Cú lừa thế kỷ
Một ngày đầu tháng 12/2011, tại quán cà phê cóc đoạn ngã ba giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM), Quang Thanh đặt bút ký vào bản hợp đồng đời người với đại diện Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành. Chữ ký trị giá 10 tỷ đồng, bao gồm 6 tỷ đồng tiền mua lại 2 năm hợp đồng còn lại của cựu cầu thủ Ngân hàng Đông Á với B.BD, thêm 4 tỷ đồng cho 1 năm tiếp theo với đội bóng được ví là thiếu gia mới nổi, SG.XT. Đấy được xem là một kỷ lục mới, mà chỉ Quang Thanh mới đủ điều kiện đạt đến, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó.
Quang Thanh vẫn còn nhiều điều để cống hiến cho bóng đá. Ảnh: Quang Nhựt |
Cần nhắc rằng, trước Quang Thanh, hai đồng đội trong màu áo đội tuyển quốc gia là Quang Hải và Việt Cường cũng đã ký với Navibank Sài Gòn với giá 9 tỷ; Như Thành với tổng số tiền chuyển nhượng và ký mới (ở B.BD và Vissai Ninh Bình sau đó) có giá gần 15 tỷ đồng, nhưng phân ra làm nhiều đợt và nhiều bản hợp đồng; còn những Phước Tứ, Minh Đức hay Đình Luật (thuộc biên chế SG.XT), cũng không nhận nhiều hơn con số 9 tỷ đồng, dù họ cập bến đội bóng mới khi bản hợp đồng cũ đã đáo hạn… Nói tóm lại, tính về giá trị bản hợp đồng chuyên nghiệp, Quang Thanh có thể là “số một”.
Tuy nhiên, vào phút cuối, vụ “áp-phe” đổ bể, vì một lý do hết sức lãng nhách. Ông bầu hờ của SG.XT vào thời điểm đó là Lưu Quang Lãm, dù vẫn nằng nặc kéo Quang Thanh quy cố hương (Thanh vốn là người gốc Sài Gòn, nhà ở quận 10), nhưng lại không đủ năng lực tài chính để chi trả một bản hợp đồng đắt giá như thế. Bầu Thụy (chủ tịch Nguyễn Đức Thụy, ông chủ đích thực của SG.XT) sau đó muốn gỡ gạc để đội bóng đỡ mất mặt, nhưng Thanh lắc đầu từ chối, vì đã quá ê mặt rồi.
Người ta từng ví vụ Quang Thanh về SG.XT là cú lừa thế kỷ, treo đầu dê bán thịt chó. Thanh khi ấy là đương kim tuyển thủ quốc gia, là gương mặt ưu tú bậc nhất nền bóng đá ở thế hệ của anh, lứa cầu thủ từng lên đỉnh ở sân chơi AFF Cup 2008 và trước đó từng lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, tại Asian Cup 2007, không đáng bị đối xử như thế. Nhưng cơ chế bóng đá kiểu ăn xổi, với những ông bầu vung tay quá trán và thích “chém gió”, đã tạo những hệ lụy, những phản ứng phụ tai hại mà nền bóng đá phải gánh chịu.
Quang Thanh đã một lần lỡ hẹn tái ngộ bóng đá Sài Gòn, kể từ sau ngày anh khăn gói ra đi, thời điểm Ngân hàng Đông Á rã đám (2005), theo cách không mong đợi. Nhưng, còn sống, còn chơi bóng, là còn hy vọng.
Lá có rụng về cội?
Sau cú lừa ấy, mà Thanh chỉ là nạn nhân, niềm tin về cung cách làm bóng đá của một bộ phận các ông chủ làm bóng đá trong anh đã cạn kiệt. Nhưng còn may, Quang Thanh vẫn được Thủ Dầu Một mở rộng cửa đường quay về. “Ngày tôi đi, các chú ở B.BD nói rằng, nếu không thành thì cứ quay về đây. B.BD luôn giang tay chào đón những công thần trở về”, Quang Thanh tâm sự. Vụ chuyển nhượng bất thành và như tất cả đều thấy, Thanh quay lại sân Bình Dương để hoàn tất 2 năm hợp đồng cuối cùng, chỉ có điều…
Niềm tin nơi người hâm mộ đất Thủ chắc chắn đã mai một ít nhiều sau những sự vụ như thế, của Quang Thanh hay trước đó là Như Thành. Một thời gian sau, Thanh dính chấn thương và gần như phải nghỉ trọn cả mùa giải 2012. Đấy là vận rủi, cũng hệt như AFF Cup 2010, khi Thanh phải chống nạng tháp tùng đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Henrique Calisto sang Malaysia đá trận bán kết lượt đi. Tình huống lặp lại hệt như đàn anh Văn Sỹ, trong chiến dịch Tiger Cup 2002 (giải đấu tiền thân của AFF Suzuki Cup sau này).
Ngày đó, ông “Tô” giải thích rằng, cần có những tấm gương như Thanh, để đội bóng nhìn vào mà đá, mà phấn đấu, nhưng Thanh vẫn cứ buồn. Buồn vì mình không thể chơi bóng, không thể tả xung hữu đột, không ghi những bàn thắng để đời, kiểu như vào lưới UAE ở Asian Cup 2007 hay Chonburi FC tại tứ kết AFC Cup 2009, không được cống hiến…, khiến đội bóng thất bại. Đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi cuộc chiến bảo vệ ngôi vương 2010 và B.BD ở V-League 2012, đã không có mặt trong tốp ba đội dẫn đầu, phần vì thiếu Quang Thanh.
Thời điểm cuối năm 2011, tức là sau hơn nửa thập niên Quang Thanh xa quê, làm lính đánh thuê ở đất Thủ, trong tiềm thức, anh thực sự muốn quy cố hương. Có quá nhiều sự lựa chọn với một cầu thủ có kỹ năng chơi bóng đỉnh cao như Thanh, khi bóng đá TP.HCM ngoài tân binh V-League SG.XT như đã nhắc, còn có một đại gia khác là N.SG. Bên cạnh B.BD, đây là hai trong số những câu lạc bộ sở hữu nhiều hảo thủ là đương kim tuyển thủ quốc gia nhất. Nếu Thanh về, có thể đã như cá gặp nước, như chim gặp trời cao...
Giờ, khi đã bước qua tuổi 29 (Quang Thanh sinh năm 1984), với bối cảnh nền bóng đá như bây giờ, liệu Thanh còn cơ hội quy cố hương không?
Trong một chia sẻ ở thời điểm đội tuyển Việt Nam tập trung tại Trung tâm Thành Long (TP.HCM) chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008, huấn luyện viên Calisto đã khẳng định, những cầu thủ như Quang Thanh, Vũ Phong hay Minh Phương… đủ đẳng cấp để chơi bóng ở trời Âu. Nhưng phần do cơ chế, phần nữa với nền bóng đá có quá ít những tấm gương đi trước, cầu thủ Việt đã tự triệt tiêu các cơ hội của mình. Ông “Tô” cũng nhật xét, Quang Thanh là hậu vệ cánh hay nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, qua mặt cả Công Minh. Bảy năm trong màu áo B.BD, Quang Thanh từng giành rất nhiều danh hiệu, bao gồm các chức vô địch V-League (2007, 2008), cùng đội bóng đất Thủ lọt vào bán kết AFC Cup (2009); các ngôi á quân V-League và Cúp quốc gia…, nhưng với một công thần như Quang Thanh, hào quang trong quá khứ chỉ có thể làm động lực, chứ không bao giờ là sự tự mãn. Ở đẳng cấp chơi bóng của Quang Thanh và nếu vết mổ dây chằng gối cách đây ngót một năm không có dấu hiệu bất thường, anh còn có thể cống hiến nhiều cho bóng đá, ở cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. |
Theo thethaovanhoa.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn