Trang trại lợn gây ô nhiễm, dân "bịt mũi" kêu cứu!

Thứ bảy - 10/06/2017 18:22
Một trại lợn nằm ngay giữa khu dân cư, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mất mùa xảy ra liên miên do nước thải xả ra trực tiếp làm cho người dân nơi đây sống trong cảnh khốn đốn… Đó là tình trạng đang diễn ra ở thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Dân khổ sở kêu cứu

Theo phản ánh của người dân, trên mảnh đất nằm lọt giữa khu dân cư, ông Thân Văn Đức đã cho xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô để chăn nuôi lợn. Hàng ngày, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến những hộ dân sống xung quanh luôn ngột ngạt khó thở.

“Nước thải từ các chuồng lợn bao vây, mở mắt đã ngửi thấy mùi phân xộc vào mũi, nửa đêm đang ngủ cũng phải bật dậy vì trại lợn lại xả thải ra mùi không thể nào chịu được” – ông Thân Văn Tiếp, một hộ gia đình sống gần trại lợn bức xúc.

 


Nước thải từ chuồng lợn chảy trực tiếp xuống cống sinh hoạt của người dân

 

Ông Tiếp cho biết, gia đình ông Đức nuôi khoảng 100 con lợn, mùi hôi thối không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên ốm đau bệnh tật là chuyện thường làm cho chúng tôi hết sức lo lắng. Dù đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh lên xã nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng. Nhìn dòng nước đen ngòn, sủi bọt lăn tăn, chảy theo đường cống thoát nước của các hộ dân xung quanh rồi trực tiếp xả ra đồng ruộng khiến chúng tôi không khỏi rùng mình, ớn lạnh.

Một giáo viên sống gần trang trại bức xúc: “Gia đình tôi hàng ngày phải khổ sở chịu cảnh hôi thối bốc lên từ nước thải của lợn. Để giảm bớt mùi, hai vợ chồng đã phải cho xây tường rào lên cao, xung quanh sử dụng tôn vây kín nhưng cũng không ăn thua. Tội nhất đứa con út, mới hơn 7 tháng tuổi mà bị viêm phổi, viêm phế quản 4 - 5 lần. Không biết tình trạng này kéo dài gia đình tôi làm thế nào để sống nữa”.

Trang trại lợn của ông Đức không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và việc canh tác. Bà Hương, người có ruộng lúa chịu ảnh hưởng từ nước thải trại lợn xảy ra cho hay, mấy mùa liên tiếp gần đây lúa của những hộ bị nước thải xâm nhập đều bị mất mùa. Chăm bẵm được lúa nảy mầm, đến khi lúa tốt quá lại bị lép, chúng tôi chẳng biết kêu ai. Chân tay mà bỏ xuống ruộng không có bảo hộ lao động thì bị ngứa. Để cứu lấy miếng ăn của gia đình, tôi phải đắp bờ ruộng cao để ngăn nguồn nước ô nhiễm tràn vào.

 


Nước thải tràn ra cánh đồng gây mất mùa

 

Trang trại của ông Đức nằm ngay giữa vùng đông cư đông đúc, lại cách UBND xã Sơn Lộc chừng mấy trăm mét nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mấy năm nay. Theo quan sát của phóng viên, hiện tại trong hai dãy chuồng của gia đình ông Đức có khoảng 80 con, lớn nhỏ với hệ thống bể xử lý nước thải bioga sơ sài luôn trong tình trạng quá tải, không có bể lắng nên việc chất thải trào qua bên ngoài mà chưa qua xử lý là chuyện thường.

Buông lỏng quản lý

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trọng Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết: “Nói về hộ gia đình ông Đức thì chưa được xem là trang trại chăn nuôi lợn, mà chỉ mới ở cấp độ hộ gia đình. Xã cũng đã nhận được một số lá đơn phản ánh và cũng đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.

Ông Đạt giải thích, mặc dù có có hệ thống sơ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường nhưng chưa đảm bảo kỹ thuật theo quy định. UBND xã đã 3 lần xuống kiểm tra mời lên làm việc, gia đình ông Đức cũng đã hứa khắc phục bằng cách hạ số lượng lợn nuôi xuống, bắt xử lý lại chất thải, xây dựng hệ thống đường ống xử lý để cách xa khu dân cư. Tuy nhiên ông Đức, chủ hộ nuôi lợn đã xin đầu tư hệ thống nắp mương để hạn chế ô nhiễm nhưng việc làm này vẫn chưa đem lại kết quả.

Vị Phó chủ tịch xã cũng thừa nhận, vấn đề xử lý xã thật sự chưa làm việc được một cách nghiêm túc vì mình đang khuyến khích chăn nuôi mà xử lý nghiêm lại khó.

“Việc chăn nuôi của gia đình ông Đức thực tế cũng đã gây nên hệ lụy nhiều mặt, xã cũng đã đề nghị gia đình tìm một khu chăn nuôi phù hợp, lúc đó xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển chăn nuôi”, ông Đạt nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lân – Chuyên viên phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Can Lộc khẳng định, chưa hề có một văn bản nào làm việc của xã với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện về vấn đề này.

Theo ông Lân, “quy mô chăn nuôi hộ gia đình thì trách nhiệm đầu tiên phải là UBND xã. Nếu nhận được phản ánh gây ô nhiễm thì phải xuống kiểm tra, nghiêm trọng thì có thể xử phạt hành chính, thậm chí là đình chỉ hoạt động. Còn theo quy chế bảo vệ môi trường của tỉnh thì nếu quy mô nuôi trên 50 con thì phải ra vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã”.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo Diễm Phước - Trí Thức Đời sống & Tiêu dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây