VĐV tuổi rắn và những ước mơ giản dị

Thứ tư - 07/06/2017 06:34
Bước qua năm cũ với nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, họ vẫn giữ những lạc quan, yêu đời và tất cả cũng có những ước mơ giản dị...
“Búp bê” Đỗ Ngân Thương: Mơ làm cô giáo

Đáng lẽ Ngân Thương đã nghỉ hẳn để chuyển sang công tác HLV, nhưng đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) vẫn thiếu người dìu dắt. Đó là lý do mà cô bé có biệt danh đáng yêu “búp bê” đã quyết định trở lại ĐTQG, dù cái tuổi của Ngân Thương với môn TDDC xứng đáng được gọi là “lão bà”.

15 năm theo nghiệp Thể dụng dụng cụ, quãng thời gian không phải là nhiều so với một đời người nhưng quá lớn với một cô bé chuẩn bị bước sang tuổi 22 như Thương. Đó cũng là thời gian đã đem lại cho cô rất nhiều thứ, song mất cũng rất nhiều.

Ngân Thương mơ làm cô giáo

Ngân Thương chính là một trong những thế hệ tài năng nhất của ĐT TDDC Việt Nam. Ngay từ 6 tuổi, cô đã phải xa rời mái ấm gia đình để sang Trung Quốc tập luyện. 15 năm theo nghiệp với Ngân Thương là những trải nghiệm, với những lần đứng trên bục vinh quang và cả những lần tưởng như không đứng dậy nổi bởi những cú vấp ngã. Hơn 10 năm theo nghiệp, Thương giành được bao chiến công hiển hách và từng “vô đối” ở đấu trường khu vực trong nhiều năm liên tiếp.

Hơn 2 năm nay, Thương phải chiến đấu với chấn thương dây chằng đầu gối của mình. Ở tuổi 22, Thương tự cảm nhận mình không còn thể hiện tốt những động tác khó như trước nữa, nhưng với các đàn em, Thương vẫn là chỗ dựa không thể thiếu về cả chuyên môn và tinh thần. Đó chính là lý do mà Thương sẽ ở lại  ĐTQG nốt kỳ SEA Games này.

Nói về tương lai của mình, Thương tâm sự: “Mình còn nợ tới vài chục môn nữa, sau khi trả nợ hết mới ra trường được. Ước mơ của mình là được làm cô giáo, mình thích trẻ con mà...”.

VĐV điền kinh Dương Thị Việt Anh: “Cô gái có ý chí thép”

Việt Anh là VĐV thứ 2 trong lịch sử làng điền kinh nước nhà nhảy qua được mức xà 1m90 (trước đó là VĐV Bùi Thị Nhung). Với thành tích này, Việt Anh chính thức có mặt tại Olympic 2012.

Ba năm trước, tài năng của  tuyển thủ điền kinh sinh năm 1989 quê Bạc Liêu được phát hiện tại giải VĐQG. Tuy nhiên, Việt Anh đã không lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch khi cô bị...thừa cân. Bằng nỗ lực tập luyện bền bỉ của mình, Việt Anh đã chứng minh, có quyết tâm là làm được tất cả. Một mặt, Việt Anh tích cực giảm cân. Mặt khác, miệt mài tập luyện để phát huy tối đa những ưu điểm của mình: sức bật, độ dẻo và khả năng đột phá. Chỉ sau 1 năm rèn luyện, Việt Anh giảm được hơn 10 cân và tăng thành tích lên mức xà 1m80.

Dương Thị Việt Anh

Sau khi được gọi lại đội tuyển, bằng ý chí phi thường, Việt Anh cho thấy những tiền bộ vượt bậc. Tại giải Các ngôi sao châu Á, Việt Anh đã tạo nên bất ngờ lớn khi không chỉ vượt qua thành tích mà cô đã đoạt HCV tại SEA Games 26, mà còn xuất sắc vượt qua mức 1m92, đồng nghĩa với việc đạt chuẩn B Olympic, chính thức có vé tham dự Thế vận hội.

Trở về sau kỳ Olympic không thành công vì bị chấn thương, nhưng Việt Anh không hề nản chí mà lao ngay vào tập luyện. “Tôi còn trẻ, nên cơ hội còn nhiều phía trước. Những thành tích đã đạt được với tôi chưa bao giờ là đủ. Trước mắt mục tiêu của tôi sẽ là bảo vệ tấm HCV SEA Games 27”, Việt Anh đầy quyết tâm nói về kế hoạch sắp tới của mình.

Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn: “Muốn được quan tâm hơn”

Nói về mục tiêu trong năm mới, đô cử của Đà Nẵng đã chia sẻ rất thẳng thắn: “Tôi tin rằng sau Olympic lần này, mình sẽ được quan tâm hơn. Cử tạ là môn có đặc thù phải tập luyện, phải đầu tư hàng ngày, hàng giờ bởi chỉ cần nghỉ một vài ngày là phải tập lại cả tháng trời mới lấy lại phong độ.

Tôi rất vui vì ở hạng cân 56kg của mình hiện nay, có tới 2 đối thủ mạnh cùng tranh chấp huy chương ở các giải trong nước và thậm chí là SEA Games. Thạch Kim Tuấn cho thấy sự tiến bộ không ngừng thời gian qua. Đặc biệt, đàn anh Hoàng Anh Tuấn chắc chắn sẽ trở lại tại giải VĐQG vào tháng 10 năm nay, ngay sau khi hết hạn cấm thi đấu của Liên đoàn cử tạ thế giới. Có đối thủ, sẽ càng giúp cho tôi phải nỗ lực phấn đấu để giữ vị trí số 1”.

Trần Lê Quốc Toàn

Dù đã gặt hái được những thành công nhưng Quốc Toàn vẫn trăn trở với những nỗi niềm riêng: “Không phải chỉ đến khi mất tấm huy chương Olympic tôi mới nói nhưng cử tạ Việt Nam còn thiệt thòi nhiều so với bạn bè thế giới. Nhìn mỗi VĐV của họ khi đi thi đấu có cả một ekip với những HLV ngoại, bác sĩ, chuyên gia xoa bóp, phục hồi thể lực, chuyên gia dinh dưỡng và thậm chí là cả chuyên gia tâm lý. Cử tạ Việt Nam đã và đang có những VĐV xuất sắc ở hạng cân 56kg. Chúng ta cũng đã có thành tích đáng kể với tấm HCB Olympic năm 2008 của Hoàng Anh Tuấn. Vậy thì rõ ràng, đây chính là nội dung mũi nhọn có đủ khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Sẽ là đáng tiếc nếu như chúng tôi không nhận được những đầu tư tốt nhất”, Toàn cho biết.

 Theo Gia Phong (Khám phá)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây