Từ một nét đẹp trong hôn nhân của người Thái, tục trộm vợ đã bị biến tướng, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của không ít cô gái vừa mới lớn.
Theo bà Vi Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), một trong những nguyên nhân là do người phụ nữ, đặc biệt là các em gái đã cam chịu khi bị trộm làm vợ. Hơn nữa, tình trạng trộm vợ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên khi cơ quan chức năng biết thì sự việc đã rơi vào "chuyện đã rồi".
“Nếu như trước đây việc trộm vợ xuất phát từ việc hai bên trai gái có tình cảm với nhau, được chuẩn bị kỹ càng và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, người thân của chàng trai, cô gái thì gần đây, tục trộm vợ đã biến tướng, trở thành “bắt vợ”. Nhiều cuộc trộm vợ diễn ra ngay giữa ban ngày. Chàng trai có thể hành động một mình hoặc có sự trợ giúp của bạn bè để khống chế, đưa cô gái về nhà mình. Sau khi đưa cô gái về, nhà trai sẽ tổ chức những bước như quy trình “trộm vợ” ngày xưa để buộc cô gái phải chấp nhận làm vợ dù không yêu thương, thậm chí là chưa từng quen biết”, ông Lương Viết Thoại – một người am hiểu phong tục người Thái ở Quỳ Hợp cho hay.
Ông Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 – nơi có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái theo học thì những năm trước đây, trung bình sau mỗi kỳ nghỉ Tết có 5-6 học sinh nữ không trở lại trường do bị “trộm” làm vợ.
Sau khi bị trộm làm vợ, Lô Hồng V. (xã Châu Tiến) vẫn được nhà chồng tạo điều kiện cho tiếp tục đi học. Có lẽ, em là số ít nữ sinh được trở lại trường học sau khi đã lấy chồng. Vào thời điểm đó, V. đang học lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3. Em học khá tốt và vẫn tiếp tục được phân công làm lớp trưởng. Biết hoàn cảnh của em, các thầy cô giáo cũng hết sức động viên và gửi gắm nơi em nhiều kì vọng.
“Nhiều hôm V. đến lớp với vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ hằn rõ trên mặt. Thậm chí có lúc em còn xin phép được chợp mắt một chút trong giờ học bởi tối hôm trước em gần như phải thức thâu đêm vì con lên cơn sốt. Thỉnh thoảng em nghỉ học một vài ngày, còn đợt ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì em hầu như vắng hẳn.
Tôi đến nhà động viên em đến lớp, cố gắng học hết chương trình phổ thông. Em buồn bã lắc đầu, bảo mùa trồng keo đến rồi, dù bố mẹ chồng và chồng không bắt em làm để em được đi học nhưng em là dâu, là con trong nhà, không thể để mọi người vất vả mà yên tâm ngồi học được.
Em nói vậy tôi cũng không thể làm gì được nhưng tiếc cho em. Em đã từng là một học sinh có học lực tốt, có hoài bão, ước mơ nhưng đành chôn vùi tất cả vì trách nhiệm làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi còn quá nhỏ”, cô giáo Võ Thị Đông (Trường THPT Quỳ Hợp 3) kể về trường hợp của V.
Chuyện trộm vợ của Lữ Văn B. (nguyên Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Châu Tiến, Quỳ Hợp) vẫn được nhắc lại bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người bị trộm làm vợ mà B. cũng phải trả giá cho hành động nông nổi của mình. Một đêm cách đây 12 năm, B. đến Trường phổ thông dân tộc nội trú Quỳ Hợp (nay là Trường THPT Quỳ Hợp 3) “trộm” Lô Thị H. về làm vợ. Thời điểm ấy Lô Thị H. đang là học sinh lớp 11.
Vào thời điểm bị B. tổ chức “trộm vợ” và thực hiện lễ cưới, Lô Thị H. chưa đủ tuổi kết hôn. Dù lấy được vợ nhưng B. cũng phải trả cái giá khá đắt đó là bị kỷ luật về Đảng, miễn nhiệm chức danh Phó Bí thư đoàn thanh niên xã. Còn vợ của B. cũng lỡ dở con đường học hành để gánh trên đôi vai của mình trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ.
Cũng giống như Lô Thị H., Lô Hồng V., sau Tết Nguyên đán năm 2017, Lô Thị Xuân V. (trú xã Châu Cường, Quỳ Hợp, học sinh lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3) cũng bị “trộm vợ”. Chồng em là một chàng trai người xã Châu Quang.
16 tuổi, Xuân V. thành gái đã có chồng. 18 tuổi, em đã kịp làm mẹ trẻ con. Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi vẫn đang hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ thì Xuân V. quay cuồng với trách nhiệm của một người phụ nữ đã có chồng. Và con đường trở lại trường của em đã vĩnh viễn khép lại từ cái đêm bị “trộm” ấy…
Theo Hoàng Lam Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn