Phân bón hỗ trợ nông dân nhưng phải trả tiền vận chuyển
Ông Lê Văn Hiền xóm Kim Quang, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang thắc mắc: “Gia đình tôi được nhận 15kg phân bón Sông Lam 333 nhưng phải nộp 20 nghìn đồng. Nếu như thông báo là cho dân thì sao còn thu tiền nữa. Không biết giá cả loại phân này như thế nào nhưng với số tiền trên tôi cũng mua gần được 15kg phân bón khác trên thị trường. Thấy lạ vì khi nộp tiền mà không có hóa đơn nên chúng tôi thắc mắc với xã thì được cán bộ trả lời đây là tiền chi phí vận chuyển và tiền bốc vác.”
Trao đổi với phóng viên về những thắc mắc của người dân, ông Trịnh Đình Cường – Phó Chủ tịch xã Hương Quang cho biết, vừa qua xã được Hội nông dân huyện chia cho 3 tấn phân bón. Sau khi nhận về, chính quyền đã phân phát cho 190 hộ dân, mỗi hộ 15kg, đồng thời thu mỗi hộ 20 nghìn đồng.
“Toàn bộ số tiền thu của dân, chúng tôi nộp lên cho Hội nông dân huyện 3,6 triệu đồng, còn 200 nghìn đồng là tiền thuê người bốc vác chứ xã không lấy đồng nào. Tôi không nắm rõ lượng phân bón cấp cho dân theo chương trình gì nhưng có nghe nói là của Hội nông dân huyện, Hội nông dân tỉnh cho dân vậy thôi”, ông Cường cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vũ Quang cho hay: “Vừa qua Hội nông dân tỉnh cho huyện Vũ Quang 40 tấn phân bón. Sau khi nhận về chúng tôi chia cho 10 xã. Lượng phân bón này không nằm trong chương trình gì cả, chúng tôi chỉ nhận được thông báo là huyện nào nhận phân bón thì phải trả tiền chi phí vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về. Mỗi tấn phân bón khi đem về tận địa phương chúng tôi thu 1,2 triệu đồng, trong đó 800 nghìn đồng nộp về Hội nông dân tỉnh còn 400 nghìn đồng là chi phí chúng tôi thuê phương tiện chuyên chở và bốc vác tại nơi nhận đi phân phát cho các cơ sở”.
Còn trên địa bàn huyện Hương Sơn, ông Phan Văn Khanh – Chủ tịch Hội nông dân huyện cho rằng, huyện Hương Sơn được Hội nông dân tỉnh hỗ trợ 50 tấn phân bón, lúc nhận phân mình chỉ phải trả một số tiền gọi là phí vận chuyển. Phân này khi về hội cũng không nói rõ mục tiêu để làm cụ thể như thế nào, chỉ trên cơ sở thử nghiệm đưa phân vi sinh về cải tạo đất, nên để cho mọi người đều biết đến loại phân này thì bọn anh chia đều cho 32 xã, thị trấn.
Ông Khanh còn nói, nói thu tiền để trả chi phí vận chuyển nhưng hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, chúng tôi cũng không thu nên đến giờ Hội nông dân huyện cũng phải bỏ thêm tiền để thuê người bốc vác và gửi vào cho Hội tỉnh.
Tiếp tục làm việc về vấn đề trên với ông Trần Trung Thành, Phó chủ tịch thường trực Hội nông dân tỉnh, ông Thành cho hay, lượng phân bón đó là do anh Thanh, Giám đốc công ty TNHH phân bón Sông Lam có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho Hội nông dân tỉnh sử dụng trong vụ Đông xuân để làm khảo nghiệm mô hình.
Theo đó, vào đầu tháng 11 Âm lịch, anh Thanh có đặt vấn đề với Hội nông dân tỉnh về việc cho tỉnh Hà Tĩnh 200 tấn phân bón, cấp cho các mô hình sản xuất nông nghiệp để khảo sát về chất lượng, hiệu quả kinh tế khi sử dụng sản phẩm của công ty.
“Tuy nhiên sau khi thống nhất, anh Thanh đã fax ra một bản hợp đồng ghi rõ số lượng 10 tấn phân vi lượng với giá 5000 đồng/kg, 190 tấn phân trung vi lượng giá 3.200 đồng/kg vận chuyển bằng đường tàu hỏa. Để vận chuyển đầy 7 toa Hội nông dân Hà Tĩnh xin thêm 10 tấn tổng cộng 210 tấn phân bón từ TP.Hồ Chí Minh về ga Yên Trung (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mỗi tấn phân bón được vận chuyển về tới ga Yên Trung Hội nông dân tỉnh phải trả cho anh Thành 800 nghìn đồng phí vận chuyển”, ông Thành cho biết.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn