Biển Đông bùng nổ thành điểm nóng ở châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI đều bắt nguồn từ việc Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa (1974) và một phần quần đảo Trường Sa (1988) của Việt Nam. Đó là nhận định của TS Subhash Kapila, cố vấn Nhóm Nghiên cứu Nam Á của Ấn Độ, trên tạp chí Eurasia Review ngày 27-6.
Rõ ràng sau khi tuyên bố biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc đang phi nước đại để tiến đến tham vọng trở thành trung tâm quyền lực ở Tây Thái Bình Dương. Chính vì vậy mà Bắc Kinh bất chấp những chỉ trích lẫn thúc ép giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế để gia tăng các hành động khiêu khích. Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) chưa rút khỏi vùng biển Việt Nam thì Trung Quốc đã đưa tiếp giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) vào khu vực chưa phân định tại cửa vịnh Bắc Bộ.
Chưa hết, đài ABC News (Mỹ) nhận định Trung Quốc tiếp tục khuấy đục các vùng biển ngoại giao trong khu vực bằng việc phát hành tấm bản đồ khổ dọc, trong đó có “đường 10 đoạn” bao gần trọn biển Đông. Ông Lý Vân Long, chuyên gia ở Viện Nghiên cứu biển Đông thuộc Trường ĐH Hạ Môn - Trung Quốc, lập luận Bắc Kinh dùng bản đồ này để “nâng cấp” tranh chấp ở biển Đông lên ngang bằng tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật Bản. Việc để một nhà xuất bản cấp tỉnh (Hồ Nam) phát hành tấm bản đồ là cách Trung Quốc thử phản ứng của các nước xung quanh.
Tờ The Washington Post (Mỹ) lo ngại bản đồ nêu trên sẽ mở đầu một cuộc chiến tranh. Trong bài viết ngày 27-6, tờ báo nói tấm bản đồ không gây quá nhiều bất ngờ cho khu vực nhưng có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới và một cuộc khẩu chiến như khi Trung Quốc phát hành hộ chiếu in “đường 9 đoạn” hoặc các vùng lãnh thổ có tranh chấp với Ấn Độ.
Căng thẳng ở biển Đông còn là sân đấu giữa Trung Quốc với Mỹ. Theo học giả Kapila, Mỹ đã có kế hoạch quân sự dự phòng tại chỗ để đối phó với bất kỳ xung đột vũ trang nào ở biển Đông. Tuy nhiên, ông Kapila cho rằng ngay cả khi bị buộc phải chấp nhận giải quyết xung đột ở biển Đông theo con đường đa phương, vẫn có nguy cơ Bắc Kinh sử dụng chiến thuật trì hoãn các cuộc đàm phán để tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự.
Không ngừng bức bách các nước láng giềng nhỏ hơn nhưng trong cuộc họp quốc gia ngày 27-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại yêu cầu tăng cường phòng thủ biên giới biển và đất liền để tránh lặp lại việc “bị bắt nạt” do yếu ớt trong quá khứ. Trên thực tế, theo tạp chí National Interest (Mỹ), rõ ràng Trung Quốc đang không ngừng dồn ép Việt Nam và Philippines, đến độ một Singapore luôn trung lập cũng bắt đầu lên tiếng chống lại. Thủ tướng Lý Hiển Long công khai cảnh báo Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu giẫm vào vết xe đổ tìm kiếm phát triển bằng vũ lực như các nước lớn trước đây.
Trong khi đó, ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, dự đoán Malaysia và Indonesia cũng sẽ phản đối bản đồ mới của Trung Quốc bởi cái gọi là “đường 10 đoạn” lấn tới gần bờ biển của Bắc Borneo - Malaysia và xâm nhập biển Natuna - Indonesia.
Philippines chế giễu Trung Quốc
Cư dân mạng Philippines ngày 27-6 truyền nhau hình ảnh một tấm bản đồ có tên gọi “Bản đồ lãnh thổ mới của Philippines” trên mạng xã hội Facebook. Bản đồ tự chế này “thổi phồng tranh chấp hàng hải” bằng cách mở rộng phần lãnh thổ thực tế của Philippines với các vùng đất mới, bao gồm vùng Nội Mông, Trung Quốc đại lục cũng như Hồng Kông. Bản đồ này gọi phần diện tích Trung Quốc đại lục là “tỉnh hành chính đặc biệt” của Philippines, Bắc Kinh được đánh dấu là “thành phố thủ phủ” với tên mới là Rizal. Trong khi đó, đặc khu Hồng Kông trở thành “khu vực thương mại đặc biệt”!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn