Thôn Vĩnh Truyền mà người dân trong xã, tổng xưa nay vẫn quen gọi nôm na là làng Chuộn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, gắn với cây lúa, củ khoai, sống với nhau tình nghĩa chan hòa. Ấy vậy mà giữa cái chốn bình yên đấy lại chứa đựng những điều lạ lùng đến rợn tóc gáy.
Cho dù hơn hai trăm năm đã trôi qua nhưng dường như bao thế hệ trong làng vẫn tin nếu làm sai sẽ bị lời nguyền ám tới chết…
Sự báo ứng của lời nguyền
Những câu chuyện xung quanh lời nguyền độc vẫn còn đó, các thế hệ cứ rỉ tai nhau để tránh mắc phải lời nguyền mà rước họa vào thân. Thực hư lời nguyền ứng nghiệm với những người phải chết chưa có lời giải đáp nhưng những cái chết của người mà theo người dân trong làng cho là phạm vào lời nguyền ấy trùng hợp khiến người ta không thể không tin.
Để biết rõ hơn thực hư chúng tôi gặp những cụ già cao niên trong làng tìm hiểu về lời nguyền mà bao đời nay người đời vẫn khoác cho nó những chiếc áo thần thánh hay ma mị có vẻ hão huyền ấy.
Ông Vũ Văn Nhuế có lẽ trong số ít người còn biết về lời nguyền này. Năm nay đã ở cái tuổi ngoại bát thập nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Những câu chuyện lịch sử làng xã, ông nhớ như in. Thời gian trôi đi từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những câu chuyện tưởng như vô chủ ấy chỉ có dịp khuấy động lên khi có ai vô tình nhắc lại hay một ai đó chết vì “lời nguyền”.
Câu chuyện ông Nhuế kể cho chúng tôi nghe có phần huyễn hoặc nhưng cái kết của lời nguyền đó lại là minh chứng cho lời ông kể là có cơ sở. Theo ông, lời nguyền đó bắt đầu chính từ một người khoa bảng trong làng. Cụ tên húy là Đinh Khắc Tú Bật, sinh ra vốn dòng khoa bảng. Chẳng ai còn nhớ rõ câu chuyện đó bắt đầu từ đâu nhưng ai cũng biết đích danh người ấy chính là cụ tổ dòng họ Đinh Khắc ở làng Ngận (Thượng Ngạn) vốn trước đây bản quán tại làng Chuộn này.
Ông Nhuế cho biết: “Thời phong kiến có lệ, khi làng có người đỗ đạt đến quan nghè, tú tài thì làng phải thiết cỗ, dong cờ trống lên huyện đón kiệu quan về. Các cụ trong làng kể lại, ngày đó dân làng nghèo khổ thiếu ăn liên miên do mất mùa, hạn hán. Người vợ bận con mọn nên không có tiền thiết cỗ rước ông về. Cụ đi về tới ngã ba Giá không thấy người làng Chuộn lên đón. Cụ ấy rút con dao nhọn trong người ném xuống giếng mà nói: làng Chuộn bạc tình lắm, từ nay không về làng Chuộn nữa. Nếu về đất này chết một đời cha, bảy ba đời con…”.
Câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt suốt vài thế kỷ bỗng một ngày trở thành lời nguyền ám ảnh dân làng Chuộn. Thời gian trôi đi, câu chuyện về lời nguyền cứ lan truyền như gió. Mỗi một giai đoạn, một hoàn cảnh nó lại được thêm thắt, tam sao thất bản đi một chút để tới bây giờ ngót 200 năm có lẻ, nó được người dân khoác lên chiếc áo thần thánh.
Theo trí nhớ của ông Vũ Văn Nhuế, người cuối cùng của lớp tuổi bát niên ở làng Chuộn thì lời nguyền truyền kiếp này còn nhiều dị bản nữa. “Có người nói cụ Tú Bật đỗ quan về tới đầu làng không ai ra đón, cụ nghĩ người làng khinh mình ngày ấy nghèo khó, nay đỗ tú tài vẫn chỉ là người dân đen nên tức mình vứt bút nghiên xuống giếng làng mà thề. Do là câu nói cửa miệng, dân gian truyền khẩu mà không ai ghi chép lại nên mỗi nơi một khác”. Ông Nhuế cho biết thêm.
Những cái chết bí ẩn được cho là vì lời nguyền
Đem câu chuyện tới nhà ông Đinh Khắc Mấm, trưởng tộc họ Đinh Khắc làng Ngận, thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều. Ông Mấm là cháu đời thứ 6 của cụ Tú Bật. Dòng họ Đinh Khắc sang lập nghiệp tại đây đã hơn 10 đời. Dòng họ được đánh giá là nhiều người đỗ đạt nhất thời bấy giờ. Nhiều cụ đỗ quan nghè, tú tài, đồ khóa về làng mở lớp dạy nho.
Ông Mấm cho biết: “Từ bé tôi đã được mọi người trong họ, nhất là các cụ cao niên mỗi lần thanh minh, họp họ là các cụ lại kể cho nghe. Ngôi mộ cụ Tú Bật, người đã đặt ra lời nguyền, vẫn nằm ở khu mộ Đồng Quán tại làng Ngận. Nhờ ngôi mộ cụ mà con cháu phát đường học hành khoa cử. Chúng tôi là bậc hậu bối lại khác làng nên chuyện về lời nguyền báo ứng là chuyện có thật. Nhưng không ai dám chắc đó là do lời nguyền”.
Bao đời nay, người dân làng Chuộn vẫn rỉ tai nhau về những cái chết bất thường mà họ cho là liên quan tới lời nguyền. Nhiều người dân tin vào chuyện thần thánh quả quyết là có sự ứng báo khi trong làng có người phạm phải lời nguyền. Người ta đồn đoán nhau về những người làm quan, làm tướng. Cứ leo lên đến chức lãnh đạo là chết, những cái chết trùng lặp đến lạ lùng về thời gian được bổ nhiệm chức vụ.
Như trường hợp cái chết của ông Đinh Văn Cừ cũng bất thường. Ông chết do bị cảm trong thời gian ông vừa được bổ nhiệm chức chủ tịch xã Văn Lang. Trời tháng 6 nắng như đổ lửa, ông Cừ có việc lên huyện. Khi về qua ao đình thấy lũ trẻ đang tắm, ông xuống tắm cùng để giải tỏa cái nóng nực. Đêm đó ông kêu đau đầu, khó thở. Người nhà đưa lên viện được một ngày thì ông vĩnh viễn ra đi mang theo lời nguyền oan nghiệp. Cái chết của ông Cừ ngày ấy là câu chuyện bàn tán từ đầu làng đến cuối xóm. Người ta bảo ông chết vì lên làm lãnh đạo, phạm vào lời nguyền truyền kiếp (?).
Ông Nhuế kể cho chúng tôi về cái chết của ông Truyền, người con quê hương làng Chuộn thoát ly lên thành phố Hà Nội. Cái chết của ông Truyền một lần nữa làm cả làng một phen sợ hãi khi nghĩ tới lời nguyền đó. Ông Truyền chết khi đang giữ chức phó tổng giám đốc một công ty đóng tàu lớn ở Hải Phòng.
Đang chờ quyết định bổ nhiệm làm tổng giám đốc thì ông ngã bệnh, vài tháng sau ông qua đời. Những cái chết bất thường đối với người dân làng Chuộn càng cho thấy sự nguy hiểm khi đùa giỡn với lời nguyền ấy. Những cái chết trẻ đương độ thăng tiến làm rung động làng quê bao phen.
Người thứ ba “dính” phải lời nguyền là ông Vũ Văn Hóa, giám đốc một công ty xây dựng. Cái chết cũng tương tự như vậy. Lần này từ người mê tín cho tới người coi đó là sự “vớ vẩn” cũng rùng mình. Còn một người may mắn “thoát chết” khi từ chối làm Bí thư tỉnh ủy Lai Châu.
Ông Phạm Văn Hương, gốc người làng Chuộn khi đó đang giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, được mọi người tín nhiệm lên giữ chức bí thư nhưng ông đã "từ chối khéo" bởi bệnh tật. Câu chuyện của ông từ Lai Châu cũng được người dân nơi quê nhà bàn tán đình đám. Người bảo ông sợ bị lời nguyền ám, người bảo ông khôn khéo biết lượng sức mình để an toàn tính mạng.
Theo ông Nhuế, các cụ ngày xưa kể lại, làng Chuộn có thế đất đẹp, bốn phương có long, ly, quy, phụng chầu, là đất học nhưng do con đường 223 chạy cắt ngang địa thế làng Chuộn nên đường công danh của con cháu bị cản trở. “Cứ có người đỗ đạt cao là y như rằng không chết non thì cũng tụt dốc. Truyền thuyết là thế, các cụ bảo thế chứ còn lớp trẻ bây giờ chúng không tin vào điều ấy nữa”. Ông Nhuế tâm sự.
Để tìm rõ thực hư của câu chuyện chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Đinh Văn Phức, Phó chủ tịch UBND xã Văn Lang, thì ông khẳng định: “Chuyện cụ Tú Bật được về bổ nhiệm làm quan ở làng Chuộn là có thật. Thế nhưng chỉ dựa vào những lời nói nóng giận của cụ khi ấy mà dân làng Chuộn xem đó là một lời nguyền thì thật hoang tưởng, mộng mị.
Đến nay những cái chết của người làng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và nguyên nhân về cái chết đó cũng đã được sáng tỏ. Người chết do ung thư, người do bị cảm… những cái chết đều do bệnh tật mang đến chứ không phải do lời nguyền gì cả. Lời nguyền kia chỉ là những lời thêu dệt từ câu nói nhất thời mà thôi. Chính sự cả tin của người dân đã tạo cơ hội cho những kẻ mê tín, buôn thần bán thánh có cơ hội kiếm tiền nhờ vào bói toán”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn