Hồ Bắc 022, lưỡi lê không bóng
Các tàu thuộc lớp Hồ Bắc 022 của Trung Quốc được gọi với cái tên rất dữ dằn “Lưỡi lê không bóng”. Sở dĩ có tên như vậy bởi Hồ Bắc 022 được xem là có khả năng tàng hình ưu việt.
Chiếc đầu tiên xuất xưởng tháng 4 năm 2004. Đến giữa năm 2010, Hải quân Trung Quốc đã được trang bị ít nhất 60 chiếc tàu loại này và dự định tăng lên 81 tàu trong tương lai.
Tàu cao tốc tàng hình lớp Hồ Bắc 022 của Trung Quốc
Type 022 là tàu tàng hình thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc, có khả năng tác chiến linh hoạt, tấn công mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển. Thân tàu thiết kế với tiết diện phản xạ sóng radar nhỏ, giảm thiểu sự phát hiện bằng radar đối phương. Kiến trúc trên boong tàu 022 có nhiều góc nghiêng lớn để giảm tối đa diện tích phản xạ hiệu dụng của radar ở tầng trên, làm giảm đáng kể sóng phản xạ của radar.
Type 022 lớp Hồ Bắc có lượng giãn nước 220 tấn, dài 42,6m, thủy thủ đoàn 12 người. Tàu có khả năng đạt vận tốc cao 36 hải lý/h.
Hỏa lực Type 022 tương đối mạnh, đặc biệt trong khả năng chống hạm. Tàu có khả năng mang 8 tên lửa chống hạm C-801 (tầm bắn 42km) hoặc C-802 (tầm bắn 120km) hoặc C-803 (tầm bắn 150-200km).
Đặc biệt, Type 022 có thể mang được tên lửa hành trình đối đất tầm xa HN-2 có tầm bắn lên tới 1.800km, mang đầu đạn nặng 400kg.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị các tên lửa hạm đối không FLS-1 với 12 tên lửa phòng không vác vai QW; 1 pháo hạm AO-18 30 mm, hệ thống vũ khí tầm gần sao chép AK - 630 được đặt ở phía trước.
Tàu tên lửa lớp 022 vừa có thể tác chiến đơn lẻ vừa có thể tác chiến theo cụm, dưới sự chỉ dẫn các dữ liệu trên máy bay ảnh cảnh báo sớm KJ-2000/200, máy bay tuần tra trên biển, tiến công vào hạm đội cỡ lớn của địch.
“Báo Quân Giải phóng” nhiều lần đưa tin, tàu tên lửa sau khi đưa vào sử dụng, không cần tiếp cận mục tiêu, mà dựa vào các thông tin trên máy bay cảnh giới nắm bắt dữ liệu mục tiêu, thực hiện luyện tập bắn đạn thật vào mục tiêu “tàu địch”.
Tàu tên lửa lớp 022 tàng hình, tốc độ nhanh, hỏa lực mạnh, nhưng cũng tồn tại một số nhược điểm như hành trình ngắn, thời gian hoạt động ngắn, khả năng phòng không yếu. Nhược điểm lớn nhất của loại tàu hai thân này là khi bị nước vào một bên thân, con tàu lập tức bị nghiêng, rất khó khắc phục.
Tàu lớp 022 không có khả năng tuần tra thời gian dài như tàu khu trục hộ vệ cỡ lớn, không có cách nào thể hiện sự hiện diện của mình ở vùng biển có thể xung đột để thực hiện khống chế, thậm chí chúng không thể tách khỏi sự yểm hộ của máy bay chiến đấu hải quân, không thể rời sự chỉ dẫn của máy bay chỉ huy (nếu chúng mở máy sục sạo, không chỉ độ cao radar thấp dẫn tới cự li phát hiện ngắn, mà còn bị bộc lộ), phải phụ thuộc vào khả năng khống chế trên không, phải được cập nhật thông tin mới có thể tác chiến hiệu quả.
Bầy sói Molniya của Việt Nam
Tàu tên lửa Molniya Project 1241.8 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 550 tấn, dài 56,1m, rộng 10,20m, mớn nước (toàn tải) 2,14m, vận tốc 35 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Molniya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn với quỹ đạo cực thấp 3-5 m trên mặt biển.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molniya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu Molniya được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa), hệ thống đối phó điện tử…
Tàu Molniya số hiệu HQ-375 của Hải quân Việt Nam tuần tra ở quần đảo Trường Sa
So găng trên Biển Đông
Các tàu Hồ Bắc 022 đã nhiều lần tiến hành tập trận ở biển Đông. Về so sánh các thông số kỹ thuật có thể thấy rằng, tàu Molniya và tàu Hồ Bắc 022 có vận tốc tương đương nhau. Hồ Bắc 022 có khả năng tàng hình tốt hơn và cũng nhỏ gọn hơn, tuy nhiên, hỏa lực của Molniya lại hoàn toàn áp đảo với 16 tên lửa hiện đại Kh-35E mà Trung Quốc hết sức thèm muốn so với 8 tên lửa C-803 là hàng sao chép, hiệu quả thấp hơn nhiều.
Nếu chỉ so sánh đơn thuần về mặt thông số kỹ thuật sẽ không thấy được ưu thế hoàn toàn thuộc về Molniya hay Hồ Bắc 022. Nhưng khi đặt vào vùng biển tác chiến là Biển Đông và đội hình tác chiến tổng hợp bao gồm các lực lượng khác mới thấy được sự vượt trội của Molniya so với Hồ Bắc 022.
Trước hết với tầm hoạt động ngắn, nếu hoạt động dài ngày ở Biển Đông, Hồ Bắc 022 đòi hỏi phải được lai dắt, chuyên chở bởi các tàu đổ bộ và hoạt động ở chế độ tiết kiệm nhiên liệu. Nếu vậy coi như ưu thế về vận tốc của nó không còn nhiều.
Trong khi đó với bờ biển dài, cùng phương châm chỉ tác chiến nhằm bảo vệ chủ quyền nên các tàu Molniya của Việt Nam có thể được bố trí phục kích dọc bờ biển, khi tác chiến xong lại có thể rút nhanh về căn cứ ẩn nấp.
Đặc biệt với sự hỗ trợ của các lực lượng không quân hải quân, các tàu khác cũng như hệ thống radar hải quân bố trí trên dọc bờ biển và các hải đảo, tàu Molniya có thể phát hiện được mục tiêu sớm hơn so với Hồ Bắc 022.
Ngược lại, Hồ Bắc 022 cần phải dựa vào máy bay chỉ thị mục tiêu, nếu điều kiện khí tượng không cho phép hoặc bị lực lượng không quân đối phương chế áp coi như các tàu Hồ Bắc 022 bị “mù” hoàn toàn bởi radar trên tàu không thể phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời.
Chưa kể, các tàu Hồ Bắc 022 có khả năng phòng không kém, dễ dàng bị tiêu diệt bởi các máy bay mang tên lửa chống hạm, cũng như các bãi thủy lôi.
Nếu chỉ dựa vào các thông số kỹ thuật thì hẳn rất nhiều người choáng ngợp bởi Hồ Bắc 022. Nhưng nếu như đặt vào vùng tác chiến Biển Đông của Việt Nam với những lợi thế về địa lý, về lực lượng hỗ trợ cộng thêm sức mạnh vốn có các tàu Molniya Việt Nam tỏ ra hoàn toàn vượt trội so với Hồ Bắc 022 Trung Quốc.
theo giaoducthoidai.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn