chí cha nhưng ai ngờ lại theo Nguyễn Bá Trạc về quy thuận chính phủ bảo hộ. Năm 1921, Phan Đình Cừ sang Hồng Khẩu (Thượng Hải, Trung Quốc) thì bị ám sát.
Người vợ thứ hai của Phan Đình Phùng là em gái quan Lại bộ Tham tri Trần Trạm. Bà sinh hạ hai con trai nhưng người con đầu là Phan Đình Cam mất sớm. Bà vợ họ Trần này là người cùng ông xông pha hòn tên mũi đạn cho tới lúc ông lâm chung, nên người đương thời gọi bà là «cố nghếch rừng».
Thủa nhỏ, Phan Đình Phùng say mê học và thường nói sẽ quyết chí chiếm khôi nguyên. Ông và em Phan Đình Vận theo học bác ruột là tú tài Phan Đình Tuân. Năm ấy, có khoa thi, nhưng thầy không cho đi thi. Đình Phùng giận dỗi liền mua hương nhu về chế thuốc để tự tử. Người nhà phát hiện lấy đậu xanh và cam thảo cạy miệng cho uống mới cứu được.
Lận đận khoa cử nên đến Khoa thi Bính Tý (1876) khi ông đã năm 39 tuổi, mới đậu cử nhân. Năm sau, ông thi đậu Đình nguyên tiến sĩ. Tương truyền, trong bài văn thi đình, có vấn đề ông chưa rõ, chưa nghiên cứu thì ông viết thẳng vào bài: «sĩ vị tằng độc, bất cảm mạo tấu» (Chỗ này kẻ sĩ chưa đọc, không dám tấu xằng). Có lẽ vua chấm giải nguyên vì cái tính ngay thẳng này chăng?.
Sau khi đỗ, Phan Đình Phùng được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Bấy giờ có ông cố đạo là Trần Lục ỷ thế tôn giáo, hà hiếp lương dân. Quan tri huyện không ngần ngại sai lính đè cổ vị giáo sĩ ra nọc đánh, hỏi tội. Vị giáo sĩ này được lòng Pháp sau làm đến chức Tuyên phủ sứ oai quyền vùng Phát Diệm, từng dẫn quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Có ý kiến cho rằng Phan Đình Phùng cũng giống như những nhà nho khác ghét các cha đạo vì nghĩ họ là tà đạo nên đã cho lính đánh cha cố là sai. Phan Đình Phùng có cái nhìn rất tiến bộ. Ông cho rằng: Đạo Thiên chúa lấy Gia Tô làm trời, cũng như Thích ca mâu ni là trời của đạo Phật, Khổng tử là trời của đạo Nho. Mình muốn người ta đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của mình thì đừng xâm phạm đến tín ngưỡng của người ta.
Sau vụ đánh cha cố Trần Lục, Phan Đình Phùng bị vua Tự Đức triệu về kinh, sung vào Viện đô sát làm ngự sử. Tương truyền, lúc đó vua Tự Đức truyền các quan đại thần cũng phải đi tập bắn ở cửa Thuận An. Những viên chấp sự nể ngại nên đều man trá chép các quan bắn trúng. Trước đó, các vị ngự sử ai cũng làm lơ, nhưng khi đến Phan Đình Phùng thì ông đề nghị vua thân chinh ra xem cho rõ sự thực. Vua Tự Đức ra xem và châu phê rằng: «Việc này không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát», rồi thăng chức cho Phan Đình Phùng làm Hình khoa Chưởng ấn. Sau đó, lại giao cho ông đi Thanh tra tình hình quan lại ở Bắc kỳ. Chính trong cuộc thanh tra này mà ông đã đàn hặc Kinh lược sứ Bắc kỳ Nguyễn Chánh, khiến vị quan kinh lược sứ mất chức.
Giữa khi ấy thì đất nước mất sáu tỉnh Nam kỳ. Rồi vua Tự Đức băng hà. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết đàn hặc Trần Tiễn Thành và đòi phế di chiếu không lập vua Dục Đức. Tôn Thất Thuyết đã cho 300 cấm binh mai phục quanh triều và lệnh khi ra hiệu sẽ bắt chém những ai dám chống lại. Các quan đều sợ, duy có Phan Đình Phùng dám hầm hầm lớn tiếng mắng Tôn ThấtThuyết. Nhưng Tôn Thất Thuyết vẫn đem vua Dục Đức giam trong ngục rồi dựng Hiệp Hòa lên ngôi. Còn Phan Đình Phùng thì bị giam 10 ngày rồi cách hết chức vụ. Sau đó, ông về quê và được Tôn Thất Thuyết bổ làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.
Tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng ở Vũ Quang đang thi công dang dở.
Mộ to là đất nước Việt Nam
Vua Hiệp Hòa bị giết, vua Kiến Phúc lên ngôi, rồi lại đến vua Hàm Nghi đăng cơ. Cuộc biến kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Bình rồi ban chiếu Cần Vương. Tham biện Phan Đình Phùng tới yết giá. Vua phong Phan Đình Phùng làm Tán lý quân vụ, thống tướng các đạo nghĩa binh.
Phan Đình Phùng trở lại quê nhà vừa chịu tang mẹ xong lại lo ngay việc nước. Ông phát hịch đi các nơi chiêu binh, kéo cờ nghĩa ngay tại làng Đông Thái quê hương và nhà của mình làm Nghĩa sĩ đường. Chỉ trong một tuần mà có đến gần 6 ngàn người tụ nghĩa. Chí sĩ tham gia rất đông, ví như: Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, cử nhân Phan Cát Su, Phan Quang Cư, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Quý, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Tiến sĩ Đinh Văn Chất, cử nhân Nguyễn Hanh, Phó bảng Nguyễn Hạnh, cử nhân Thái Văn Chính, Cao Đạt…
Những vị cha cố ở hai làng Định Trường và Thọ Ninh xúi giục giáo dân đốt phá bản doanh của nghĩa quân. Vì vậy, Phan Đình Phùng sai quân đi đánh phá nhà thờ hai làng chứ không được xâm phạm đến nhà dân. Quân Pháp tới tiếp viện và tàn sát làng Đông Thái. Phan Đình Phùng lệnh cho nghĩa quân rút lên Hương Sơn và Hương Khê. Còn anh ruột là Phan Đình Thông đóng ở Thanh Chương, Nghệ An.
Phan Đình Thông bị thủ hạ Nguyễn Sử làm phản bắt giao cho Nguyễn Chánh – Tổng đốc Nghệ An. Nguyễn Chánh nhớ thù xưa, muốn giết ngay anh ruột cựu thù nhưng lại muốn lập đại công nên sai Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp là bạn thân Phan Đình Phùng viết thư khuyên hàng. Nội dung thư nêu rõ: Những ngôi mộ tổ tiên của ông ở Đông Thái bị đào xới hoang tàn, tính mệnh của anh thì tùy thuốc vào sự đầu hàng hay không. Phan Đình Phùng khẳng khái nói với chư tướng: Tôi từ khi khởi binh Cần Vương đã chủ tâm bỏ cả việc gia đình quê quán ra ngoài. Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ là đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu mà về sửa sang phần mộ gia đình thì ngôi mộ kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi. Rồi không thèm trả lời thư mà chỉ dặn viên đưa thư về thưa lại rằng: «Nếu có làm thịt anh ta thì nhớ gửi cho bát canh». Và Nguyễn Chánh đã ra tay sát hại Phan Đình Thông.
Giữa lúc quân binh nguy khốn thì Cao Thắng người thanh niên làng Lê Đông, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trổ tài. Trước khi là tay chân đắc lực cho Phan Đình Phùng, Cao Thắng đã được ông Phan Đình Thuật nuôi dưỡng. Cao Thắng cho quân mai phục và đoạt được 17 khẩu súng Pháp. Sau đó, ông tháo dời một khẩu làm mẫu rồi sai thợ làm theo. Kết quả được khoảng 350 khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp để trang bị cho quân lính. Tính cộng cả súng cũ súng mới, nghĩa quân có khoảng 500 khẩu.
Sau chuyến ẩn thân đi Bắc Hà vận động văn thân đứng lên khởi nghĩa, trong đó có cả Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng trở lại đại đồn Vũ Quang (Ngàn Trươi). Ông cho quân xử tử Trương Quang Ngọc – kẻ dâng vua Hàm Nghi cho Pháp. Hành động này khiến cho nhiều đội nghĩa binh ở nơi khác theo về như Cầm Bá Thước (Thanh Hóa), Nguyễn Cấp, Ngô Quảng… Đồn trại của nghĩa quân lan rộng trong bốn tỉnh : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Phan Đình Phùng chia quân làm 15 thứ, tổ chức rất nghiêm ngặt, quy củ.
Trải 10 năm, cuối cùng sau trận huyết chiến ở Vũ Quang (10/1894) thắng lợi thì quân Pháp và quân lính của Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân đã từng bước khép chặt vòng vây với nghĩa quân. Trong lúc khó khăn thì ngày 28/12/1895, Phan Đình Phùng mắc bệnh lỵ rồi mất ở núi Quạt…
Hiện nay, ở khu di tích Vụ Quang, Hà Tĩnh đang xây dựng tượng đài tưởng niệm vị thủ lĩnh khởi nghĩa Hương Sơn, Đình nguyên Phan Đình. Tiếc là công trình với dự toán 30 tỷ đồng này thi công từ năm 2010 đến nay vẫn đang bỏ dở.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn